ClockThứ Năm, 16/03/2017 14:11

Doanh nghiệp Singapore đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của Huế

TTH - Mới đây, đoàn doanh nghiệp Singapore đã đến Huế thăm, làm việc và khảo sát các địa điểm để lựa chọn đầu tư. Điều khiến đoàn doanh nghiệp đến từ đảo quốc sư tử thích thú, đánh giá cao là Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh ít nơi có được. Ông Lê Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần những nội dung quan trọng của chuyến khảo sát, làm việc của đoàn doanh nghiệp Singapore với lãnh đạo tỉnh.

Ông Lê Văn Thu

Thưa ông, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, đoàn doanh nghiệp của Singapore quan tâm đến lĩnh vực nào?

Họ quan tâm khá nhiều lĩnh vực như du lịch dịch vụ, đào tạo nghề du lịch, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng nuôi trồng thủy hải sản... Một số doanh nghiệp Singapore đề nghị chúng ta hợp tác nuôi ếch theo hướng công nghiệp quy mô lớn để xuất khẩu sang Singapore. Ếch được xem là đặc sản của nước bạn với những món ăn nổi tiếng hiện đã du nhập vào Việt Nam, trong đó có Huế. Họ cũng quan tâm đến các dự án du lịch ở Chân Mây - Lăng Cô, trao đổi tour giữa các công ty của Singapore và Thừa Thiên Huế theo hình thức vừa đào tạo, vừa trao đổi khi cần thiết...

Tỉnh đã có những chủ trương, chính sách hợp lý nào để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực vừa nêu?

Đối với đề xuất hợp tác nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ khi doanh nghiệp đến đầu tư, phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch theo hướng an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu... Tuy thế, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu phía doanh nghiệp Singapore phải cam kết tiêu thụ, thu mua, tránh gây khó khăn cho người nuôi.

Chúng tôi còn giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh cũng như các dự án ưu tiên đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hạ tầng khu công nghiệp… để doanh nghiệp Singapore có sự cân nhắc, lựa chọn khi quyết định đầu tư.

Điều này có được hiểu là doanh nghiệp Singapore có phần được ưu ái hơn so với những nhà đầu tư khác ở trong và ngoài nước?

Không hẳn! hiện tại tỉnh đang tập trung cải cách hành chính, tạo hàng rào thông thoáng để kêu gọi đầu tư. Các nhà đầu tư đều được hưởng các chính sách như nhau theo đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên tỉnh sẽ lựa chọn những chính sách có lợi nhất cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư chứ không đặt nặng nhà đầu tư nước ngoài, xem nhẹ nhà đầu tư trong nước và ngược lại. Việc thành lập tổ giúp việc đặc biệt, có thành phần đầy đủ các cơ quan, ban ngành để giúp các doanh nghiệp lo thủ tục nhanh chóng khi đến Huế đầu tư là minh chứng cụ thể cho chủ trương trải thảm kêu gọi đầu tư. Đây có thể xem là “tổ một cửa” của doanh nghiệp. Khi có dự án, tổ này sẽ lo tất cả các thủ tục liên quan. Mô hình này được các tập đoàn lớn đến Huế đầu tư đánh giá cao.

Như ông vừa nêu, đây là năm đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, tỉnh đã làm gì để thực hiện điều đó?

Xác định năm nay tiếp tục là “Năm doanh nghiệp”, từ tháng 1/2017, tỉnh đã tổ chức xúc tiến đầu tư ở Singapore và đoàn doanh nghiệp gồm 15 doanh nghiệp của Singapore đến Huế tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư là kết quả ban đầu của hoạt động đó.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm hướng tới nền hành chính hiện đại, giúp doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục, dự án nhanh nhất.

Đối với các dự án đã và đang tiến hành đầu tư, tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án. Lãnh đạo tỉnh cũng khá quan tâm đến hoạt động kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư chủ động nguồn vốn trong triển khai thực hiện dự án…

Tại buổi làm việc giữa đoàn doanh nghiệp Singapore với lãnh đạo tỉnh, phía Singapore hứa hẹn sẽ có đoàn CEO đến Huế tìm kiếm cơ hội đầu tư, lời hứa đó đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Sau buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn doanh nghiệp Singapore, nhất là sau buổi xúc tiến đầu tư ở Singapore, cái được lớn nhất của chúng ta là được nhiều doanh nghiệp Singapore biết đến, chúng ta đã quảng bá được hình ảnh, con người Huế với nước bạn. Họ đánh giá cao chúng ta về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư. Liền sau đó, tỉnh đã đón và làm việc với Chủ tịch Liên đoàn sản xuất Singapore, ông Douglas Foo. Liên đoàn sản xuất Singapore có khoảng 5.000 nhà sản xuất, doanh nghiệp. Mỗi năm họ cam kết đóng góp 20% GDP cho Singapore, nếu các doanh nghiệp trực thuộc liên đoàn này đến Huế đầu tư, chắc chắn Huế sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Riêng Tập đoàn Saeke do ông Douglas Foo quản lý có khoảng 3.000 cửa hàng kinh doanh trên khắp thế giới.

Một góc Laguna Lăng Cô - dự án do doanh nghiệp Singapore đầu tư . Ảnh: Phượng Lê

Và đây là cơ hội không nên bỏ lỡ?

Đúng thế! Trước khi đến Huế, ông Douglas Foo đã tìm hiểu khá kỹ và chọn Chân Mây làm nơi đầu tư. Tỉnh đã giới thiệu các dự án đang ưu tiên, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án phát triển du lịch, mở rộng, đầu tư, nâng cấp các bến cảng và nhất là dự án đầu tư dịch vụ tại bến cảng. Hiện chúng ta có 10 bến cảng nhưng mới chỉ có 3 bến cảng đã và đang đầu tư, 7 bến cảng còn lại vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư.

Đây có phải là một lợi thế trong kêu gọi đầu tư không, thưa ông?

Cả nước chỉ có 3 cảng nước sâu đón được các tàu lớn, trong đó có Chân Mây. Tiếc là khi các tàu du lịch lớn cập bến chở theo hàng ngàn khách du lịch nhưng lượng khách đến Huế, lưu trú và mua sắm không nhiều. Nếu ở tại cảng Chân Mây có khu dịch vụ xứng tầm, là nơi dừng chân cho du khách tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm, chắc chắn nguồn thu từ dịch vụ này không nhỏ. Mỗi tàu du lịch thường có thời gian dừng nghỉ tại đất liền không nhiều, nếu du khách không muốn đến Huế hay các địa điểm lân cận vẫn có nơi để nghỉ ngơi, mua sắm. Nếu làm được điều đó, cảng Chân Mây sẽ sôi động hơn.

Đã có dự án nào trong số này được chọn chưa, thưa ông?

Chưa dám chắc là dự án nào, song chỉ việc ông Douglas Foo đến Huế thôi cũng đã là thành công của chúng ta. Hợp tác đầu tư là cả quá trình chứ không thể ngày một ngày hai, nhưng có điều chắc chắc là doanh nghiệp Singapore đầu tư khá bài bản và hiệu quả. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna do Tập đoàn Bayan Tree của Singapore đầu tư là một ví dụ. Từ nguồn vốn đầu tư ban đầu là 975 triệu USD nay đã nâng lên 2 tỷ USD là minh chứng cụ thể cho điều đó.

Chúng ta có thể kỳ vọng vào những dự án tương tự sau chuyến khảo sát tìm hiểu của đoàn doanh nghiệp Singapore?

Chưa thể so sánh về quy mô, song dự án lớn, có tầm cỡ là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mới đây nhất, nhân chuyến thăm Huế của Nhật Hoàng và Hoàng hậu, một số doanh nghiệp Nhật Bản đến làm việc với lãnh đạo tỉnh để chuẩn bị cho các bước hợp tác tiếp theo. Trước đó có đoàn doanh nghiệp của Đức và Đài Loan cũng đến Huế khảo sát, thăm một số khu vực tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Trong đó, đoàn doanh nghiệp của Đức cam kết cuối tháng 3 này đến làm việc về dự án sản xuất bột thủy tinh cao cấp tại Phong Điền. Trước đó, cuối năm 2016, tập đoàn PSH của Đức đã đến Huế làm việc và ký kết đầu tư, quản lý dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Địa Trung Hải với Tập đoàn Vicoland.

TÂM HUỆ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top