ClockThứ Sáu, 13/01/2017 05:51

Đổi tiền mới khó, đổi đô dễ “mất cả chì lẫn chài”

TTH - Ngoài tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống không được in mới, việc đổi tiền mới mệnh giá từ 10-50 ngàn đồng để lì xì không dễ, khi các ngân hàng đều khẳng định chưa được thông báo về việc được cấp, đổi tiền mới. Với USD mệnh giá nhỏ, không khó để đổi, song nếu bị phát hiện sẽ bị phạt và tịch thu tiền đổi.

Tiền cũ đảm bảo đủ lưu thông

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát đi thông báo về việc không in tiền mới mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống, chỉ chi tiền đã qua sử dụng. Giải pháp này nhằm tiết giảm chi phí in, vận chuyển, đóng gói, kiểm đếm… và giảm áp lực cho các ngân hàng trong việc đổi tiền mới dịp Tết cho mục đích lì xì.

ABBank luôn có đủ nguồn tiền lẻ để thanh toán

Động thái này còn giúp các ngân hàng nhẹ gánh hơn khi các thông tin hỏi đổi tiền mới ngày càng thưa dần. Tuy thế, việc đổi tiền mới mệnh giá từ 10-50 ngàn đồng, thậm chí 100, 200 ngàn đồng vẫn được nhiều người quan tâm, nhất là một số cơ quan, doanh nghiệp có số lao động lớn, là khách hàng VIP, thân thiết của một số ngân hàng, muốn có một nguồn tiền mới để CB-CNV lì xì dịp Tết.

NHNN-Chi nhánh tỉnh cho hay, mấy năm gần đây, NHNN Việt Nam đều có thông báo về việc không đổi tiền mới ở các loại mệnh giá khác nhau, từ nhỏ đến lớn, năm nay cũng không ngoại lệ nên việc cấp tiền mới cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là điều không được phép. NHNN khuyến khích lưu thông các loại tiền đã qua sử dụng và yêu cầu NHTM nào cũng phải đảm bảo đủ cơ cấu các mệnh giá khác nhau để lưu thông, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do đó, dù không có tiền mới, song khách hàng có thể yên tâm là tiền lẻ, mệnh giá nhỏ luôn đảm bảo đầy đủ.

Điều này cũng được Giám đốc Chi nhánh NHTM cổ phần An Bình (ABbank) - Đinh Quang Hưng khẳng định, khi ABbank là ngân hàng có lượng giao dịch thanh toán tiền điện, nước khá lớn, bình quân mỗi tháng khoảng 36.000 lượt giao dịch, tính ra mỗi ngày hơn 1.000 lượt. Những giao dịch này chủ yếu phải dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả lại cho khách hàng hoặc do khách hàng nộp nên ngân hàng luôn dồi dào nguồn tiền mệnh giá nhỏ loại 1.000, 2.000, 5.000 đồng… Các loại mệnh giá lớn hơn từ 10 đến 50 ngàn đồng cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu thông, tuy nhiên, tất cả đều là tiền cũ, ngân hàng không lưu trữ tiền mới.

Lãnh đạo NHTM cổ phần Ngoại thương - Chi nhánh Huế cũng khẳng định, đến thời điểm hiện nay, ngân hàng chưa được thông báo về việc được cấp đổi tiền mới mệnh giá trên 5.000 đồng, các loại mệnh giá khác đã qua sử dụng luôn đảm bảo để giao dịch.

Về thông tin lưu trữ tiền mới sử dụng một lần và còn khá mới để đổi nhằm giữ chân khách hàng, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng điều đó là không thể bởi nguyên tắc nguồn tiền phải được lưu thông, hơn nữa, quy định của NHNN không cho phép thực hiện, nếu làm thế còn gây tốn kém chi phí lưu trữ, kiểm đếm…

Đổi đô dễ mất “cả chì lẫn chài”

Một vài năm trở lại đây, việc đổi tiền mới mệnh giá nhỏ khá khó khăn nên nhiều người có xu hướng chuyển sang đổi USD mệnh giá 1-2 đô để lì xì. Tuy thế, việc này cũng không dễ, bởi các ngân hàng chỉ đổi tiền đô cho người đi du lịch, du học, công tác nước ngoài trước hai ngày theo ngày bay trên vé máy bay kèm theo các giấy tờ hợp lệ và thường có mệnh giá 100 USD. Người có nhu cầu chỉ có thể đổi tiền đô mệnh giá nhỏ ở các tiệm vàng dù hoạt động này bị cấm. Đó là chưa kể tờ mệnh giá 2 USD luôn được quy đổi với giá trị cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung nếu năm in là 1976. Theo quan niệm của người phương Tây, đó là tờ tiền may mắn, nếu được lì xì dịp năm mới sẽ đem tài lộc đến cho người nhận, do đó, người bán càng có cơ hội đẩy giá lên. Một tờ 2 USD có khi được bán với giá vài trăm ngàn đồng, trong khi giá trị thực tính theo giá quy đổi của ngân hàng chỉ khoảng gần 50 ngàn đồng, vẫn được nhiều người tìm mua. Việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu bị phát hiện, số tiền phạt gấp nhiều lần so với giá trị tiền đổi. Đã có khách hàng chỉ đổi 100 USD nhưng bị phạt vài chục triệu đồng và tịch thu tiền đổi. Cơ sở đổi tiền cũng bị phạt tương tự nếu không được cấp phép.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích lưu thông tiền có mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng

Một cách khác mà những người từng dùng tiền đô mệnh giá nhỏ để lì xì dịp Tết là nhờ người quen đổi ở một số nhân viên khách sạn, nhà hàng phục vụ khách Tây, vì thường họ được “boa” khi phục vụ. Tuy thế, số này không nhiều và nếu có nhân viên phải gom một thời gian dài mới có để đổi.

Riêng việc đổi tiền đô mệnh giá nhỏ ở các ngân hàng như vừa nêu là điều không thể, hơn nữa, NHNN đang chống "đô la hóa" nên rất ít ngân hàng lưu trữ ngoại tệ, chỉ trừ những ngân hàng có nhiều khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chủ yếu là đô la có mệnh giá lớn. Trào lưu đổi 1-2 đô để làm quà lì xì dịp Tết chỉ là nhất thời ở một bộ phận nhỏ trong dân cư và khó có cơ hội lan rộng.

Theo ông Đinh Quang Hưng, gần như khách hàng nào cũng nắm được thông tin không phát hành tiền mới nên những cuộc gọi hỏi đổi tiền cũng ít hơn, lãnh đạo và nhân viên ngành ngân hàng vì thế đỡ vất vả, khó xử.

Theo NHNN Việt Nam, việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng, nâng con số tiết kiệm từ việc không in tiền mệnh giá nhỏ vài năm gần đây lên 1.900 tỷ đồng. Tuy thế, NHNN Việt Nam sẽ chuyển các loại tiền mệnh giá nhỏ đủ điều kiện lưu thông mà không phải tiền mới, nguyên seri về các chi nhánh để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Phát hiện cá thể trăn gấm quý bò vào nhà

Ngày 5/4, ông Phan Thạnh ở xã Hương Lộc (Nam Đông) phát hiện cá thể trăn gấm bò vào nhà của gia đình, ông đã dùng mọi cách giữ lại và báo với cơ quan chức năng với mong muốn giao nộp, thả về môi trường tự nhiên.

Phát hiện cá thể trăn gấm quý bò vào nhà
Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đang phối hợp theo dõi một ca bệnh sốt rét ngoại lai tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Các y bác sĩ tiếp tục điều trị do bệnh nhân đang mang thai 19 tuần tuổi.

Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Return to top