ClockThứ Hai, 09/01/2017 05:26

Doanh nghiệp lo giữ chân lao động

TTH - Chăm lo đời sống cho người lao động là cách tốt nhất để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, đảm bảo hiệu quả sản xuất cho những ngày đầu năm.

Chăm lo đời sống cho người lao động là cách để giữ chân nguồn lao động

Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc nhu cầu lao động thời vụ tăng mạnh. Tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” của công nhân rục rịch xuất hiện. Họ sẵn sàng bỏ việc nếu doanh nghiệp (DN) không có chính sách đãi ngộ tốt. Hơn nữa, nhiều công nhân có xu hướng về quê nghỉ ngơi một thời gian rồi mới quay trở lại để làm việc. Vẫn có tình trạng các DN chèn ép người lao động, như hạ đơn giá, tăng giờ, tăng ca làm việc nhưng trả lương thấp… Do vậy, sau khi nghỉ Tết, nhiều lao động không quay trở lại làm việc.

Trong xu thế hội nhập, nghỉ Tết vẫn là thời gian làm việc của nhiều đối tác. Tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” giờ đã giảm nhiều. DN phải lên kế hoạch từ sớm, chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân sự, thủ tục hành chính…Với các đơn hàng làm cho đối tác nước ngoài, các công ty sẽ thông báo trước lịch nghỉ Tết để họ chủ động, cũng như đảm bảo quyền lợi này cho người lao động (NLĐ). Nếu công nhân có nguyện vọng nghỉ thêm, DN và đại diện công đoàn sẽ có giải pháp hợp lý nhất.

Thấm thía bài học về thiếu hụt lao động, nhiều DN chú trọng các chính sách để thu hút lao động. Trước đây, để “giữ chân” NLĐ, DN thường để lại một phần thưởng Tết và phát sau khi họ quay lại. Tuy nhiên, công đoàn các ngành đã yêu cầu doanh nghiệp trả hết tiền thưởng cho công nhân. Các đơn vị phải đặt việc chăm lo cho NLĐ là nhiệm vụ xuyên suốt trong cả năm làm việc. Thế nên, thưởng Tết cho công nhân được DN quan tâm ở mức tối đa. Nhiều doanh nghiệp rà soát lại chế độ, chính sách tiền lương, đãi ngộ công nhân nhằm có sự điều chỉnh kịp thời. Một số công ty cho lao động hưởng mức lương cơ bản cao hơn 10% so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Nếu công nhân được đào tạo qua trường lớp sẽ được cộng thêm 10%. Các khoản phụ cấp tay nghề, năng suất, trách nhiệm... cũng được doanh nghiệp đưa vào lương. NLĐ không phải làm thêm giờ, chủ nhật đều nghỉ, nếu làm thêm được nghỉ bù. DN quan tâm đến bữa ăn ca cho người lao động sao cho đủ lượng và chất, đảm bảo ngon miệng và vệ sinh. Từ đó, năng suất lao động được tăng lên, đảm bảo đơn hàng đúng hạn.

Khuyến khích lao động trở lại sau Tết, một trong các giải pháp là có chế độ lương thưởng đúng với năng lực. Căn cứ vào hiệu quả công việc, chủ DN thường tổ chức lễ tri ân đặc biệt nhằm động viên NLĐ gắn bó lâu dài. Anh Trần Đức Vinh, Giám đốc Công ty Đại Dương cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với NLĐ về tăng lương tối thiểu, lương thưởng dịp Tết, chế độ đãi ngộ với lao động có thâm niên, có thành tích trong sáng kiến sáng tạo… Công nhân có thể  kiến nghị cụ thể về chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi; thống nhất kế hoạch trở lại làm việc sau Tết. Chính từ sự chủ động, minh bạch và chân tình như vậy nên tỷ lệ NLĐ quay trở lại làm việc đạt trên 98% ở một số DN”.

Thừa nhận việc lao động bỏ việc sau Tết là khó tránh khỏi, tuy nhiên, anh Nguyễn Viết Niên, công nhân ngành mộc mỹ nghệ Khu Công nghiệp Phú Bài cho hay: “Các năm trước, vào những ngày nghỉ Tết, những ai ở lại làm việc được trả cao gấp 2 lần ngày thường và còn được thưởng, nên vẫn có nhiều người đăng ký ở lại làm việc. Nếu công ty quan tâm trả lương, trả thưởng hợp lý thì nhiều người sẽ đi làm lại đúng thời hạn và bắt tay ngay vào công việc.

Cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, thực sự chăm lo thiết thực tới công nhân lao động là biện pháp thu hút được công nhân toàn tâm, phục vụ DN lâu dài. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, có thể DN còn chưa đáp ứng hết nhu cầu thì người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn, cùng “chung lưng, đấu cật” với DN để giữ vững ổn định sản xuất.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top