Thể thao trong nước

Đợi chờ bơi - lặn

ClockThứ Bảy, 22/04/2017 14:37
TTH - Cùng với vật, karatedo, điền kinh, cờ vua, bóng đá thì bơi - lặn là môn thể thao trọng điểm của Thừa Thiên Huế, song nhiều năm qua, bộ môn này luôn “trắng tay” tại các giải vô địch quốc gia.

Giải vô địch bơi - lặn toàn quốc năm 2017

Trắng tay

Giải vô địch bơi – lặn quốc gia 2017 vừa kết thúc cũng là lúc một lần nữa người hâm mộ Cố đô thở dài vì đội tuyển tỉnh nhà chỉ giành duy nhất 1 HCĐ nội dung lặn tiếp sức.

Môn lặn mới hoạt động từ năm 2015 nên thành tích khiêm tốn có thể chấp nhận được, song môn bơi của Huế đã có từ nhiều năm qua, thậm chí giai đoạn 2004 – 2006 được xem là thời của tuyển bơi khi VĐV Trần Thị Thuận ngoài thành tích thi đấu ấn tượng tại các giải trong nước còn ghi tên mình trên bảng thành tích ở các giải quốc tế với HCV giải trẻ Đông Nam Á và HCB giải trẻ Châu Á (2005). Hay như Trần Văn Toản, Phạm Văn Mẫn cũng ghi dấu ấn tại các giải quốc gia, thường xuyên mang huy chương bộ môn bơi về choThừa Thiên Huế.

Sau năm 2010, ba trụ cột của tuyển bơi Cố đô lần lượt giã từ sự nghiệp, đội tuyển rơi vào cảnh khó khăn về mặt nhân sự, nối dài mạch thua trong giải đấu lớn nhất của quốc gia. HLV Trần Thanh Tuấn, Trưởng bộ môn bơi – lặn Thừa Thiên Huế thở dài: “Vận động viên sắp đến độ chín thì chia tay đội tuyển vì nhiều lý do, người đi học, người bị gia đình ngăn cản. Thậm chí, nhiều vận động viên nữ sợ đen nên giã từ sự nghiệp”.

Đáng lo ngại, trong danh sách 45 VĐV hiện đang có mặt tại đội tuyển đa phần đều có tuổi đời khá nhỏ, người lớn tuổi nhất hiện tại cũng mới học lớp 9. Để giải quyết vấn đề nhân sự, HLV Trần Thanh Tuấn buộc phải “đôn” các em có triển vọng lên thi đấu ở giải vô địch quốc gia, nhưng rõ ràng so với Ánh Viên (Quân Đội), Phương Trâm (TP. Hồ Chí Minh), Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng), các em thi đấu cũng chỉ để cọ xát. Chính vì vậy, bảng danh sách thành tích tại giải đấu danh giá nhất môn bơi – lặn trong nước thường không có tên VĐV Thừa Thiên Huế.

Cần phải nói thêm, dù vẫn có thành tích tại các giải trẻ, hội khỏe Phù Đổng, song điều này chưa nói lên được nhiều khi tính chất giải đấu, thậm chí lực lượng của một số đội tuyển bạn mang đến giải cũng chưa phải mạnh nhất. Trong khi đó, nhờ cơ sở vật chất tốt nên Huế được “trao quyền” đăng cai giải vô địch toàn quốc suốt gần 10 năm qua, nhưng bơi lặn tỉnh chưa thể tận dụng được lợi thế sân nhà.

Đã chậm thì cần chắc

Hiện nay bơi - lặn Huế rất khó giành huy chương tại giải vô địch quốc gia khi bơi lặn gặp khó về mặt nhân sự. Giải pháp nên làm là ngoài đào tạo lực lượng hiện có thì phải tìm được những vận động viên trưởng thành từ môi trường sông nước, có tính kiên trì và đam mê thể thao

Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Do khó khăn về kinh phí nên một số đội tuyển phải chịu cảnh “liệu cơm, gắp mắm”, thiếu các chuyến tập huấn và nhiều phương tiện tập luyện hiệu quả… Dù tuyển bơi lặn Huế có hệ thống các bể bơi phục vụ tập luyện, song vấn đề kinh phí khiến những tháng mùa mưa, VĐV chỉ tập thể lực, ít khi được xuống nước. HLV Trần Thanh Tuấn kể, có nước nóng nhưng do chi phí lớn nên đội tuyển phải tiết kiệm, chỉ sử dụng khi có các giải đấu quan trọng, điều này phần nào hạn chế việc phát triển năng lực VĐV.

Một vấn đề nữa được xem là bất lợi cố hữu của Huế so với các đơn bị bạn là thể hình thường thấp hơn VĐV bạn, kết cấu cơ thể (lồng ngực và các yếu tố khác) cũng chưa thuận lợi cho hoạt động thể thao dưới nước. Vì vậy, trước đây nhiều HLV phải cất công đi tỉnh bạn để tuyển quân, Trần Thị Thuận và Trần Văn Toản (gốc Quảng Bình) là một ví dụ.

HLV Trần Thanh Tuấn cho rằng, rất khó để khẳng định một vài năm tới, Thừa Thiên Huế sẽ làm được “chuyện lớn” tại giải vô địch quốc gia. Trước mắt, đội tuyển đang xây dựng một chiến lược dài hơi. Bên cạnh lực lượng đang đào tạo chuyên nghiệp, bộ môn cũng đang phát triển khoảng 300 – 350 VĐV nghiệp dư ở các huyện, thị bằng cách mở các lớp tập huấn bơi tại cơ sở, sau đó tranh thủ các tháng hè tuyển chọn và đưa các em lên đào tạo tại bể bơi của Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế, tập luyện mỗi tuần ba buổi. Đồng thời, những VĐV có thể phát triển được sẽ tìm cách gửi vào các đơn vị đào tạo của quốc gia hoặc tìm cơ hội để các em được cọ xát. Đây được xem là một “nước cờ” có thể lạc quan khi thực tế vùng sông nước các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc… có thể tiềm ẩn những tài năng bơi – lặn.

Bộ môn bơi – lặn của Thừa Thiên Huế có thể nói đã bị lỡ nhịp, nhưng việc làm lại từ đầu cũng chưa phải quá muộn. Vấn đề là cách làm, đã chậm thì phải chắc. Phải có chiến lược đào tạo hiệu quả và giữ chân VĐV. Có như thế thì sự phát triển của bơi - lặn mới mang tính bền vững và xứng đáng là môn thể thao trọng điểm của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU PHÚC

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khóc nhiều & cười ít

Cũng bởi tính ganh đua căng thẳng nên V. League 2023 - 2024 trở lại với các trận đấu của vòng 9 cuối tuần qua đã có đến 4 đội bóng thay đổi vị trí chiếc ghế nóng. Họ hy vọng “đổi thầy” để qua đó “đổi vận” chạy trốn suất rớt hạng đang treo lơ lửng hay đơn giản, không thỏa mãn với thành tích đang có.

Khóc nhiều  cười ít
Vui với bóng đá học đường

Cận kề Tết Giáp Thìn, mưa rét và tất bật công việc nhưng vẫn sôi động trên các sân bóng toàn tỉnh là vòng đấu khởi đầu Giải bóng đá học sinh trung học phổ thông (THPT) tỉnh Thừa Thiên Huế 2024.

Vui với bóng đá học đường
Khi trò yếu & thầy sai

Ông thầy Troussier đến từ nước Pháp có vẻ như là một HLV chịu nhiều áp lực nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi tiếp quản chiếc ghế “nóng” ở đội tuyển quốc gia, trong bối cảnh cái bóng mà ông Park Hang - seo để lại quá lớn với những vinh quang và cả rất nhiều kỷ lục được thiết lập. Bóng đá Việt dưới thời ông Park đã lên ngôi “ông trùm” Đông Nam Á, không chỉ mon men mà đã đi sâu vào sân chơi châu lục.

Khi trò yếu  thầy sai
Return to top