ClockThứ Bảy, 29/06/2019 09:09

Đô thị hóa nhanh chóng - ASEAN đang mất dần không gian xanh

TTH - Các khu định cư nhà ở dày đặc và các khu nhà cao tầng không có bóng cây xanh được cho là một trong những mặt trái của quá trình đô thị hóa. Mặc dù cuộc sống thành thị có thể mang đến nhiều cơ hội như cung cấp việc làm và đa dạng hoá dịch vụ thì không gian xanh vẫn là một phần quan trọng trong bất kỳ hệ sinh thái đô thị nào. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục đô thị hoá nhanh chóng, kéo theo nguy cơ làm gia tăng các tác động tiêu cực của sự phát triển đô thị khi thiếu không gian xanh.

Đô thị hóa và thương mại hóa ngành lâm nghiệp đang đe dọa các cánh rừng của châu Á

Thành phố xanh ở Singapore. Ảnh: HUMANITYPLUS

Báo cáo Chiến lược đô thị hóa bền vững ASEAN (ASUS) năm 2018 cho thấy, dấu ấn tài nguyên (thước đo để so sánh nhu cầu của con người đối với khả năng tái tạo các nguồn tài nguyên của Trái đất) tại các thành phố trong khu vực đang ngày càng nới rộng. Trong khi dân số đô thị ở ASEAN tăng khoảng 3%/năm thì tỷ lệ phát thải carbon dioxide (CO2) đã tăng 6,1%.

Nhiều thành phố ASEAN cũng nằm trong danh sách các thành phố có nhiều người phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên và các vấn đề môi trường, đặc biệt là mực nước biển dâng cao do hậu quả của biến đổi khí hậu. Và đô thị hóa nhanh chóng được cho là đang làm trầm trọng thêm nguy cơ của những thảm họa này. Các hệ sinh thái mất cân bằng làm đảo lộn đáng kể sinh kế và an ninh lương thực của cộng đồng địa phương.

Theo The ASEAN Post, Đông Nam Á có mức ô nhiễm không khí quanh đô thị cao nhất trên toàn thế giới với mức trung bình hàng năm thường vượt quá từ 5-10 lần giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang tiếp tục phát triển các công trình xây dựng. Không gian mở và các tòa nhà cũ đang nhường chỗ cho đường cao tốc, văn phòng hiện đại và khu chung cư để phù hợp với dân số ngày càng tăng… điều này càng làm tăng các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa.

Đe dọa lá phổi xanh

Theo WHO, không gian xanh trong đô thị tạo điều kiện cho các hoạt động thể chất và thư giãn; thiếu không gian xanh ước tính đã góp phần dẫn đến 3,3% tỷ lệ tử vong toàn cầu. Không gian xanh trong môi trường đô thị có thể giúp cân bằng lại sự ngổn ngang của đô thị, mang lợi ích cho sức khỏe con người. Giữ vai trò như những lá phổi, chúng cung cấp oxy cho các thành phố đông dân, đồng thời cây xanh còn có thể hấp thu một lượng khí nhà kính (GHG), chống xói mòn và giúp thoát nước. Không gian xanh đô thị mang đến cho cư dân sự giảm tải từ ô nhiễm không khí, tiếng ồn và thị giác, cũng như giúp hạ nhiệt các khu vực phát triển xung quanh.

Hiện tại, các không gian xanh đô thị là nơi có hệ sinh thái độc đáo với hàng trăm loài thực vật và động vật nhưng chúng phải đối mặt với các mối đe dọa từ áp lực của đô thị hóa. Tuy vậy, việc bảo tồn các khu vực này cũng đang bị đe dọa do vấn đề quản lý ngân sách, thiếu nghiêm ngặt đối với các hoạt động bất hợp pháp và các nỗ lực bảo tồn không đầy đủ...

Một số chuyên gia cho rằng, số phận của không gian xanh đô thị thường được đẩy vào tay cộng đồng và các nhà bảo tồn với nỗ lực gìn giữ nguồn tài nguyên ít ỏi để chống lại các đơn vị, doanh nghiệp giàu có muốn đẩy mạnh việc xây dựng ở đô thị. Rõ ràng, tìm cách lấy lại nguồn đất và thúc đẩy phát triển không gian xanh là điều khó nhưng rất cần thiết để đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Công viên nhân tạo

Trong một tín hiệu đáng mừng, những kế hoạch phát triển đô thị gần đây đã có sự kết hợp với không gian xanh, mặc dù tác động nhìn chung vẫn còn khiêm tốn trong hầu hết các trường hợp.

Năm 2018, một cộng đồng khoảng trên 300 người sống cạnh một pháo đài cũ ở Bangkok đã phải di dời và những căn nhà gỗ truyền thống của họ bị san bằng để nhường chỗ cho một công viên công cộng. Theo một số ý kiến, điều này chỉ để nhằm gây ấn tượng với khách du lịch.

Tuy nhiên, chắc chắn không thể nói như vậy về “Thành phố trong vườn” của Singapore, nơi có một ý nghĩa đặc biệt và được coi là một tài sản kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia. Công viên này có mật độ cây xanh đô thị cao đến mức ấn tượng, với thực tế gần 30% các khu vực đô thị ở đây được bao phủ bởi cây xanh. Công viên cũng góp phần không nhỏ vào hình thành bản sắc dân tộc, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho người dân ở đảo quốc này.

Ở Việt Nam, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang tụt hậu so với hầu hết các thành phố lớn khác ở châu Á về không gian xanh. Theo báo cáo của Solidiance năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển không gian xanh trong các dự án dân cư và phát triển đô thị mới, đồng thời nỗ lực bảo vệ một khu vực rừng hiện tại với diện tích 150 ha. Trong khi đó, Hà Nội dự định sẽ tăng số lượng cây xanh và đài phun nước vào năm 2030, song song với kế hoạch tăng số lượng không gian xanh quanh các tòa nhà chung cư, dự tính chiếm từ 8%-10% diện tích đất.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post & Researchgate)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN - Australia tiến gần hơn đến an ninh khí hậu và kinh tế

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia đang kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác bằng một hội nghị cấp cao đặc biệt, dự kiến sẽ thảo luận về những nỗ lực chung sâu sắc hơn nhằm giảm lượng khí thải carbon trong khu vực.

ASEAN - Australia tiến gần hơn đến an ninh khí hậu và kinh tế
HỆ SINH THÁI THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG:
Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á đã chứng kiến những lợi ích to lớn từ toàn cầu hóa. Thương mại đã thúc đẩy các nền kinh tế và sinh kế, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN
Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35% trong năm 2023

Đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân ở khu vực Đông Nam Á đã giảm 34,5% xuống còn 5,5 tỷ USD hồi năm ngoái bất chấp số lượng giao dịch tăng lên, trong bối cảnh các nhà đầu tư mạo hiểm chuyển hướng nguồn vốn sang những công ty trẻ hơn.

Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35 trong năm 2023
Phát triển công trình xanh bền vững

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh hiện nay, việc phát triển công trình xanh bền vững đang dần thành xu hướng tất yếu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và quốc gia trong việc giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chi phí và chính sách đang là những rào cản lớn đối với các chủ đầu tư muốn xây dựng, vận hành công trình xanh bền vững.

Phát triển công trình xanh bền vững

TIN MỚI

Return to top