ClockThứ Ba, 14/08/2018 14:20

Đội cứu hộ 24/7

TTH - Sẵn sàng “cơ động” trên các cung đường. Cô vợ xinh đẹp không bao giờ nuôi tóc dài. Anh chồng lúc nào cũng thường trực bên chiếc xe cũ đầy ắp dụng cụ. Họ là cặp vợ chồng chuyên cứu hộ xe 24/7 tại thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc).

Chăm vợNgày hạnh phúc trọn vẹn...

Đồ nghề cứu hộ luôn được ưu tiên

Nhanh, gọn, lẹ

Đặc điểm của nghề tạo cho chị Ngô Vũ Quỳnh Châu và anh Phạm Đắc Tuấn tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát. Nhìn đôi bàn tay của chị, chẳng ai lại nghĩ đó là làn da của phái đẹp. Đôi tay to, từng nốt chai sần dày lên theo thời gian. Mái tóc thì cắt ngắn. Chị cười: “Tóc dài khi làm việc dễ dính xăng nhớt. Nghề này đòi hỏi phải chính xác, nhanh, không rối rắm. Nhiều lúc chỉ sơ sẩy một chút là tai nạn như chơi, nhất là khi bơm hơi cho xe có trọng tải lớn. Để chắc ăn, mình phải hy sinh mái tóc thôi”. Bù lại cho công việc khó nhọc, trời phú cho chị khuôn mặt nhanh nhẹn, vui vẻ, ưa nhìn.

Không phải ngẫu nhiên mà vợ chồng chị theo nghề. Chị Châu chia sẻ: “Gia đình có truyền thống làm thợ sửa xe, vì thế từ khi còn nhỏ, mình đã tiếp cận với xăm lốp, những chiếc xe hỏng hóc”. Nhìn chị cười nhẹ nhõm, dịu hiền, chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì chị cho biết chưa tới tuổi hai mươi đã thạo nghề.

Chị Châu thành thạo hành nghề

Kết hôn năm 2007, hai anh chị chí thú làm ăn. Công việc tưởng chừng phát đạt thì năm 2012, anh Tuấn gặp tai nạn. “Từ ngày định mệnh ấy, tôi quyết định nghỉ chạy xe đường dài, cùng vợ bước chân vào nghề sửa chữa ô tô. Ban đầu cũng có những khó khăn, nhưng bây giờ tôi đã tự tin hơn rất nhiều”.

Thấy chúng tôi “nhăn mặt” trước chiếc ô tô đã ngả màu sơn, có chỗ còn hoen rỉ, anh cười: “Nhìn chiếc xe cũ vậy thôi, chứ máy móc tốt lắm, cứu hộ không biết bao nhiêu lượt xe. Nó đã gắn bó với vợ chồng tôi từ đó đến giờ”.

24/24

Phương châm hành nghề của anh chị rất đơn giản, 24/24 giờ, bất kể thời tiết, thời gian. Chị Quỳnh Châu nói: “Làm nghề đã lâu, chúng tôi vấp nhiều chuyện lắm, vui cũng có mà buồn cũng có”. Rồi chị lại đăm chiêu: “Nhiều tai nạn rất đáng sợ. Nhớ nhất là lúc chưa có hầm Phước Tượng (Phú Lộc), đường đèo dốc hay xảy ra các vụ va chạm. Hôm đó chúng tôi đến nơi thì chưa có ai cứu hộ cả. Thế là nhanh chóng giải cứu hành khách bị thương, phụ giúp đưa người lên xe cứu thương kịp thời”.

Không ngại mưa nắng, hai vợ chồng chẳng nhớ biết bao nhiêu lần cứu hộ xe khỏi nước lụt, các vụ nổ lốp bất chợt trên đường vắng. “12 giờ đêm đang ngủ, khách gọi thì cũng lo bật dậy. Có hôm vừa đưa bát cơm lên miệng, chưa kịp và đã phải bỏ đũa khi nghe điện thoại. Mình chẳng sợ gì, chỉ lo cho những tài xế gặp sự cố bất ngờ. Nếu xe làm tắc đường thì vất vả vô cùng…”, anh Tuấn tiếp lời vợ.

Trải qua nhiều năm gian khó, thế nhưng lửa nghề của đôi vợ chồng vẫn như ngày nào. Nhiều chủ xe cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp ấy, khi được cứu hộ tai nạn thì ngoài tiền công còn gửi tiền bồi dưỡng, ấy vậy mà anh vẫn chối từ. Lý do được anh thợ 40 tuổi lý giải thật nhân hậu: “Mình lấy đủ tiền công thôi, còn trong lúc gian nan ấy ai nỡ lấy thêm”.

Với nam giới, tuy sẵn sức mạnh trời ban song cũng rất vất vả, nhất là khi hành nghề với xe tải lớn. Thế nên ngoài việc vận dụng sức khỏe, hai anh chị còn trang bị đồ nghề sao cho đầy đủ và chất lượng tốt nhất. Thường trực trong xe là đồ nghề làm lốp, súng để mở lốp, ruột xe, yếm xe, bình hơi, dây cáp…Để tối ưu trong công việc, các dụng cụ cứu hộ được hai vợ chồng sắp đặt ngăn nắp, tối giản vị trí ngồi. Vỗ vỗ vào chiếc xe một cách tự hào, anh Tuấn khẳng định: “Không dễ chi mà chiếc xe làm được việc. Ngoài đầy đủ đồ nghề, không gian chứa đồ cần phải được ưu tiên để khi cần thì thao tác nhanh, dễ dàng. Chiếc xe này được một người bạn thiết kế cho hai vợ chồng mình. Khi cần chỉ việc lên xe, nổ máy đến nơi cứu hộ”.

Làm việc vất vả, thế mà vẫn có những lúc anh chị gặp trường hợp oái ăm. Có hôm 1 giờ sáng, khách hàng gọi kêu cứu hộ trên đèo. Vội vàng tỉnh giấc, anh chị phóng lên đến nơi chỉ thấy âm u cây cối, cho xe chạy rà tới lui vẫn không thấy một bóng người.

Với anh chị, họ đã quen cảnh trêu ngươi. Thế nhưng với chúng tôi, sự khó chịu cứ dằn vặt. Ai lại nỡ làm việc dại dột ấy khi đối diện với họ là những tấm lòng nhân hậu?

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉ là “trang sức” giả

Hai vợ chồng cưới nhau đã chục năm vẫn chưa ra riêng nổi, phải chung đụng với anh em trong một căn nhà của bố mẹ...

Chỉ là “trang sức” giả
Hoãn phiên tòa xét xử vợ, chồng và con lừa đảo

Ngày 19/3, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh tuyên bố hoãn phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Đào Thị Phượng (sinh năm 1980, trú tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) và các đồng phạm là chồng và con của Phượng.

Hoãn phiên tòa xét xử vợ, chồng và con lừa đảo
Hai vợ chồng cùng trên tuyến đầu

Dù con còn nhỏ, nhưng Trung úy chuyên nghiệp (CN) Lê Thị Phương Lê, nhân viên Ban Dân quân, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và chồng đã vượt qua khó khăn, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Hai vợ chồng cùng trên tuyến đầu
Có cả nụ cười

Thấy không ít cặp vợ chồng lình xình xoay quanh chuyện tiền bạc, thậm chí phải “giải tán” nên anh chị thống nhất việc quản lý chi tiêu trong nhà công khai và tôn trọng tự do của nhau. Theo đó, lương của vợ cùng tiền cho thuê năm phòng trọ do vợ quản để trang trải các khoản thường xuyên. Chồng thì giữ một phần lương của mình để phục vụ nhu cầu cá nhân, phần nhiều hơn đưa vợ nhập quỹ gia đình nhằm lo công to việc lớn hoặc gửi tiết kiệm.

Có cả nụ cười
Nỗi đau còn đó - kỳ 1: Chệch hướng

Bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống. Những tổn thương hằn lên mối quan hệ chồng vợ, cha con, mẹ con... đã để lại những dấu tích buồn.

Nỗi đau còn đó - kỳ 1 Chệch hướng

TIN MỚI

Return to top