ClockThứ Tư, 01/06/2016 05:55

Điểm tựa cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

TTH - Thừa Thiên Huế hiện có 4.585 trẻ em thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chiếm tỷ lệ 2,4%. Hơn bất kỳ ai trong xã hội, các em đã và đang rất cần một điểm tựa và sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Các em ở Trung tâm nuôi dưỡng xã hội tham gia vẽ tranh

Lắng đọng từ con số

Đáng ghi nhận là đã có 3.253 em có hoàn cảnh đặc biệt, đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước ở Thừa Thiên Huế được trợ cấp xã hội tại cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh các gia đình và cá nhân nhận nuôi trẻ mồ côi, hiện tại đã có 828 em được các cơ sở trợ giúp trẻ em nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp. Từ năm 2011 đến đầu năm 2016, con số các cơ sở là địa chỉ nhân đạo này ở Thừa Thiên Huế đã tăng từ 16 lên 20 cơ sở. Đó là những điểm tựa cả về vật chất và tinh thần vô cùng quý báu dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Không dừng lại ở đó, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được chữa bệnh bằng sự trợ giúp của những tấm lòng vàng. Tính ra trong 5 năm từ 2011 đến 2015, toàn tỉnh đã có 531 em được phẫu thuật phục hồi chức năng, trong đó có 206 em được hỗ trợ giải phẫu do bị bệnh tim bẩm sinh. Bên cạnh sự trợ giúp từ Quỹ Bảo trợ trẻ em, Văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đã có 63 em bị tim bẩm sinh được giải phẫu từ nguồn hảo tâm của Hội Bình an và Hy vọng Pháp. 

Những mô hình cần có

Tháng 6 /2013, Sở Lao động Thương binh Xã hội cùng thành phố Huế đã triển khai kế hoạch xây dựng và hoạt động các mô hình điểm chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng năm 2013. Mô hình “Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng” được triển khai tại xã Hương Sơ và mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” được triển khai tại phường Phú Hậu. Hoạt động chủ yếu của các mô hình là tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý cho trẻ em; trợ giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và phúc lợi xã hội khác để hòa nhập cộng đồng; tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; trợ giúp hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho trẻ em và gia đình; một số hoạt động đặc thù khác.

Cùng lúc với 2 mô hình trên, nhiều mô hình dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được triển khai ở Thừa Thiên Huế. Tiêu biểu như mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc gia đình, trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang); mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) và mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng tại xã Hồng Tiến. Bên cạnh đó, 2 mô hình điểm về ngôi nhà an toàn để phòng tai nạn thương tích cũng được xây dựng ở xã Thủy Bằng và Thủy Phù (thị xã Hương Thủy). Thực tế cho thấy, các mô hình đã phát huy sự hữu dụng. Thông qua các hoạt động và các buổi giao lưu, sinh hoạt, các em được vui chơi, học hỏi và nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Dẫu các ban ngành có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, mặt trái cơ chế thị trường làm phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Công tác quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế quản lý phù hợp. Mạng lưới cộng tác viên thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được xây dựng nhưng còn mỏng; những người làm công tác trẻ em từ tỉnh đến xã/phường/thị trấn vừa mỏng, vừa mới lại kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa phát huy hết khả năng cho công việc. Đó cũng là vấn đề đặt ra trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2016 ở Thừa Thiên Huế với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”.

Bài, ảnh: Huế Thu  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Sau gần 2 năm triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trở thành điểm tựa để các em vượt qua nghịch cảnh, vươn lên học tập, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top