ClockThứ Năm, 12/10/2017 05:46
SÀN GIAO DỊCH VIỆC LÀM:

Doanh nghiệp cần, lao động hờ hững

TTH - Vẫn biết không tìm được nhiều lao động trong một phiên giao dịch việc làm, song, nhiều doanh nghiệp vẫn cần mẫn tìm kiếm để có nguồn lao động dự trữ.

Lao động đến phỏng vấn tại sàn giao dịch việc làm

Người tìm việc thiếu thông tin

Chừng năm, bảy năm trước, sàn giao dịch việc làm thường rất “hút” lao động. Tôi còn nhớ cảnh người lao động chen chúc nhau vào xem thông tin tuyển dụng được dán ở bảng đặt ngoài sân. Họ hồi hộp đợi đến lượt mình phỏng vấn, thỉnh thoảng nắm áo người vừa bước ra để “nắm tình hình” xem doanh nghiệp thường hỏi câu gì? Bây giờ, mỗi tháng sàn giao dịch diễn ra hai lần, không còn cảnh người “đông như nêm” như trước nữa, nhất là các sàn giao dịch lưu động ở các huyện thường lâm vào cảnh ế ẩm, chợ chiều. Tâm lý chung của lao động khi đến phiên giao dịch việc làm thường chỉ “đi xem sao” chứ  “không mấy hy vọng” tìm được công việc phù hợp. Hơn nữa, thời đại thông tin, người ta có thể tìm việc làm qua các trang mạng xã hội. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm, 10 tháng đầu năm, có trên 400 doanh nghiệp có nhu tuyển trên 17.500 lao động, tuy nhiên, chỉ có 800 lao động được tuyển dụng.

Khó khăn mà lao động gặp phải khi tham gia các phiên giao dịch việc làm là thiếu thông tin cụ thể về vị trí tuyển dụng. Doanh nghiệp chỉ đưa ra tên, vị trí việc làm, nếu có mô tả thì cũng rất sơ sài. Khi tư vấn, doanh nghiệp đưa ra mức lương, thưởng khá tốt, lao động cảm thấy yên tâm, tin tưởng. Nhưng khi vào làm việc thực tế, lao động không được làm ở vị trí như giới thiệu ban đầu, không được hưởng mức lương và các chế độ đúng như thỏa thuận. Thế nên, chỉ sau 3-4 tháng làm việc, họ lại bỏ làm, tìm công việc khác phù hợp với yêu cầu và sở trường của mình. Chị Mai Thị Lành (Vinh Hiền, Phú Vang) cho biết: “Khi bắt tay vào công việc, tôi mới “ngã ngửa” bởi công ty đầu tiên bắt tăng ca vào ban đêm; công ty thứ hai bắt đứng dây chuyền cả ngày; còn công ty thứ ba thì lại không đóng bảo hiểm xã hội. Điều đáng nói, ngay lúc phỏng vấn họ không nói rõ những yêu cầu này”.

Khó tuyển lao động có trình độ

Ở các sàn giao dịch việc làm, lao động chỉ đến nhiều vào đầu buổi sáng, khoảng 10 giờ thì sàn giao dịch việc làm đã vắng hoe. Có doanh nghiệp ngồi cả buổi sáng mà chẳng có lao động đến nộp đơn phỏng vấn. Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia sàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết chỉ tuyển dụng lao động phổ thông, trong khi, lao động đến sàn phần lớn có trình độ cao đẳng, đại học.

Anh Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Điều phối và dịch vụ khách hàng Công ty TNTM Thái Dũng Anh (Phú Thượng, Phú Vang) cho biết: “Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 6 lao động, nhưng hết buổi sáng mà chỉ có 1 người đến nộp hồ sơ. Thế nên, để tuyển dụng được lao động có tay nghề, doanh nghiệp phải tìm đến các kênh thông tin khác”. Đồng tình với ý kiến của anh Đức, bà Đào Thị Hạnh, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Duy Long (Hương Sơ, Hương Trà)  cho biết: “Nhiều lần tham gia tuyển dụng nhân sự tại các sàn giao dịch việc việc làm, tôi rất bất ngờ với những câu trả lời thờ ơ của người lao động như thấy lương cao thì nộp đơn. Có người nộp đơn xin việc tại công ty chỉ là để có đủ thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp chứ thực ra không có nhu cầu tìm việc làm... Khi nhận được những câu trả lời như trên, chúng tôi sẽ loại ngay, cho dù mình có đang thiếu lao động”.

Lực lượng lao động đến tìm việc tại sàn giao dịch thường là những người trẻ, định hướng nghề nghiệp chưa có. Họ thường hay “nhảy việc” và ít kiên trì theo đuổi công việc. Theo nhiều doanh nghiệp, nguồn lao động không ổn định. Có tháng lao động “nhảy việc” từ 3% đến 5%, tương ứng 5 đến 10 lao động nghỉ việc. Đại diện Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh cho rằng, tháng nào doanh nghiệp cũng tham gia vì không muốn “mất bò mới lo làm chuồng”, phải có nguồn lao động dự phòng để ổn định tình hình sản xuất. Đó là xu thế phát triển tất yếu, nơi nào lương cao, môi trường làm việc tốt hơn thì lao động đến làm việc. Nhất là, những người có bằng đại học, họ thường không “an phận”.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động nâng cao nhận thức về sàn giao dịch việc làm; tăng cường kết nối thông tin với các sàn giao dịch việc làm của các tỉnh, thành trong cả nước để tìm kiếm cơ hội việc làm nhiều hơn cho người lao động… Các doanh nghiệp cần có những chính sách tốt để giữ lao động.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

Sáng 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo phổ biến hướng dẫn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai
Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp

Đam mê công việc, gắn bó trực tiếp với sản xuất, nhiều người lao động đã cho ra đời những sáng kiến mang lại giá trị thực cho đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top