ClockThứ Năm, 27/02/2014 10:40

Đỏ mắt tìm người giúp việc nhà

TTH - Với nhu cầu ngày càng lớn về giúp việc nhà (GVN), càng ngày, người lao động làm công việc này càng nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, người sử dụng lao động thường lâm vào tình trạng “méo mặt” vì tìm không ra người GVN ưng ý.

Săn lùng

Vợ chồng anh H (phường Vĩnh Ninh) sống chung với cha mẹ chồng. Tuy nhiên, tuổi hai cụ đã cao, sức khỏe yếu, đứa bé lại hay quấy khóc, nên vợ chồng anh H quyết định chọn phương án tìm người giúp việc, chủ yếu để chăm sóc đứa bé. Con gần bốn tháng tuổi (có nghĩa hai tháng sau vợ đi làm), gia đình anh H bắt đầu “ngó nghiêng” tìm người. Đủng đỉnh như vậy, vì cha mẹ anh H chủ quan quen biết rộng, thiếu gì “mối” giới thiệu giúp.

Nghề giúp việc gia đình cần được đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội

Quả, mới đánh tiếng một phụ nữ ở gần nhà thường đi phụ thợ nề, nhận lời đến làm. Tuy nhiên, khi hai bên đang lập hợp đồng miệng, theo đó thỏa thuận về công việc, giờ giấc, tiền công thì chị này lắc đầu, thối lui. Lý do, chị này đã ly hôn, một mình nuôi hai con còn đi học, phải đưa, đón bọn trẻ đúng giờ hành chính, buổi trưa về chợ búa nấu nướng, cho con ăn. Trong khi đó, gia chủ lại yêu cầu buổi sáng chị phải đến sớm trước 7 giờ và buổi chiều đến trước 13 giờ 30 phút.

Mất “mì xưa”, lại cận ngày vợ đi làm, anh H bắt đầu sốt ruột, tăng tốc dò la. Người tiếp theo nhận lời là một phụ nữ tầm năm mươi. Nhưng sau khi đến tận nhà anh H tìm hiểu tình hình cụ thể cũng như giao kèo các điều khoản miệng trước khi nhận việc, thì chị này cũng “bái bai”, khiến gia chủ dở khóc dở cười. Lý do: chị này phát hiện một vài người quen của mình sống gần nhà anh H nên... ngại.

Qua giới thiệu của bạn bè đồng nghiệp, anh H khấp khởi vì một “mối” có vẻ chắc. Chị này làm giúp việc nhà mấy năm liền, không còn chuyện ngại ngần người khác biết. Đến nhà anh H xem xét, thỏa thuận giá cả xong, mấy hôm sau chị đến, nhưng không phải để bắt tay vào công việc mà lại… thoái thác với lý do trời ơi đất hỡi “chồng đổi ý”. Nhưng sau đó, những người hàng xóm mách, do chị này lân la tìm hiểu “đồng nghiệp” GVN bên cạnh, được biết, con anh H hay quấy khóc, “khó tính”, nên mới rút rui.

Xây xẩm mặt mày, cả nhà anh H lại ra sức “lùng sục”. Lần này, thông qua người GVN cho hàng xóm cạnh bên, anh H lùng được một chị người ở huyện Phú Lộc. Coi ngó nhà cửa, nhất trí giá cả... xong xuôi, anh H chắc mẫm sau lần này sẽ được thở phào. Nhưng ai ngờ, anh lại kêu trời không thấu, thở dài thườn thượt than: “Hôm sau bà ấy không đến mà gửi lời nhắn qua người giới thiệu, thoái thác. Người này ghé tai tôi “bật mí” lý do thực sự khiến bà ấy “hãi”, là ngôi nhà mấy tầng của tôi quá lớn, bà ấy sợ dọn dẹp không xuể. Mệt. Mà tôi đã nói rõ, thuê bà ấy chỉ để bồng bế, chăm sóc đứa trẻ thôi, việc nhà bà ấy khỏi phải làm. Từ trước Tết tới giờ, tôi đỏ mắt kiếm NGV, qua mười mấy mối, bây giờ mới có một vị “đứng” lại được. Chị này lóng ngóng, không quen việc chăm trẻ con. Nhưng chị ấy nhận lời cho, vợ tôi khỏi phải nghỉ việc ở nhà chăm con là đã mừng lắm rồi”.

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh: Hiện nay, người lao động GVN và người sử dụng lao động vẫn tìm đến nhau qua giới thiệu ngoài xã hội, ít trường hợp thông qua “kênh” Trung tâm. Việc xúc tiến của “kênh” này vẫn chưa bài bản và mỗi năm Trung tâm chỉ xúc tiến khoảng 20 đến 30 trường hợp. Trung tâm cũng chưa mở lớp đào tạo nghề GVN chuyên nghiệp, bởi rất ít người tham gia. Phần lớn người làm việc này đều nghèo, dân trí thấp, cần việc làm qua ngày, nên không nghĩ đến đào tạo bài bản. Tuy nhiên, với xu thế phát triển của thời đại, việc đào tạo nghề GVN nhất định phải có.

Cùng chung cảnh ngộ như anh H, gia đình anh T (phường Trường An), chị Th (phường Thuận Hòa) cũng phải “lùng sục” rất lâu mới tìm được người GVN. “Người của anh T” là một cô bé 16 tuổi, ở tận Quảng Trị (cùng quê với anh T). Còn GVN cho gia đình chị Th là một phụ nữ đã ngoài năm mươi, ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền).

Khó bền

Anh T thường “vuốt râu” tâm đắc vì may mắn kiếm được người GVN ưng ý. “Gia đình con bé làm nông. Hồi ở nhà, nó giỏi việc nhà, thật thà, chăm chỉ, là một trụ cột của gia đình. Bây giờ giúp việc cho mình, nó vẫn giữ nguyên cái chất ấy nên cả nhà tôi ai cũng sướng. Chẳng phải phàn nàn bất cứ điều gì. Nhưng có lúc, mình cũng phải chiều lụy nó. Tết vừa rồi, mình phải đánh xe ô tô đưa nó về tận làng. Sau Tết, lại đánh ô tô ra Quảng Trị “rước” nó. Nhưng con bé hứa chỉ ở với gia đình tôi hết năm nay nữa thôi. Sang năm, nó vào Sài Gòn học nghề rồi ở lại trong đó làm công nhân may luôn. Lớn rồi, nó ngại cái tiếng “đi ở”. Anh T tiếc nuối.

May mắn, suôn sẻ như trường hợp gia đình anh T không phải là nhiều. Nhiều gia đình không mấy ưng ý người GVN cho mình, nhưng cũng đành bấm bụng chấp nhận. Ngược lại, không ít người giúp việc cũng lắm lý do không vừa lòng gia chủ. Điều này chính là nguyên nhân “tan vỡ” các “mối lương duyên” giữa người sử dụng lao động và người lao động dạng này.

Chị Th than: “Bà giúp việc trước đây chăm con bé rất tốt. Con em “đeo” bà ấy lắm, nên em yên tâm. Tuy nhiên, bà ấy cũng dựa vào điều này để “làm eo”. Lấy lý do bận chăm con bé, bà không mó tay vào bất cứ công việc nào khác. Em đi làm trưa ngắt trưa ngơ mới về, nhưng nồi niêu vẫn lạnh tanh. Cắm cái nồi cơm điện thôi thì có gì là khó, mà vẫn không làm. Thậm chí, mẹ về rồi thì cũng nên “trả” con cho mẹ để mình còn chăm nó. Đằng này không! Cứ ôm khư khư con bé, bồng đi chơi nhà hàng xóm, nên “chủ” cứ thế đầu tắt mặt tối lao vào bếp. Nhưng bực nhất là chuyện thích nghỉ lúc nào là nghỉ, tối hôm trước thông báo, sáng hôm sau nghỉ liền, làm sao mình “trở tay” cho kịp. Lặp lại nhiều lần như vậy quá, ảnh hưởng công việc cơ quan, em đành cho bà ấy nghỉ luôn. Nay mới tìm được người khác”.

“Người mới” của chị Th chịu khó, chăm chỉ hơn “người cũ”, nhưng lại mắc cái “tật” khó ăn. “Nhiều khi dọn cơm ra, bà ấy kêu món này, món kia không ăn được, rót nước mắm ăn, đâm ra mình thấy khó xử. Vậy nên, cứ mỗi lần có món nào bà kêu không ăn được, em phải nhớ kỹ để còn tránh, mua món khác cả nhà cùng ăn luôn. Chiều còn hơn chiều cả mẹ mình ấy. Vậy mà Tết vừa rồi, bà ấy về quê, hẹn rằm tháng Giêng vào. Đến hẹn không vào, bà ấy cứ hẹn lần hẹn lữa mấy bận, trễ hẹn cả tháng. Bực quá, em định tìm người mới đó chứ”, chị Th ngao ngán.

Mấy năm gần đây, từ lúc GVN, với số tiền công 2,8 triệu đồng/tháng, chủ nhà bao ăn, chị L (phường An Cựu) trả được món nợ 40 triệu đồng vay ngân hàng lo đám cưới cho con, rồi tiếp tục gom góp được một số tiền ra tấm ra món, giải quyết công việc. Vậy nhưng, chị L lại tâm sự: “Bọn tui không coi GVN là một nghề, hay một công việc ổn định. Tui vốn làm nghề buôn bán. Tính, chỉ cần một gánh đậu hũ, buổi sáng đã kiếm được 5, 6 chục nghìn đồng, lại tự do tự tại. Chỉ khi nào mùa mưa lạnh quá, tui mới nhận lời giúp việc cho người ta. Trong quá trình làm, mình cũng có lúc sơ sót chứ. Nếu nhà chủ phản ứng khó chịu quá, không hợp tính hợp tình, thì mình nghỉ.

Một “đồng nghiệp” của chị góp chuyện: “Trước khi đi làm việc này (GVN) tụi tui ai cũng có nghề cả. Người buôn bán, người phụ thợ nề, người may vá… Chỉ khi không còn nhiều sức hay ngặt nghèo quá, mới chấp nhận “đi ở”. Tiền công hiện nay dao động bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng/tháng, cũng chẳng “ghê gớm” gì, nên tụi tui không tha thiết. Gặp nhà chủ kỹ tính quá, đòi hỏi thế nọ thế kia thì “đường ai nấy đi”, chẳng có gì ràng buộc”.

Phạm Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Huy động nguồn lực xóa nhà tạm

Sáng 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025 (phong trào).

Huy động nguồn lực xóa nhà tạm
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top