ClockThứ Sáu, 15/01/2016 14:40

Đổi mới chương trình đào tạo

TTH - Ngay từ năm học 2015-2016, Trường đại học Sư phạm Huế chủ động đổi mới chương trình đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Một tiết học cùa sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế

Đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm

PGS.TS.Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế cho biết, 7 trường sư phạm trọng điểm trên cả nước đã có rất nhiều thay đổi trong chương trình đào tạo giáo viên. Tại hội nghị hiệu trưởng 7 trường sư phạm trọng điểm toàn quốc, các cán bộ chuyên môn, cán bộ đầu đàn của các trường tham dự đã bàn nhiều vấn đề về đổi mới trong xây dựng chương trình. Vừa qua, Trường đại học Sư phạm Huế đã ban hành chương trình đào tạo mới. Một trong những điểm mới là tăng các học phần liên quan đến nghiệp vụ sư phạm. Nếu như trước đây trong 130 tín chỉ, các học phần liên quan đến nghiệp vụ sư phạm chỉ khoảng 22-25 tín chỉ thì bây giờ, các học phần liên quan đến nghiệp vụ sư phạm tăng lên đến 34 tín chỉ nhằm thực hiện mục tiêu tăng rèn luyện kỹ năng nghề cho sinh viên và thời gian kiến tập thực tập sư phạm cũng tăng lên. Cụ thể, trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, trường tăng cường công tác thực tế kiến tập ở phổ thông, đặc biệt là đối với một số khoa như khoa Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non,... “Không chỉ sinh viên, trường cũng yêu cầu giảng viên phải thực tế phổ thông, PGS.Thám nhấn mạnh - Bên cạnh đó, trường đang tiếp tục đổi mới phương pháp dạy hiện nay. Thực ra lâu nay đã đổi mới rồi nhưng hiệu quả không cao, một số giáo viên còn nặng về truyền đạt kiến thức, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển năng lực cho người học, do đó bây giờ phải tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách nghĩ cách làm của người dạy”. Bên cạnh đó, trong chương trình, trường đặt ra yêu cầu từng môn học cụ thể phải góp phần hình thành nên năng lực cho sinh viên ở từng chương như thế nào. Ngoài đổi mới nội dung, trường còn đổi mới cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá từ chủ yếu kiểm tra kiến thức trước đây sang tập trung kiểm tra năng lực. Các đề thi, hình thức thi phải hướng đến kiểm tra cho được năng lực của người học.

Để giáo viên tiếp cận được với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông một cách trực tiếp, trường tổ chức nhiều hoạt động như mời các chuyên gia trong đó có Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển vào báo cáo định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Trường đại học Sư phạm Huế cũng có chủ trương sẽ tăng cường thực tế phổ thông cho sinh viên bằng cách mời một số giáo viên phổ thông dạy giỏi của các trường lên Sư phạm dạy và hướng dẫn thực hành cho sinh viên. Hiện trường này cũng đang thành lập Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm để đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ liên quan đến rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Một hệ thống camera kết nối giữa trung tâm này với Trường THPT Thuận Hoá (trường THPT kiểu mẫu, nơi nghiên cứu và áp dụng những chương trình, phương pháp giảng dạy mới, đồng thời hỗ trợ cho sinh viên kiến tập, thực tập sư phạm của Trường đại học Sư phạm Huế) và các trường phổ thông khác để sinh viên ngoài đi thực tế có thể dự giờ ngay tại chỗ.

Sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế thực hành tại phòng thí nghiệm

Đổi mới trong từng khoa

PGS.TS.Phan Đức Duy, Trưởng khoa Sinh học, Trường đại học Sư phạm Huế cho biết, khoa đã xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên mới đáp ứng NQ 29 của Đảng về đổi mới chương trình sách giáo khoa. Trong chương trình mới, khoa chú trọng đến các yếu tố sau: thứ nhất, chương trình này sẽ giao thoa với chương trình 7 trường sư phạm trọng điểm; thứ hai, chú trọng tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, đưa các môn học đáp ứng đổi mới như môn phát triển chương trình vào đào tạo. “Sắp tới, Bộ chủ trương chỉ xây dựng chương trình khung còn chương trình môn học, tiết học cụ thể sẽ giao cho các hiệu trưởng và giáo viên các trường phổ thông. Do đó, một giáo viên phổ thông phải biết và là người xây dựng chương trình cho phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi bổ sung các chuyên đề về dạy học tích hợp, dạy học phân hoá trong bộ môn sinh học, cụ thể là bổ túc cho sinh viên ở các bộ môn lý, hoá, sinh một môn học là môn khoa học tự nhiên nhằm đáp ứng việc các em phải dạy được môn này ở các trường phổ thông. Tương lai, chương trình phổ thông cấp II sẽ không có môn lý, hoá, sinh riêng mà là môn khoa học tự nhiên trong đó các chủ đề tích hợp được đưa vào. Vì thế trong phương pháp dạy học các môn liên quan đến đào tạo giáo viên, khoa cũng xây dựng các chuyên đề liên quan đến dạy tích hợp và dạy phân hoá”, PGS.Duy cho hay.

Một khoa khác của Trường đại học Sư phạm Huế đã và đang có nhiều đổi mới trong chương trình đào tạo giáo viên là Khoa Giáo dục tiểu học. “Trong 3 năm trở lại đây, khoa đã có nhiều thay đổi về tổ chức hoạt động đào tạo, trước hết là chú trọng đào tạo lực lượng giảng viên có đủ năng lực để đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu mới, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học cho biết. - Trong nghiên cứu khoa học, khoa yêu cầu bản thân mỗi giảng viên ngoài theo học những chương trình để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phải tự nghiên cứu tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Các tổ chuyên môn thì sinh hoạt chuyên đề theo hướng tiếp cận được đổi mới phẩm chất năng lực; các giảng viên phải viết các bài báo tham gia các hội thảo trong trường, hội thảo quốc gia, quốc tế liên quan vấn đề đổi mới. Trên cơ sở nghiên cứu của mình kết hợp với quá trình tự đào tạo bồi dưỡng và tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao học hàm học vị sẽ là kinh nghiệm tích luỹ cho giảng viên trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện bài giảng của mình theo hướng mới”. Ở góc độ giảng dạy, giảng viên ở khoa thay đổi phương pháp dạy học bằng cách tổ chức dưới nhiều hình thức hơn để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Nói cách khác, đây chính là chú trọng quan điểm dạy học kiến tạo trong đào tạo sinh viên. Ngoài ra, khoa Giáo dục tiểu học còn rất quan tâm đến các hoạt động về nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên bằng nhiều sân chơi và hoạt động cụ thể như Hội thi nghiệp vụ KTU (Kỹ năng - Trí tuệ - Duyên dáng), Diễn đàn giáo dục sức khoẻ giới tính,...

Sự chủ động và tích cực trong đổi mới chương trình đào tạo giáo viên tại Trường đại học Sư phạm Huế là nền tảng vững chắc để những thế hệ giáo viên mới ra trường có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong đổi mới giáo dục hiện nay.

Các trường sư phạm sẽ phải có chương trình đào tạo giáo viên mới từ năm học 2016-2017 để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đây là yêu cầu mà Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đặt ra sau hàng loạt hội thảo về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại khắp ba miền Bắc, Trung, Nam thời gian qua. 

 

Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen

Măng Đen (Kon Tum) gần đây nổi tiếng là điểm đến mới đầy hứa hẹn cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và khám phá. Nơi đây được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Latour Măng Đen sẽ mang đến trải nghiệm khó quên khi tham quan những địa điểm nổi tiếng, thưởng thức món ăn đặc sản núi rừng và tận hưởng không khí trong lành của vùng đất Tây Nguyên.

Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen
Lực đẩy từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Nguồn vốn tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần quan trọng tạo chuyển biến trong đời sống của người dân, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu lớn tỉnh đang theo đuổi.

Lực đẩy từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững (GNBV); phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top