ClockThứ Hai, 08/01/2018 08:31

Đóng cửa lò gạch ngói thủ công ở Hương Vinh: Người dân vẫn cần được hỗ trợ

TTH - Sau nhiều năm đóng cửa các lò gạch thủ công để xóa “điểm đen” về ô nhiễm môi trường theo chủ trương của Chính phủ, tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, một số hộ dân sản xuất gạch ngói thủ công ở Hương Vinh (Hương Trà) tiếp tục kiến nghị chính quyền tạo điều kiện giúp người dân chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Về lại xã Hương Vinh, nơi một thời phồn thịnh với nghề sản xuất gạch ngói thủ công truyền thống nay chỉ còn sót lại những lò gạch cỏ dại phủ xanh. Nhiều hộ dân theo nghề đã tìm được công việc mới, ổn định cuộc sống nhưng vẫn còn một số hộ đang loay hoay với việc mưu sinh.

Lò gạch cũ được ông Kim tận dụng để nuôi lợn

Ông Trần Trọng Kim (thôn Thủy Phú) tâm sự, sau khi bỏ hẳn nghề làm gạch, hai vợ chồng ông loay hoay tìm hướng đi mới nhưng do tuổi đã cao nên không làm được nghề gì khác. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào mảnh vườn trồng rau nhỏ hoặc làm thuê, làm mướn. Lò gạch cũ được ông tận dụng làm chuồng nuôi một vài con lợn, nhưng thu nhập không đáng là bao do thời gian gần đây chăn nuôi khó khăn về giá.

“Tuổi cao nên không thể làm việc nặng, kinh tế lại khó khăn nên tôi chỉ mong được vay một số vốn để kinh doanh vật tư xây dựng, thức ăn chăn nuôi”, ông Kim bày tỏ.

Hoàn cảnh của ông Đỗ Song ở thôn Thủy Phú cũng không mấy khá hơn. Thu nhập của gia đình giảm nhiều từ ngày bỏ nghề. Từ chủ lò nay ông trở thành người làm thuê, cộng với trồng rau trên mảnh vườn cạnh nhà cũng chỉ đủ trang trải qua ngày. Ông vẫn chờ đợi các hình thức hỗ trợ từ chính quyền như vay vốn kinh doanh hay cho thuê đất ruộng để canh tác.

Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, trước đây xã có tổng số 34 lò gạch thủ công, tập trung tại hai thôn Thủy Phú và Triều Sơn Đông. Trong quá trình sản xuất, do công nghệ lạc hậu và sản xuất bằng thủ công, các lò gạch nằm gần khu vực dân cư và cạnh đường tỉnh lộ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực. Từ năm 2003, làng nghề sản xuất gạch ngói Hương Vinh được liệt vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm qua, UBND xã đã vận động các hộ dân ngưng hoạt động sản xuất. Từ 34 lò ở cụm làng nghề sản xuất gạch ngói thủ công ở Hương Vinh sau một thời gian sản xuất cầm chừng, những chủ lò này đã cam kết chấm dứt hoạt động, hiện tại đã giải thể.

Một số chủ lò có điều kiện về mặt bằng, vốn thì chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp, trồng sen cao sản... còn phần lớn chuyển sang các nghề như: phụ thợ hồ, làm thuê... với mức thu nhập không ổn định và theo thời vụ.

Xã đã tiến hành chuyển đổi các vùng đất thấp trũng sang trồng sen cao sản kết hợp nuôi trồng thủy sản để giải quyết công ăn việc làm cho 8 hộ lò gạch sau khi giải thể. Hiện nay, có khoảng 7ha được đưa vào trồng sen cao sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Với các hộ chuyển đổi sang mô hình kinh doanh, mở cơ sở sản xuất, xã tạo điều kiện về thủ tục để dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay chính sách, ưu đãi hay đề xuất với thị xã Hương Trà hỗ trợ nguồn vốn khuyến công. Nhờ đó nhiều hộ đã sản xuất, kinh doanh hiệu quả; như  hộ của ông  Nguyễn Đức Lâm với nhà máy cán tôn, hộ ông Cao Thắng đầu tư dây chuyền ép củi trấu. Những cơ sở kinh doanh này còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Chính quyền địa phương còn phối hợp với thị xã mở các lớp đào tạo nghề và liên hệ với các chủ cơ sở để tìm đầu ra cho học viên, đây là cách làm khá hiệu quả, nhiều lao động đã tìm được công việc với mức thu nhập ổn định.

Theo bà Oanh, bên cạnh đó vẫn còn 6-7 hộ vẫn chưa có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh. Những trường hợp này đều đã lớn tuổi nên tìm kiếm công việc phù hợp hay theo học các lớp nghề khá khó khăn.

Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với thị xã để tìm ra những phương án phù hợp với tình hình cụ thể,  sớm giải quyết công ăn việc làm cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống. Bà Oanh cho biết.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top