ClockChủ Nhật, 07/05/2017 20:40

Đón chờ sự hiện diện của Tổng thống Trump tại Đông Nam Á

TTH - Như thông tin đã đăng trên Thừa Thiên Huế Cuối tuần số 901, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á vào tháng 11 tới. Đáng chú ý, trong một loạt sự kiện quan trọng này có Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam. Động thái được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho khu vực.

Bài viết "Tại sao Tổng thống Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Đông Nam Á là tin tốt", đăng trên tờ The Interpreter của Viện Chính sách Quốc tế Lowy (Australia) ngày 3/5 cho rằng, đây là tin vui cho những người hoài nghi về cam kết bền vững của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham dự nhiều hội nghị quan trọng tại châu Á trong tháng 11 này. Ảnh: Asia Pacific Global

Ý kiến của ông Aaron Connelly, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Lowy cho rằng, chuyến thăm ngoại giao của ông Trump cũng đi kèm với những rủi ro ngẫu nhiên, khi Tổng thống thứ 45 của Mỹ kêu gọi bỏ qua chủ nghĩa đa phương và tập trung vào chính sách “nước Mỹ trước tiên”. Dẫu vậy, những lo lắng về sự hiện diện của ông Trump tại hội nghị APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) sẽ bỏ qua một bức tranh lớn hơn. Đó là sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ thậm chí sẽ gây bất lợi cho lợi ích của Mỹ hơn so với sự hiện diện của ông Trump. Có 3 lý do cho điều này.

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama đã gặt hái nhiều danh tiếng khi công du 9 trên tổng số 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong nhiệm kỳ của mình. Trong khi đó, cựu Tổng thống George W Bush và cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ đến thăm 5 nước. Mặc dù xuất hiện chỉ trích liên quan đến những thiếu sót, chính sách xoay trục về châu Á của Washington vẫn phổ biến rộng rãi trong khu vực.

Việc Tổng thống Trump sớm rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như mối bận tâm của ông đối với các cuộc khủng hoảng như Syria và khủng bố quốc tế làm thúc đẩy nhận thức về sự tham gia giảm dần của Mỹ ở châu Á. Chính vì thế, tham dự APEC và EAS trong tháng 11 sẽ góp phần khôi phục lòng tin về sức mạnh bền vững của Mỹ trong khu vực. Cơ hội càng đặc biệt thuận lợi trong bối cảnh năm 2017 là dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Mỹ-ASEAN.

Thứ hai, xây dựng mối quan hệ với các nước ASEAN sẽ là cơ hội để ông Trump đa dạng hóa mối quan hệ tốt đẹp của mình với các nhà lãnh đạo châu Á. Điển hình là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các hội nghị thượng đỉnh cũng nắm giữ cơ hội nhằm tạo lập mối quan hệ với các nhà lãnh đạo khu vực, những người đang mong muốn tăng cường quan hệ với Washington.

Cuối cùng, các dấu hiệu ban đầu cho thấy, động lực thực sự của chính sách Mỹ đối với châu Á nằm ở cấp Nội các và Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump. Tổng thống Trump đang dựa vào kinh nghiệm phong phú trong chính sách đối ngoại do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster cung cấp.

Bên cạnh đó, Giám đốc cao cấp phụ trách châu Á, Hội đồng An ninh quốc gia Matthew Pottinger cũng gửi các chuyên gia cần thiết đến nhóm phụ trách khu vực châu Á của Nhà Trắng. Ông Pottinger được coi là người đứng sau chính sách của ông Trump về "sức ép và cam kết" của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên.

Ngoài ra, con rể của Trump, Jared Kushner cũng là người đóng một vai trò lớn trong việc tổ chức cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida hồi tháng trước.

Tất cả những lý do trên chỉ rõ, những nhân tố tham gia tích cực đang hình thành đường nét của chiến lược Mỹ tại châu Á. Đây cũng là một tín hiệu thiết yếu cho thấy, Mỹ công nhận tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á.

Trong một động thái liên quan, tạp chí The Diplomat của Nhật Bản cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đến các hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á không phải thước đo duy nhất để đánh giá mức độ tham dự của Mỹ trong khu vực, và cũng không phải hành động ý nghĩa nhất. Thế nhưng, đây là năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền và lần đầu tiên ông Trump có cơ hội hiện diện tại hội nghị thượng đỉnh ở châu Á. Vì thế, đây sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo Mỹ dịu bớt lo lắng về việc nước này có thể giảm sự tham gia vào các hoạt động trong khu vực, đồng thời vạch ra cách tiếp cận cho chính quyền mới của Washington đối với khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ The Interpreter, SCMP & The Diplomat

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết

Gần đây, Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, với hàng trăm ca tử vong. Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp như thả muỗi mang vi khuẩn đặc biệt nhằm giảm số lượng muỗi mang virus gây bệnh, cùng với hàng loạt nỗ lực của cộng đồng nhằm giải quyết bệnh sốt xuất huyết. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, những biện pháp này hiệu quả đến mức nào?

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết
Return to top