ClockThứ Sáu, 21/10/2016 14:14

Định hướng đầu tư công theo ngành, lĩnh vực còn dàn trải

Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, định hướng của Chính phủ về đầu tư công theo ngành, lĩnh vực còn dàn trải.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng.

Trong đó, bao gồm cả 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), gồm ngân sách trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

Trong Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp, dư địa thu không còn nhiều, tăng trưởng GDP khó đạt kế hoạch, yêu cầu kiểm soát, cắt giảm bội chi NSNN đang đặt ra bức thiết gắn với đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, việc huy động vốn vay phải trong giới hạn trần nợ công nên về cơ bản tán thành tổng mức vốn đầu tư phát triển Chính phủ đề xuất và coi đây là tổng mức vốn tối đa có thể bố trí cho giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý tới một số ý kiến cho rằng, tổng mức vốn dự kiến trên là khá cao so với thực lực NSNN hiện nay, tiềm ẩn những rủi ro nhất định, đặc biệt đối với an toàn nợ công và mục tiêu giảm bội chi NSNN đến 2020 dưới 4% GDP.

Đánh giá định hướng đầu tư theo ngành, lĩnh vực của Chính phủ, báo cáo thẩm tra cho rằng, định hướng này còn dàn trải. Qua giám sát, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ chiếm tỉ trọng tương đối lớn.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phần vốn dự kiến phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 cho lĩnh vực này cũng khá cao so với các lĩnh vực khác trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị BCHTW lần thứ 7 Khóa 10; vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế còn hạn chế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đáng giá, đầu tư cho hạ tầng giao thông là cần thiết, song việc dành một tỉ lệ quá lớn nguồn lực đầu tư cho giao thông đã dẫn đến thu hẹp nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác, làm mất cân đối trong phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.

Đối với một số dự án trọng điểm, nguồn lực đầu tư lớn như dự án đường cao tốc Bắc-Nam (tuyến phía Đông), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng, miền, huy động nguồn lực lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia. Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn lực, đúng thẩm quyền theo luật Đầu tư công, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với dự án này tại kỳ họp gần nhất.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, dự kiến phương án phân bổ chi tiết 2 triệu tỷ đồng này như sau: 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; 38.916,47 tỷ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội.

Chính phủ cũng dự kiến 7.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; 7.300 tỷ hỗ trợ nhà ở cho người có công; 7.300 tỷ đồng, 10.000 tỷ cho dự án chống ngập TP HCM; 20.000 tỷ đầu tư 5 bệnh viện tuyến cuối… 

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 200.000 tỷ đồng được Bộ trưởng Dũng cho biết dự kiến sẽ phân bổ 121.150 tỷ đồng cho ngành giao thông trong đó có 75 nghìn tỉ đồng cho Bộ Giao thông vận tải; 5.530 tỷ đồng cho Bộ Quốc phòng (phục vụ dự án đường Trường Sơn Đông 1.530 tỷ đồng và dự án đường tuần tra biên giới giai đoạn hai 4.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dự kiến phân bổ 41.800 tỷ cho ngành thủy lợi; 14.540 tỷ cho ngành y tế; 1.100 tỷ đồng cho dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La; 6.000 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo, tiểu học…

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP

Từ tháng 10/2023, dự báo của Chính phủ mức tăng trưởng GDP năm nay vào khoảng 5%, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn được đánh giá đó là mức tăng trưởng khá cao so với khu vực.

Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 8 cuộc thanh tra về đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 42 cuộc thanh tra, kiểm tra vừa được Bộ này ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2024 sẽ có 8 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2023 tại 8 tỉnh: Ninh Bình, Lào Cai, An Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Ninh, Hà Giang và Nam Định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 8 cuộc thanh tra về đầu tư công
Để đầu tư công là động lực đưa Huế "cất cánh"

Năm 2024 là năm có nhiều sức ép để tạo thế và lực thực hiện đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh sức mạnh tổng lực từ nhiều phía, đầu tư công phải thực sự là đầu tàu dẫn dắt và kéo tăng trưởng kinh tế cũng như tạo diện mạo mới cho Huế

Để đầu tư công là động lực đưa Huế cất cánh
Đẩy mạnh cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp

Là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư vào chiều 17/1.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp
Return to top