ClockChủ Nhật, 13/10/2019 05:54

Đọc “Công tử Bạc Liêu”, nghĩ về chọn nghề, lập nghiệp

TTH - Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy. Ông sinh năm1900 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, mất năm 1974 tại Sài Gòn.

Bìa sách “Công tử Bạc Liêu”. Ảnh: LVX

Lâu nay, khi nhắc đến công tử Bạc Liêu, tôi thường nghĩ và hình dung đó là một người ăn chơi nổi tiếng đã trở thành giai thoại của miền Tây lục tỉnh một thời. Mới đây, đến tham quan di tích Công tử Bạc Liêu, được nghe thuyết minh về ông, nhất là sau khi đọc cuốn “Công tử Bạc Liêu” của nhà văn Nguyên Hùng, hóa ra công tử Bạc Liêu không phải là người như tôi đã nghĩ. Ông không phải là người chơi ngông (đốt tiền như giấy vì người đẹp như đã lưu truyền), mà là một người hào hoa, phong nhã, và thức thời, đi trước nhiều điều mà đến bây giờ vẫn còn là những vấn đề thời sự xã hội đang quan tâm, trăn trở, nhất là việc chọn nghề và lập nghiệp.

Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy. Ông sinh năm1900 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, mất năm 1974 tại Sài Gòn. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình đại điền chủ số một của tỉnh Bạc Liêu. Thân sinh ông là Hội đồng Trần Trinh Trạch có thanh thế, một dòng họ danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, sau khi đậu Đíp-lôm, cậu Ba (tức Trần Trinh Huy) một hai đòi ông Hội đồng cho đi Tây để học. Ông Hội đồng nói: “Muốn lấy bằng cấp tú tài thì lên Sài Gòn học. Tau xin cho mầy vô trường Tây dễ dàng. Đi qua Tây làm chi cho xa xôi, tốn kém”. Cậu Ba cự nự: “Nhà mình bạc chứa cả kho mà ba hà tiện làm chi? Để cho con một bụng chữ còn hơn là để mấy chục ngàn mẫu ruộng. Học chasseloup trên Sài Gòn thì thường quá! Có chi đáng hãnh diện đâu ba? Nếu ba cho con qua Tây học thì thiên hạ khắp nơi trong xứ Nam Kỳ lục tỉnh này ai cũng kính nể ba”. Cuối cùng, cậu Ba đã thuyết phục được ông Hội đồng, và chọn Paris (thủ đô ánh sáng) để du học.

Nhà cổ Công tử Bạc Liêu. Ảnh: TL

 

Sang Pháp, Trần Trinh Huy không học các ngành đang được xã hội trọng vọng và có vị thế lúc bấy giờ như: kỹ sư, bác sĩ, luật sư... mà suốt ba năm học, ông chọn nghề nông (nghề gốc của gia đình) để chú tâm theo học. Ông dành phần lớn thời gian lân la ở các đồn điền lớn vùng ngoại ô Paris để học từ thực tế công việc hàng ngày, cách quản lý của các ông chủ. Từ  đó, ông quyết định học lái máy bay, để sau này về nước, mua máy bay phun thuốc trừ sâu bệnh cho 145.000 mẫu ruộng của mình. Sau nữa, ông học thêm nghề lái xe hơi, và khiêu vũ đạt đến mức điêu luyện và tinh thông. Ông là người ham học hỏi và hiểu biết, có phương pháp học linh hoạt (kết hợp việc đọc sách báo ở các thư viện lớn và học thực tế ở các đồn điền). Nhờ vậy, sau ba năm du học ở Pháp về, ông không chỉ là người có kiến thức chuyên sâu về nghề nông, tài hoa và tinh tế về lái xe hơi, khiêu vũ, mà còn là người có tầm hiểu biết rộng về lịch sử và văn hóa nước nhà (đọc từ các kho tư liệu văn bản tiếng Pháp viết về Việt Nam. Là người thông thạo tiếng Pháp như người Pháp.

Có khí chất thông minh, biết chọn nghề phù hợp, và có phương pháp học khoa học trong quá trình du học, nên khi về nước, ông đã vận dụng và phát huy những kiến thức đã học được vào thực tế một cách khoa học, thu được những kết quả ngoài mong đợi và kỳ vọng của gia đình và dòng họ. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên mua và lái máy bay (vào năm 1922); người tham mưu và tổ chức hội chợ Bạc Liêu (kết hợp với thi đấu võ của các cặp võ nổi tiếng, thi khiêu vũ) mục đích là để trưng bày những đặc sản tốt đẹp nhất để chấn hưng nông nghiệp (đấu xảo trái cây như nhãn, thơm khóm, bí rợ, khoai lang…); tổ chức đấu xảo sắc đẹp để chọn ra người đẹp xứng đáng đại diện cho phụ nữ miền Tây, qua đó đề cao và tôn vinh vai tròn người phụ nữ trong xã hội.

Từ việc chọn nghề đúng và phù hợp với khả năng và truyền thống gia đình, mang đến thành công trong lập nghiệp của công tử Bạc Liêu, tuy đã gần một thế kỷ nhưng vẫn mang hơi thở cuộc sống hôm nay, gợi mở nhiều điều mới mẻ cho giới trẻ (nhất là học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông). Mấy năm trở lại đây, cùng với việc kiên trì cải cách nền giáo dục nước nhà tiến gần hơn với xu thế chung thời đại, đã có nhiều chuyển biến tích cực và tín hiệu đáng mừng trong việc định hướng chọn nghề, lập nghiệp của học sinh. Một bộ phận đáng kể đã chọn học nghề sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứ không phải như trước đây là bằng mọi cách, mọi giá phải đậu đại học. Điều đó cho thấy, vào đại học không phải là con đường duy nhất để thanh niên lập nghiệp. Ngày càng có nhiều hơn những thanh niên có suy nghĩ và chí hướng đúng trong chọn nghề, có đam mê và quyết tâm cao trong lập nghiệp, và họ đã thành công, tạo hiệu ứng tích cực và lành mạnh trong xã hội...

LÊ VIẾT XUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội lập nghiệp cho thanh niên xuất ngũ

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thanh niên xuất ngũ được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, vay vốn... Đây là cơ hội để bộ đội xuất ngũ có nhiều lựa chọn học nghề, tìm việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Cơ hội lập nghiệp cho thanh niên xuất ngũ
Vượt khó mới có thành công

Ba năm trước, em họ tôi quyết định về vùng đồi TX Hương Thuỷ mở mô hình trang trại chăn nuôi heo gà và trồng rau màu theo hướng xanh - sạch cung ứng cho thị trường. Sau khi triển khai, cậu em thu được “đồng ra đồng vào” nhờ phương thức sản xuất “mùa nào thức ấy”, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các nhà hàng ở phố. Bạn bè đến thăm cậu em tự tin: Tôi đã khởi nghiệp (KN).

Vượt khó mới có thành công
Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp

Từ việc được tạo điều kiện tối đa trong phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, hiện đời sống nhiều người trên địa bàn TX. Hương Thủy đã có những chuyển biến rõ rệt.

Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp
Nghĩ về sản phẩm mỹ nghệ từ sợi dứa dại

Không xa lạ với đồng bào các dân tộc A Lưới là cây dứa dại, mọc nhiều ở rừng sâu. Người Tà Ôi gọi cây dứa dại là A’anh chác, dân tộc Pa Cô gọi là Ân chah, còn người Cơ Tu thì gọi là Clơng.

Nghĩ về sản phẩm mỹ nghệ từ sợi dứa dại

TIN MỚI

Return to top