ClockThứ Hai, 17/12/2018 08:08

Đồng hành cùng giáo viên

TTH - Hình ảnh giáo viên bạo hành học sinh, phụ huynh xúc phạm giáo viên… gần đây lại xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, khiến không ít người lo lắng cho tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Tại buổi tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực là nguyên nhân dẫn đến giáo viên bạo hành học sinh… Điều đó cũng có lý phần nào khi không ít giáo viên không yên tâm đứng trên bục giảng, bởi những tiêu chí đánh giá không dựa vào năng lực thực sự của giáo viên mà dựa vào thành tích của lớp; từ tỷ lệ học sinh khá, giỏi, lên lớp, hạnh kiểm đến các phong trào thi đua.

Việc trò hư bị thầy cô đánh không là chuyện lạ trong giáo dục truyền thống của Việt Nam, với quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, trong giáo dục hiện đại, điều này đã không cho phép; và việc cho bạn cùng lớp tát hội đồng một học sinh, hay đánh một học sinh tàn tật đến bầm tím cả lưng trong thời gian qua là càng không thể chấp nhận. Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, dù giáo viên đang chịu nhiều áp lực nhưng không thể vin vào đó để đi ngược lại chuẩn mực đạo đức.

Vấn đề sai là phải sửa. Đó là điều mong mỏi của những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Về phía ngành giáo dục, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những quy định, cuộc thi không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ được rà soát để cắt bỏ trong thời gian sớm nhất; đồng thời, sẽ triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn cho giáo viên. Về lâu dài sẽ tập trung vào công tác tuyển sinh, làm sao chọn được những người yêu nghề giáo thực sự để đào tạo, bởi nếu không yêu nghề thì sẽ khó theo được nghề và dễ xảy ra vi phạm.

Trong thực tế, không ít phụ huynh coi giáo dục học sinh là trách nhiệm của thầy cô, nhà trường mà không quan tâm tới các tác động tiêu cực từ xã hội, nhất là các vấn đề từ mạng xã hội mang lại. Nhiều phụ huynh còn đặt yêu cầu cho con mình lớn quá mà không biết được năng lực của mỗi học sinh là khác nhau; và khi không đạt được kỳ vọng thường đổ lỗi cho thầy cô. Đây cũng là một áp lực.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn có những thái độ, hành vi phản giáo dục đáng trách. Chuyện một cô giáo ở Trường tiểu học Bình Chánh (Long An) bị một phụ huynh bắt quỳ hồi đầu năm nay, hay một thầy giáo ở Trường THCS Trần Huỳnh (Bạc Liêu) bị một phụ huynh lớn tiếng xúc phạm, trong đó có câu “chưa chắc cái bộ đồ thầy mặc trên người giá trị hơn cái quần của con tôi” rồi quay clip đăng trên mạng xã hội mới đây, đã khiến rất nhiều người đau buồn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nền giáo dục có hiện đại gì đi nữa thì truyền thống tốt đẹp về “tôn sư trọng đạo” của dân tộc cũng cần phải được trân giữ. Phụ huynh là tấm gương để học sinh noi theo. Hi vọng, sự thay đổi, cải cách hợp lý từ ngành giáo dục, sự tôn trọng của phụ huynh, học sinh; sự cảm thông, đồng hành của toàn xã hội sẽ là động lực để giáo viên yên tâm đứng trên bục giảng, phát huy hết tâm huyết của mình cho học sinh nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo xanh “phủ sóng” tình nguyện dịp Tết

Vận động các nguồn lực xã hội tổ chức những chương trình, hoạt động ý nghĩa giúp đỡ thanh thiếu nhi và bà con nhân dân vùng khó khăn là mục tiêu của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Áo xanh “phủ sóng” tình nguyện dịp Tết
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top