ClockThứ Tư, 21/06/2017 13:36

Đội đóng tàu mũi né ngày ấy...bây giờ

TTH - Ở thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc), có một đội chuyên đóng tàu gỗ cho các xưởng trong và ngoài tỉnh. Dưới bàn tay tài hoa, cần mẫn của người thợ, những con tàu đã “tiếp sức” cho ngư dân vươn ra biển lớn.

Tại xưởng đóng tàu của ông Nguyễn Văn Phong (thị trấn Thuận An)

Hướng về quê hương

Trong hồi ức của nhiều thợ đóng tàu giỏi xứ Tam Giang- Cầu Hai, “đội quân” có nghề truyền thống đóng tàu cá nguyên thủy đều làm ở hai xưởng đóng tàu Mũi Né- Đá Bạc và thị trấn Phú Lộc hiện nay. Ông Nguyễn Văn Lãm (56 tuổi, một thợ đóng tàu) bảo rằng, không biết xưởng được hình thành khi nào, chỉ biết rằng đời ông cố, ông nội gia đình ông đã làm thợ ở đó. Và năm 20 tuổi, ông Lãm làm “lễ trưởng thành nghề” cũng từ xưởng đóng tàu truyền thống của làng chài. Qua nhiều thế hệ, những người thợ với đôi tay tài hoa nơi làng chài ấy đã đi muôn nơi, mang những kỹ năng, kinh nghiệm gia truyền góp nên hình hài những con tàu đạp sóng ra khơi.

Ông Lãm từng là một trong những thợ đóng tàu giỏi tại xưởng ông Nguyễn Văn Phong (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Ông cũng đã “lưu lạc” nhiều nơi với lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nghề mộc đến các xưởng đóng tàu ở Hải Phòng, Đà Nẵng để làm. Ông Lãm kể: “Hồi đó công của thợ đóng tàu chỉ 12-50 nghìn đồng/ ngày, ở xưởng đóng tàu Mũi Né- Đá Bạc. Có người vì yêu nghề, muốn giữ nghề mà phải ra đi nhưng cũng có người vì kế mưu sinh khi vợ con ở nhà vẫn ngày ngày bám biển. Anh em ra xưởng ngoại tỉnh thường lập lán trại ở chung với nhau, cùng nghề, cùng một cảnh hai quê nên những người thợ gắn bó như máu thịt với nhau cũng từ đó”.

Những tháng ngày mưu sinh ở xưởng đóng tàu Bãi Cháy (Hải Phòng) với ông Lãm không chỉ là thời gian cơ cực mà còn là ký ức đẹp về tình người. Anh em làm chung, ở chung luôn hỗ trợ nhau khi đau ốm, có tai nạn nghề nghiệp. “Bữa đó, lán trại nhóm thợ chúng tôi phải làm nhà sàn như đồng bào vì xung quanh toàn bùn lầy. Mỗi lúc triều cường lên đang ngủ thì sóng vỗ ướt lưng. Tuy làm theo thời vụ, mỗi chuyến đi chỉ đóng 5-7 chiếc tàu công suất nhỏ nơi xưởng đóng tàu Bãi Cháy, nhưng thợ đóng tàu phải 2-3 tháng mới được trở về quê Phú Lộc một lần”, ông Lãm nhớ lại.

Với thợ đóng tàu Nguyễn Văn Song (59 tuổi), những tháng ngày “lưu lạc” mưu sinh ở các xưởng đóng tàu ở Quảng Trị, Hải Phòng, Đà Nẵng là thành quả lao động tiếp sức cho bước chân của con cái đến trường.

Ông Song kể, hồi đó thợ đóng tàu vất vả, hiểm nguy hơn bây giờ rất nhiều bởi mọi công đoạn làm nên hình hài chiếc tàu đi biển đều hoàn toàn thủ công. Từ đục, khoan và đẩy lên đà, xuống đà mỗi con tàu đều phải dùng sức người. Vì vậy, để có con tàu lớn phải đóng cả trăm người thợ, ròng rã mấy tháng trời mới xong. “Hạ thủy tàu phải dùng con lăn bằng gỗ, đây là công đoạn nguy hiểm nhất, nhiều bạn thợ mình đã bị thương, tàn tật. Anh em bây giờ vẫn giữ liên lạc với nhau. Thợ đóng tàu hiện nay sướng hơn nhiều, có lán rại ở, có ti vi, wifi; không còn “chạy ăn” mỗi khi trời mưa lớn nữa”, ông Song nhớ lại.

Sau bao năm góp công ở xưởng đóng tàu xứ người, ông Song giờ về “đầu quân” cho xưởng đóng tàu ở Huế. Thành quả bao năm mà ông gây dựng giờ đây dành tất cả cho con. Trong 4 người con của ông đều thành đạt, có người làm kiến trúc sư, có người giáo viên, nhưng cũng có người tiếp nối nghề truyền thống đóng tàu của gia đình.

Xưởng tàu gia đình

Ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận bảo rằng, từ đội đóng tàu ở Phú Lộc, đến nay vùng đất này có khoảng 70 thợ chuyên đóng tàu gỗ cho các xưởng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, có khoảng 90% số thợ đang làm tại các xưởng ở Huế. Trong số đó, có nhiều “thợ cả” chuyên nhận thầu tàu cá hoặc tự mở xưởng riêng cho mình.

Câu chuyện ông Hiếu đang nói đến là gia đình của ông Nguyễn Văn Phong, chủ xưởng đóng tàu ở thị trấn Thuận An. Ông Phong là anh ông Lãm và cũng là chú ruột ông Nguyễn Văn Cắt- chủ xưởng đóng tàu ở chân cầu Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc). Đại gia đình ông Phong hiện có khoảng vài chục thợ là anh em bà con chuyên đóng tàu gỗ ở các xưởng. “Nhiều lúc người ta nói vui là anh em, chú cháu tui có xưởng đóng tàu của gia đình. Mà nghĩ rứa cũng đúng, mỗi người thợ vừa là anh em, có người từ ngư dân mà ra cả. Những con tàu chúng tôi đóng cũng theo ngư dân, phục vụ ngư dân cả mà thôi!”, ông Phong trải lòng.

Hiện tại, xưởng ông Phong có diện tích 4.500m2, luôn thường trực 40-50 thợ đóng tàu với thu nhập bình quân 400 nghìn đồng/ngày/người. Bình quân mỗi năm tại “xưởng đóng tàu gia đình” ông Phong đóng khoảng 9-10 tàu cá công suất trên dưới 800CV cho ngư dân trong và ngoài tỉnh. “Bắt đầu tháng 2/2017, khởi đầu năm mới chúng tôi đã nhận hợp đồng đóng mới tàu cá cho 3 ngư dân là chủ tàu ở tỉnh Quảng Bình theo Nghị định 67 của Chính phủ. Không chỉ là chủ xưởng, anh em thợ đóng tàu cũng rất vui vì sản phẩm mẫu tàu hậu cần, đánh bắt của Huế đã được ngư dân các tỉnh khác ưa chuộng”, ông Phong tâm sự.

Cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và vào cuộc các cấp, ngành, hiện nay, thị trường đóng tàu ở Huế trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Mới đây, ngư dân Nguyễn Văn Cắt đã vay vốn đầu tư xưởng đóng tàu 500 triệu đồng tại chân cầu Tư Hiền. Dù quy mô còn nhỏ, song với những người thợ đóng tàu, đó là một khởi đầu lớn lao, không chỉ vì sinh kế mà con giúp họ thỏa mãn ước mơ được sống với nghề.

Ông Cắt trước đây là một “thợ cả” đóng tàu giỏi. Mang nghề đóng tàu đi nhiều nơi để mưu sinh. Khi kinh tế ổn định, với ước mơ được duy trì nghề tuyền thống của cha ông, ông Cắt đã mở một xưởng đóng tàu với sự cộng tác của những anh em thợ trong gia đình. Hiện xưởng ông Cắt mới chỉ đi vào hoạt động, đóng mới bình quân từ 5-6 chiếc tàu công suất vừa mỗi năm.

Theo Sở NN&PTNT, khoảng 3 năm ̉ lại đây, trên địa bàn tỉnh đã đóng mới, cải hoán khoảng 100 tàu cá có công suất từ 400-820CV. Trong đó, khoảng hơn 10% số tàu cá được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Cùng nhiều nguồn vốn khác nhau với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, hàng trăm ngư dân đã đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá, phát huy nghề truyền thống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông Hương ngày ấy… bây giờ

Khi hoàn thành cầu sông Hương sẽ là cầu đi bộ thứ 7 bắc qua dòng sông này, tính từ chợ Dinh lên ngã ba Tuần. Cùng với nó là cảnh quan đôi bờ được chỉnh trang, góp phần làm cho Huế hiện hữu đẹp lên từng ngày.

Sông Hương ngày ấy… bây giờ
Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, Ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng
Bất cập ở cơ sở đóng tàu không phép

Nhiều cơ sở đóng tàu nằm ở khu vực biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh, không chỉ hoạt động không phép mà còn gây ô nhiễm, lấn chiếm hành lang cầu đường bộ, ảnh hưởng rừng dương ven biển.

Bất cập ở cơ sở đóng tàu không phép
Return to top