ClockThứ Hai, 17/07/2017 06:23

Dồn dập hạ lãi suất cho vay, lợi nhuận ngân hàng có giảm?

Sau tín hiệu phát đi từ Ngân hàng Nhà nước, thị trường đón nhận nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay nhưng không giảm lãi suất huy động đang đặt ra câu hỏi liệu lợi nhuận ngân hàng có bị ảnh hưởng?

Dồn dập giảm lãi suất cho vay

Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất điều hành chủ chốt. Gần đây nhất, Eximbank công bố giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Ngoài mức lãi suất cho vay ưu đãi 6,5%/năm, hiện Eximbank đang triển khai gói 9.000 tỷ đồng cho các sản phẩm cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất khá cạnh tranh (dưới 7%/năm).

Hay như tại SHB, ngân hàng này cũng vừa giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho hay: “Giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên là cam kết của SHB trong việc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Theo ông Lê, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp - nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về vốn dù có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch trả nợ hợp lý. Do đó, quyết định giảm lãi suất lần này của ngân hàng sẽ giúp các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để biến những dự án đang còn trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.

Trước đó, VPBank, LienVietPostBank, BIDV... cũng đã công bố các mức giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm.

Ngân hàng dồn dập giảm lãi suất cho vay (ảnh minh họa)

Với các chuyển động trên có thể thấy rằng, chỉ 1 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành (có hiệu lực từ ngày 10/7), thị trường đã liên tục đón nhận thông tin rất nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay trên thị trường đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, một điểm khá đặc biệt trong lần này là Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm lãi suất cho vay trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi.

Lợi nhuận ngân hàng có bị sụt giảm?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc giảm lãi suất điều hành là điều kiện để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đầu ra bởi việc hạ lãi suất điều hành sẽ làm giảm chi phí vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng khi vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy nhiên, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này là không cao do quy mô các khoản vay NHNN khá khiêm tốn và mức giảm lãi suất còn thấp so với 9 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm 2011 tới nay.

Lấy số liệu về số dư các khoản nợ Chính phủ và NHNN Việt Nam như một chi tiêu đại diện cho quy mô các khoản vay NHNN, BSC tính toán tổng dư nợ của 23 ngân hàng thương mại là 142 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2017, chỉ tương đương 2,46% giá trị tổng tài sản và 3,33% tiền gửi của khách hàng. Khi đó, chi phí tiết kiệm được của 23 ngân hàng thương mại tham chiếu nói trên khoảng 354 tỷ đồng.

Hơn nữa, mức giảm 0,25% được đánh giá là "thận trọng" và thấp so với thời gian trước. Trong 9 lần điều chỉnh lãi suất điều hành trước, lãi suất điều hành chủ yếu được điều chỉnh tăng/giảm 1%, riêng tháng 3/2014, điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất điều hành.

Tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này theo đánh giá của BSC là không cao. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đối mặt với áp lực giảm lãi suất đầu ra từ định hướng điều hành và chính sách của NHNN. Lãi suất huy động đầu vào khó giảm tương ứng do áp lực lạm phát và tỷ giá.

"Hệ số NIM của các ngân hàng có thể giảm sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN", báo cáo của BSC nhận định.

Theo đánh giá của chuyên gia Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất về cơ bản là có cơ sở khi lạm phát 6 tháng đầu năm nay khá là thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa mới công bố cho thấy, lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong quý II, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015.

Ông Lực cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay nhưng giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm thận trọng và đúng đắn.

"Nếu giảm lãi cho vay và giảm luôn cả lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền “chảy” sang nhiều các kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Và vì vậy, việc huy động vốn gặp khó khăn, không thể giảm lãi suất hay duy trì lãi suất ở mức thấp", ông Lực phân tích.

Theo Dân Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Chọn lĩnh vực cho vay tạo ra sức lan tỏa

Có vẻ như là một nghịch lý trong thời điểm hiện nay trong mối quan hệ tín dụng: ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp (DN) cần vốn; không cân đối được nguồn vốn giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay. Ví dụ như Agribank, một vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ cho vay ra được 80 đồng.

Chọn lĩnh vực cho vay tạo ra sức lan tỏa
Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chông Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top