ClockThứ Sáu, 08/07/2016 05:51
NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Doanh nghiệp phá sản, người lao động lao đao

TTH - Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp đáng báo động, doanh nghiệp ngừng hoạt động, các chế độ BHXH của người lao động cũng không được đảm bảo.

Các hãng taxi ở TP. Huế đều nợ BHXH từ 1 đến 3 tháng

Toàn tỉnh có gần 900 lao động hoạt động ở 9 hãng taxi. Ngoài công ty CP Đông Ba, chủ lao động bỏ trốn từ tháng 1/2015 thì công ty TNHH Thành Đô ngừng hoạt động từ tháng 12/2015 (đã làm các thủ tục nộp BHXH cho người lao động). Riêng, Chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Thừa Thiên Huế đang làm thủ tục giải thể, có 7 lao động và số tiền nợ BHXH 3 tháng là trên 23 triệu đồng.

Trở lại Công ty CP Đông Ba, doanh nghiệp đã phá sản, hiện vẫn còn 24 lao động chưa đóng BHXH với số tiền 560 triệu đồng. Về nguyên tắc, khi đơn vị không sản xuất, kinh doanh thì phải báo giảm lao động và phải đóng BHXH để chốt sổ cho lao động. Tuy nhiên, chủ sử dụng lao động bỏ trốn khiến người lao động lao đao. Ông Trần Lâm, nhân viên lái xe của Công ty CP Đông Ba, cho biết: Hàng tháng, đơn vị vẫn trừ tiền lương của chúng tôi nhưng đến khi nghỉ việc mới tá hỏa khi gần 2 năm công ty không đóng BHXH. Tôi không được trả sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. DN trốn đóng BHXH không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp... mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi hưu trí sau này.

Ông Ngô Thành Vinh, Trưởng phòng thu BHXH TP. Huế cho biết: Việc người lao động ở Công ty CP Đông Ba khiếu nại là đúng. Tuy nhiên, đơn vị còn nợ BHXH nên chúng tôi không thể chốt sổ cho những lao động nghỉ việc. BHXH chỉ chốt sổ cho người lao động tương đương với thời gian Công ty CP Đông Ba đóng BHXH. Sau 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc, người lao động sẽ hưởng BHXH trợ cấp 1 lần. BHXH TP. Huế đã có nhiều công văn đề nghị BHXH Việt Nam hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Sáu hãng taxi còn lại cơ bản đã trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hàng tháng. Tuy nhiên, quá trình chuyển nộp một số hãng cũng còn chậm trễ. Vẫn còn một số đơn vị cố tình nợ và không chuyển tiền nợ, không đối chiếu số phát sinh BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. Theo lý giải của các hãng taxi, ngày càng có nhiều hãng cạnh tranh, chưa kể, công ty phải trang bị các loại xe mới để đáp ứng yêu cầu khách hàng khiến tình hình kinh doanh gặp khó khăn.

Ngoài một số DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH còn thấp và các chế tài xử phạt chưa cao. Theo quy định, doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam, hiện là 0,988%/tháng, tương ứng khoảng 11,8%/năm. So với vay ngân hàng, mức lãi này vẫn còn “dễ chịu” nên nhiều doanh nghiệp chây ỳ. Hơn nữa, do người lao động chưa nhận thức rõ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm mà chỉ quan tâm đến việc làm, vô tình tạo kẽ hở cho chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH

Dẫu số nợ BHXH ở các đơn vị taxi chưa nhiều nhưng BHXH thành phố có văn bản gửi đến thủ trưởng các đơn vị để thông báo tình hình và yêu cầu thực hiện nghiêm túc chính sách cho người lao động. BHXH đã phân nhóm, xác định đơn vị nào đang trong giai đoạn làm ăn khó khăn, đơn vị nào chưa được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, đơn vị nào cố tình chây ỳ, nợ đọng…từ đó đưa ra các giải pháp thu phù hợp, vừa thực hiện đúng quy định cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. BHXH thành phố phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để chủ sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, BHYT. Ngoài ra, BHXH phối hợp với các ngành chức năng cập nhật số lao động của các doanh nghiệp làm cơ sở kiểm tra, khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Không riêng gì các hãng taxi, hiện toàn thành phố có 121 đơn vị không còn hoạt động khiến 317 lao động chưa được chốt sổ do chủ doanh nghiệp chiếm dụng vốn. Những đơn vị cố tình không thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ quyết liệt vào cuộc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần
Return to top