ClockChủ Nhật, 09/10/2016 07:46

Đội tàu “xa xứ” Vinh Thanh

TTH - Hàng chục tàu cá đánh bắt ngoại tỉnh với nghề lưới rê tầng đáy ở Vinh Thanh (huyện Phú Vang) đang từng ngày đạp sóng vươn khơi, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Đằng sau câu chuyện thành công của những người đàn ông “cưỡi sóng đạp gió”, là sự thầm lặng của hậu phương đất liền!

Vươn vùng biển xa

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội nghề cá Vinh Thanh bảo rằng, nói về tàu cá làm dịch vụ hậu cần thì Vinh Thanh còn kém xa các “xã bạn”, nhưng nói về đánh bắt xa bờ thì đội tàu 23 chiếc của địa phương cũng thuộc hàng có “số má” trong tỉnh. Với công suất từ 105- 850CV, đội tàu đánh bắt xa bờ đang “ăn nên làm ra” dù sự cố môi trường biển ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm hải sản.

Mỗi chuyến chuẩn bị ra khơi của ngư dân Vinh Thanh là một khởi đầu quan trọng cho mùa biển

Có được “cái hẹn” với những ngư phủ ăn sóng nói gió thiệt không phải dễ. Bởi như lời ông Phát nói, một tháng có hai mùa trăng, họ đi hai chuyến, trừ hai ngày nghỉ sức để “tiếp” nhiên liệu, đá, nước ngọt và nhu yếu phẩm, phần lớn thời gian họ hoạt động trên biển. Đầu tháng 10, trời yên biển lặng, tại bến phà Vinh Thanh- nơi ngư dân tận dụng làm nơi neo đậu tàu thuyền, tấp nập ngư dân vận chuyển ngư lưới cụ từ thuyền thúng ra tàu lớn.

Chuẩn bị cho một chuyến ra khơi, với ngư dân Đỗ Văn Thành (thôn 3, xã Vinh Thanh), chủ tàu số hiệu TTH-96969, là công việc quan trọng. Anh Thành bảo: “Tất thảy mấy anh em làm ngư nghiệp ở đây đều theo nghề lưới rê tầng đáy, đánh bắt ở các ngư trường từ Quảng Trị vào đến Đà Nẵng rồi ra Hoàng Sa. Biển lớn thì tàu phải lớn. Mỗi năm “hạch toán” lại không kiếm được vài trăm thì xem như bỏ”. Nói đoạn, anh chỉ tay ra chiếc tàu công suất 800CV đang được các bạn thuyền của anh nâng tấm lưới nặng cả tấn từ dưới thuyền thúng lên. Theo anh Thành, mỗi chuyến đi biển của tàu anh thường kéo dài 14-15 ngày. Dù tàu cá ở Vinh Thanh nhưng các hoạt động đánh bắt, bán cá, tiếp nhiên liệu cùng nhu yếu phẩm đều diễn ra ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh nên chẳng mấy khi trở về vùng biển quê nhà. “Quanh năm mình nương thuyền theo sóng, đánh bắt vùng biển xa, hễ đủ số lượng cá thì “tấp” vào cảng Thuận An (huyện Phú Vang) hay vào âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) để bán. Có khi bán xong rồi, trúng luồng cá thì mình “tiếp” xăng dầu, lương thực lại tiếp tục ra khơi”, anh Thành chia sẻ.

Cấp tập chuẩn bị cho tàu cá “nhổ neo” một “mùa” đánh bắt mới, ngư dân Trần Thanh Dũng (thôn 6) cho biết: “Nghề lưới rê tầng đáy chủ yếu đánh bắt những loại hải sản có giá trị kinh tế cao như mực, ghẹ, cá đỏ cờ, kình, chặng, mú, hồng hướng đến tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Dù giá cá bán có thấp, sức tiêu thụ không bằng trước, nhưng nhờ có các hải sản xuất khẩu, anh em vẫn có thu nhập đều đặn”. Tàu anh Dũng công suất hơn 700CV, có 14-15 thuyền viên tham gia đánh bắt. Mỗi chuyến biển, anh Dũng đánh bắt được chừng 1 tấn mực, 4-5 tấn cá các loại. Đối với các loại hải sản bán cho thương lái nhỏ lẻ ở nội địa như cá kình, chặng với giá 30-60 nghìn đồng/kg; còn đối với ghẹ, mực, cá mú, đỏ cờ nhập cho các cơ sở đông lạnh tại các cảng với giá từ 70-90 nghìn/kg, để xuất khẩu. “Với chừng đó hải sản, mỗi chuyến đi biển mình thu nhập từ 130-150 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm còn trên dưới 100 triệu đồng, chủ tàu hưởng 60%, các thuyền viên còn lại 40%”, anh Dũng thổ lộ.

Vững vàng hậu phương

Câu chuyện “hậu phương” cho những ngư phủ cưỡi sóng đạp gió, vươn vùng biển xa, đã trở thành một nhịp sống rất sinh động của làng chài ven biển Vinh Thanh. Đó là những chuyến đi trên đất liền, ngược xuôi theo bóng con tàu trên biển của chồng mỗi khi cập cảng. Đội tàu ở Vinh Thanh đánh bắt xa bờ, mỗi lần cập cảng, những người phụ nữ là vợ, người thân của các anh em có “cổ phần” trên tàu cá đều có mặt ở cảng phụ giúp chồng phân loại cá bán, nhập cá cho thương lái. Rồi họ ngồi lại “hạch toán” cho một chuyến đi biển của những ông chồng “ăn sóng nói gió”. Anh Trần Văn Khanh (thôn 6, chủ tàu số hiệu TTH- 91199, công suất 450CV) bảo rằng: “Anh em đi biển giỏi nhưng nhiều lúc cũng “vụng tính”. Ở nhà không có chị em phụ nữ thì nhiều lúc hỏng việc”.

Ngoài đi biển, lớp người hậu cần ở nhà đã giúp những chuyến ra khơi hiệu quả

Suốt mùa các ngư phủ đi biển, do vùng đất Vinh Thanh vốn ít đất, sản xuất nông nghiệp khó khăn, nên lớp người hậu phương chọn cho mình những công việc như vá lưới, sửa sang ngư lưới cụ, để mỗi chuyến tàu lớn trở về nếu trúng vụ cá thì mọi thứ đã sẵn sàng cho những chuyến ra biển tiếp theo. Tấm lưới rê tầng đáy giá 900 triệu đồng, những chị em phụ nữ, con cái ngư phủ thường giúp đỡ lẫn nhau mới làm hết việc. Anh Khanh kể: “Nhiều lúc lúi búi công việc, thuyền cập bến, mình đưa hải sản xuống bán rồi mua tiếp nhiên liệu, vận chuyển đá lên tàu cho chuyến đi mới mà chưa kịp nói chuyện với vợ một câu. Vợ từ Vinh Thanh lên thấu cảng Thuận An rồi lặng lẽ về, khi ra biển rồi sức nhớ mà thương!”. Nói đoạn rồi anh tếu táo: “Mà nhiều lúc đứng trong ca bin tàu “thơm” được một cái nơi má, rứa mà đỡ nhớ đó”. Từ bên mạn thuyền, người vợ che miệng cười, nom rất hạnh phúc. Với anh Khanh, công việc đi biển không chỉ giữ lấy nghề cha ông mà còn “tiếp sức” cho con đường học vấn của con mình. Năm vừa qua, con trai đầu anh Khanh đỗ vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là niềm vui lớn đối với gia đình. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người cha!

Còn với ngư dân Đỗ Văn Thành, kỷ niệm anh nhớ mãi là lần trúng đậm mẻ cá lớn. Số là, đầu năm 2016, khi tàu anh Thành đang đánh bắt tại ngư trường vùng biển Đà Nẵng thì gặp mẻ cá lạc khoảng 2,5 tấn. Quăng quật trên biển cả ngày trường, anh Thành vẫn không quên dùng bộ đàm liên lạc về “khoe” với vợ, lấy cả ipad chụp hình mẻ cá gửi về cho gia đình. Nhờ chuẩn bị phương tiện, liên lạc sớm với tư thương, mẻ cá lạc tàu anh Thành vào bờ bán được gần 400 triệu đồng, trừ chi phí, và phần chia cho các thuyền viên, anh Thành có một chuyến biển thành công ngoài mong đợi.

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội nghề cá Vinh Thanh cho rằng, ngoài hậu phương vũng chắc, các ngư dân đánh bắt, hỗ trợ nhau trên biển cũng là điều rất quan trọng. Trong 23 tàu đánh bắt xa bờ của địa phương được chia thành hai tổ đội đoàn kết trên biển, không chỉ giúp đỡ nhau khi đánh bắt, sự cố trên biển mà các tàu lớn còn được trang bị bộ đàm, định vị, thành viên còn liên lạc nhau, thông báo các luồng cá, ngư trường mới để cùng nhau khai thác hiệu quả.

Hiện nay, tuy xã có đội tàu đánh bắt xa bờ làm ăn khá hiệu quả nhưng ngư dân đang gặp khó khăn trong việc thiếu cầu cảng, nơi neo đậu để có thể vận chuyển ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm phục vụ cho mỗi chuyến đánh bắt. Tàu ngư dân phải đậu ở các xã khác, vì thế dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương Vinh Thanh chưa phát triển được

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội nghề cá Vinh Thanh trăn trở

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu nhập tốt từ vụ rau, hoa tết

Với vườn rau và hoa, tổng diện tích 10 sào; đặc biệt với tinh thần lao động cần cù, chăm chỉ, hộ bà Hồ Thị Dung (thôn 2, xã Vinh Thanh, Phú Vang) sống khỏe với đất với vườn, bằng nghề trồng trọt, nhất là trong dịp tết đến xuân về.

Thu nhập tốt từ vụ rau, hoa tết
Ra khơi mùa sóng dữ

Theo kinh nghiệm của bà con đi biển, thời điểm chuyển mùa thu đông cũng là lúc những con sóng biển dần bớt hiền hòa, thay vào đó là những bờ sóng trắng xóa dữ dằn tấp bờ, vỗ bạc mặt những ngư dân vạm vỡ quyết bám biển mưu sinh. Để vượt qua những con sóng dữ ấy, những người ngư dân phải gồng mình chung sức đẩy thuyền ra biển. Và những khoảng khắc “thi gan” ấy cũng là những cảnh tượng vô cùng đẹp mắt, sáng rỡ niềm hy vọng trúng đậm “lộc biển”.

Ra khơi mùa sóng dữ
Cháy tàu cá trong đêm, nhiều ngư dân thoát nạn

Sáng 5/11, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết lực lượng này đã nhận được thông tin về việc một tàu cá của ngư dân khi đang hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển thì bị bốc cháy dữ dội.

Cháy tàu cá trong đêm, nhiều ngư dân thoát nạn
Phấn đấu xây dựng Vinh Thanh sớm trở thành thị trấn

Chiều 13/6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với Đảng ủy xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang về tình hình triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu xây dựng Vinh Thanh sớm trở thành trị trấn. Tham dự buổi làm việc còn có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Về phía lãnh đạo huyện, có ông Trần Gia Công - TUV, Bí thư Huyện ủy Phú Vang.

Phấn đấu xây dựng Vinh Thanh sớm trở thành thị trấn
Return to top