ClockChủ Nhật, 30/06/2019 11:43

Đồ họa & nỗi lo thiếu đội ngũ kế cận

TTH - Lực lượng sáng tác đồ họa vốn đã ít ỏi, cộng thêm việc xóa mã ngành đào tạo bộ môn đồ họa sau nhiều năm vắng bóng thí sinh, khiến loại hình nghệ thuật này đứng trước nguy cơ thiếu lực lượng kế cận.

Tác phẩm “Giao mùa 1” của Trầm Thị Trạch Oanh

Đẹp từ sự chấm phá nét, mảng

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, cũng từng ấy thời gian họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa, nguyên Trưởng Bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế gắn bó với ngành đồ họa. Tất cả tranh của chị, hàng trăm tác phẩm, đều sáng tác theo thể loại này. Với Hải Hòa, đồ họa thu hút chị ở đường nét, tuy mảnh mai nhưng phối hợp được không gian và có muôn vàn sắc độ tạo nên chiều sâu vô biên của tác phẩm. Tranh của chị tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế ở Thái Lan, Úc, Nhật Bản... Nhiều tác phẩm của chị đã đoạt giải thưởng, được sưu tập trong và ngoài nước, trong đó có tác phẩm “Sự yên tĩnh trong vườn” nằm trong bộ sưu tập của Hoàng gia Thái Lan.

Một họa sĩ khác cũng dành nhiều đam mê với đồ họa tạo hình, ấy là Trầm Thị Trạch Oanh, giảng viên trẻ của Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Hầu hết sáng tác của Oanh đều là tác phẩm đồ họa. Cô chịu khó tìm tòi để tác phẩm đồ họa không chỉ được treo trên tường mà còn có thể tương tác bằng cách biến tác phẩm đồ họa thành sách ảnh, kích thích thị giác của người xem.

Trong tác phẩm book art “Âm vang sóng biển”, Trạch Oanh sử dụng chất liệu đồ họa với nét và mảng chủ đạo để lột tả vẻ đẹp của biển qua từng trang sách bằng gam màu đen tím của khoảnh khắc chiều buông. Hay trong tác phẩm đồ họa sắp đặt vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng có tên “Hoa của đất 2”, chất đơn sắc, trầm, mộc của kỹ thuật litho trên bản gỗ gợi nên yếu tố của lịch sử, nét xưa cũ của quá khứ, kết hợp với ánh sáng màu trắng lạnh của đèn led tạo nên sự trang nghiêm, vinh danh. Tác phẩm của nghệ sĩ trẻ này cũng từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Ghi dấu ấn và đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của mỹ thuật Huế, nghệ thuật đồ họa hiện đại đến với Huế từ những năm đầu thế kỷ XX, trong Tạp chí B.A.V.H có minh họa những bản vẽ về nghệ thuật đồ họa. Tranh đồ họa từ tổng thể đến chi tiết được thực hiện công phu trong việc xử lý kỹ thuật, in ấn tuân thủ theo quy trình khắt khe, thể hiện tính chuyên nghiệp. Thế mạnh của đồ họa là nét, mảng, có tính gợi, khái quát nhiều hơn tả. Họa sĩ Hải Hòa giới thiệu: “Tranh đồ họa ở Huế có nét riêng trong kỹ thuật thể hiện, chất liệu phong phú, do các họa sĩ học tập những kỹ năng truyền thống và cộng hưởng phương pháp tạo hình hiện đại từ nước ngoài. Nghệ thuật đồ họa đã đóng góp cho Huế những thành tích nổi bật với những tác giả có giải thưởng cao, tranh được sưu tập tại các bảo tàng mỹ thuật trong nước và quốc tế”.

Thiếu vắng đội ngũ

Trong lực lượng nghệ sĩ tạo hình ở Huế, họa sĩ sáng tác tranh đồ họa khá ít ỏi. Theo họa sĩ Hải Hòa, nguyên do chính là tác phẩm đồ họa đòi hỏi sáng tác theo các quy trình khắt khe, công phu, tỉ mỉ nên khá vất vả, đầu tư kinh phí tốn kém nhưng tranh lại ít thu hút thị trường và các nhà sưu tập. Họa sĩ Trạch Oanh cho rằng: “Một trong những lý do khiến sinh viên ít đến với ngành đồ họa là ngoài việc cần kiên trì để trải qua quá trình học tập bài bản, cơ hội để người theo học đồ họa tìm kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao vẫn khó”.

Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết, cách đây vài năm, những giảng viên của bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế đã rất nỗ lực trong việc làm cho mọi người hiểu đúng về đồ họa, đưa đồ họa về đúng vị trí của nó khi tổ chức hai trại sáng tác đồ họa với sự tham gia của các nghệ sĩ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Lan… nhưng cũng không ăn thua. Trong tâm lý của nhiều người, kể cả nghệ sĩ, đồ họa chưa được coi trọng đúng mực.

Sau nhiều năm không tuyển được thí sinh nào, Đại học Huế đành xóa mã ngành đào tạo bộ môn đồ họa, tạm thời chuyển ngành đồ họa về Khoa Hội họa. Điều này để lại nhiều tiếc nuối, thậm chí là đau xót cho đội ngũ nghệ sĩ đồ họa tạo hình. Họa sĩ Hải Hòa buồn bã: “Chúng tôi rất buồn nhưng đành chấp nhận. Huế trong tương lai sẽ thiếu vắng đội ngũ sáng tác nghệ thuật đồ họa. Không thể phát triển như những ngành hot, nhưng cần phải giữ nghệ thuật đồ họa tồn tại ở Huế. Nếu mất đi thì mỹ thuật Huế sẽ thiếu vắng một ngành kinh điển của mỹ thuật”.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh đề xuất, cần có cơ chế đặc thù cho những ngành đào tạo đặc thù. Trong đào tạo nghệ thuật, việc không tuyển sinh được vài năm là chuyện bình thường nhưng mã ngành vẫn phải giữ. Bên cạnh đó, các họa sĩ đồ họa phải cố gắng làm việc, sáng tác, chứng minh cho giới trẻ thấy đồ họa là một ngành hay, đồng thời tổ chức các sự kiện, cuộc thi, workshop… để hấp dẫn các bạn trẻ.

Những người tâm huyết với đồ họa như họa sĩ Phan Hải Bằng vẫn tin rằng, đồ họa sẽ phục hồi trong nay mai, một khi còn nhiều người tâm huyết với nó, có thể bằng một hình thái khác.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi lo vũ khí, vật liệu nổ và pháo

Cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo nổ là vấn đề đáng quan tâm.

Nỗi lo vũ khí, vật liệu nổ và pháo
Nỗi lo thực phẩm bẩn

Những ngày qua, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh phát hiện, thu giữ nhiều thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trong số đó, có những thực phẩm bốc mùi hôi thối. Đây thực sự là điều đáng lo ngại đối với người tiêu dùng.

Nỗi lo thực phẩm bẩn
Những tấm lòng son với Huế

Tháng 10/2022, bệnh nhân N.P, ở đường Phan Chu Trinh Huế, bị bệnh tim Brugada, thường hay ngất xỉu nặng. Đã hai lần bị “chết hẳn” nhưng được Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời cứu sống và nếu không mang máy phá rung tim thì bệnh nhân sẽ không thể tiếp tục sống. Qua GS.TS. bác sĩ Huỳnh Văn Minh, giảng viên Trường đại học Y dược Huế, bệnh nhân P. được nhận máy, giá trị 284 triệu đồng từ GS. Trần Thống, Việt kiều Mỹ gửi tặng.

Những tấm lòng son với Huế

TIN MỚI

Return to top