ClockThứ Năm, 16/03/2017 14:06

Đôi vợ chồng khuyết tật và quan niệm về hạnh phúc

TTH - Như là hai mảnh ghép của số phận, hai con người ấy đã tạo nên một tình yêu giản dị nhưng không kém phần vẹn tròn, hạnh phúc.

Gia đình hạnh phúc của anh Trần Công Đông và chị Trần Thị Gái

Tình yêu giản dị

Trần Quang Đông vốn là một cậu bé khỏe mạnh trong gia đình 6 anh chị em, có ba là thương binh hạng 1, thương tật 81%, mẹ buôn bán tần tảo quán xuyến cả gia đình. Năm 2 tuổi, sau một trận sốt kéo dài, Đông bị biến chứng teo cơ liệt nửa người. Sau gần 3 năm trời được mẹ “vái tứ phương” chạy chữa, anh còn bị teo một chân.

Từ nhỏ, Đông đã là con ngoan trò giỏi, được xóm giềng và bạn bè thương yêu. Những năm học tiểu học, do không tự mình đạp xe, cậu học trò được người thầy giáo tận tụy ngày ngày chở đến lớp. Anh chia sẻ: “Nhiều lúc cũng mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết... Hôm nào đi học bị bạn trêu “bại”, “què” là y rằng hôm đó về khóc ướt gối. Lớn lên suy nghĩ dần khác đi, bạn bè đã trưởng thành cũng không còn xốc nổi chọc ghẹo nữa. Mình luôn tâm niệm sống thật tốt thì đời chẳng đến nỗi bạc đãi”.

Học xong phổ thông, Đông vào TP. Hồ Chí Minh làm nghề lắp ráp điện tử một năm. Nhưng nhận thấy mình cần có một cái nghề gì đó gắn bó lâu dài, lại có thể ở gần quê nhà hơn, Đông về Huế xin học nghề tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Cũng nhờ đó, anh gặp chị Trần Thị Gái, người cùng anh kết nghĩa vợ chồng sau này.

Gái sinh ra kém may mắn khi có khuyết tật ở những ngón tay và một chân. Cô có khuôn mặt xinh xắn nhưng buồn, chỉ đến khi gặp Đông, cô thiếu nữ ngày ấy mới tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Anh Đông học nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, chị Gái học lớp vi tính. Do học nội trú, ở chung ký túc xá thường xuyên chạm mặt, dăm ba câu xã giao ban đầu hai người nên bạn bè. Sau một ngày học hành tất bật, buổi tối hai anh chị thường trò chuyện với nhau về cuộc sống, tâm sự chuyện gia đình. Tình yêu cứ thế bất chợt đến, chỉ nhớ rằng họ luôn khao khát được sẻ chia cùng nhau.

Học xong nghề chạm khắc, anh Đông được trung tâm đào tạo thêm về nghiệp vụ sư phạm để có thể đứng lớp, truyền dạy cho những lớp học viên sau này. Còn chị Gái, sau khi học xong trung cấp vi tính ở trung tâm, chị vào TP. Hồ chí Minh học lớp đồ họa 2 năm. Trong khoảng thời gian cách xa đó, họ viết thư cho nhau, nhắn cho nhau hàng ngàn tin nhắn yahoo, trò chuyện hàng đêm qua điện thoại. Anh Đông kể lại, có một năm chị Gái đã bất ngờ lặn lội đường xa ra Huế tổ chức sinh nhật cho anh, đó là sinh nhật không thể nào quên trong đời. Và, tình yêu của hai người càng bùng cháy lên mạnh mẽ hơn.

Hạnh phúc là có nhau

Ông Trần Văn Thành (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật) xúc động khi nói về đôi vợ chồng có nghị lực kiên cường: “Đông và Gái thực sự rất đẹp đôi. Một người giàu ý chí, một người lại đảm đang và khéo léo. Khi được báo hai người nên duyên vợ chồng, cả trung tâm ai cũng mừng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, vợ chồng Đông đã có hai mặt con rồi”.

Sau khi kết hôn, anh Đông vẫn đi dạy ở trung tâm, chị Gái ở nhà chăn nuôi sản xuất. Không phải gia đình khá giả, có của ăn của để nhưng thu nhập ổn định. Đông bảo, như bây giờ vợ chồng cũng đã vui lắm rồi, cứ thích cuộc sống giản dị, được thương yêu vợ con như thế này thôi. Anh chị có hai người con, con trai đầu 8 tuổi đang học lớp hai, bé gái sau 2 tuổi, anh chị thay mẹ nuôi thêm người em gái út của anh. Cô em gái học lớp 11 của Đông tâm sự: “Chị dâu thương em lắm. Anh chị sống hòa thuận, thương yêu nhau, em cũng mừng thay. Nhiều lúc lại trộm nghĩ, nếu sau này lấy chồng may mắn có được tình nghĩa như anh chị mình bây giờ thì tốt quá”.

Trong căn nhà nhỏ khang trang ở thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) luôn tíu tít tiếng cười pha lẫn tiếng bi bô tập nói của cô con gái nhỏ. Dù kết hôn đã được 9 năm nhưng vợ chồng anh vẫn mặn nồng như thuở vừa mới yêu. Mỗi ngày, sau giờ dạy trên lớp, lại nhận thêm việc chạm khắc gỗ kiếm thêm thu nhập, anh Đông đều phụ giúp vợ làm các công việc nhà như rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo… Chị Gái tâm sự: “Chồng rất thương tôi, chẳng bao giờ to tiếng với vợ, lại không nề hà những công việc không tên được “mặc định” dành cho phụ nữ”. Khi hỏi anh chị nghĩ như thế nào là hạnh phúc, vợ chồng anh Đông chị Gái nhìn nhau tủm tỉm cười, thì có nhau chẳng phải là hạnh phúc rồi đấy sao?!

Hạnh phúc của họ hóa ra giản dị như thế, nhưng lại thấy đẹp vô ngần!

PHƯỚC LY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo

TIN MỚI

Return to top