ClockChủ Nhật, 19/06/2016 13:56

Điện thờ nơi cửa rừng

TTH - Xưa ranh giới giữa rừng núi và đồng bằng được phân định rõ ràng. Muốn vào rừng làm ăn, khai thác lâm thổ sản phải được phép của nhà chức trách.

 Ở các nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch, đầu nguồn sông Bồ, thời các chúa Nguyễn và đầu vua Nguyễn đã có sở Tuần bộ đề tuần phòng và thu thuế nguồn. Ở Bảo Hưng Bình (sông Truồi) cũng vậy, có thủ sở trưng thu thuế nguồn, sau đó bỏ, giao cho người lãnh thầu.

Núi rừng xưa hoang vu, làm ăn trong rừng phải đương đầu với bao hiểm nguy rình rập. Bởi vậy, trước khi vào rừng, con người phải làm nghi lễ cầu nguyện. Đó cũng là lý do để cách hơn 100 năm, một điện thờ đã xuất hiện ở đầu nguồn sông Truồi, có tên là điện Khe Dài. Tương truyền do các ông Xạ Keo, Kiểm Trĩ (làng Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc), các ông Bộ Dạ và Bộ Khanh (làng Đồng Di, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) là những chủ xâu trai (người lãnh thầu, độc quyền tổ chức khai thác gỗ dùng để đóng thuyền ở vùng động Truồi) đứng ra xây dựng. Mục đích là để thờ trên sơn dưới thủy, cầu mong thần linh phù hộ công việc làm ăn được may mắn và phát tài.

Nằm ở xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc), điện Khe Dài nguyên thủy có chánh điện và hai miếu nhỏ ở hai bên tả hữu hướng về phía núi Truồi, xung quanh có tường xây bao bọc. Bị ảnh hưởng của chiến tranh và không được chăm sóc chu đáo nên sau ngày giải phóng, điện bị hư hỏng nặng nề. Công trình chỉ còn lại một số mảng tường vỡ (được xây bằng đá cuội, gạch và vôi), một phần miếu nhỏ nằm ở bên hữu và một số bộ phận không xác định rõ. Sau khi khu Kinh tế mới Khe Dài ra đời (1982) và xã Lộc Hòa được thành lập (1986), công trình điện Khe Dài đã được bà con ở đây tự nguyện tu sửa bước đầu. Thay cho chánh điện bị đổ nát, người ta đã dựng tạm một bệ thờ. Sau đó vào năm 2013, từ nguồn huy động đóng góp, chánh điện của điện Khe Dài đã được xây mới, tương đối khang trang, đáp ứng cho các nghi lễ thờ cúng và công việc chăm sóc.

Tháng 4/1930, Chi bộ Bàn Môn, một trong hai chi bộ Đảng nông thôn đầu tiên ở tỉnh ta, chịu trách nhiệm tổ chức, vận động quần chúng cả ba huyện phía nam là Hương Thủy, Phú Lộc và Phú Vang ra đời. Với vị trí và địa thế thuận lợi nằm ở vùng cửa rừng, điện Khe Dài là nơi mà đồng chí Bùi Pha và các đảng viên trong Chi bộ Bàn Môn thường trú ẩn và tổ chức các buổi sinh hoạt, hội họp, vạch ra đường lối đấu tranh cách mạng cho cả vùng phía nam tỉnh Thừa Thiên nói chung và vùng Truồi nói riêng trong giai đoạn cách mạng 1930 - 1945. Sau này, trong trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điện Khe Dài tiếp tục là nơi ẩn náu lý tưởng, che chở cho các hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ, đảng viên và chiến sĩ của ta. 

Bên cạnh việc nhang khói thường xuyên, hằng năm tại điện Khe Dài có tổ chức lễ cúng đóng cửa rừng và thượng nêu (lễ cúng tất niên) vào ngày 25 tháng Chạp Âm lịch và lễ mở cửa rừng (hạ nêu) vào ngay mồng 7 tháng Giêng Âm lịch. Người dân vùng Truồi nay trước khi vào rừng vẫn thường ghé lại đây thắp nhang và cầu nguyện. Có thể xem, điện Khe Dài là một thiết chế văn hóa tâm linh đặc biệt ở vùng đất giáp giới với rừng núi (vùng cửa rừng) cổ đang được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top