ClockThứ Bảy, 13/04/2013 14:53

Đồng hành cùng thanh niên hoàn lương

TTH - Các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên sau khi mãn hạn tù, trở về cuộc sống đời thường sẽ được các tổ chức Đoàn, Hội địa phương quan tâm giúp đỡ về tinh thần cũng như hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, để họ sớm hòa nhập cộng đồng, cự tuyệt con đường phạm tội. Đó là nội dung chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" do Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa phối hợp với Trại giam Bình Điền ký kết thực hiện.

Lầm lỡ

 

Nhân chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, tôi được Ban Giám thị trại giam tạo điều kiện tiếp xúc, trò chuyện với một số phạm nhân ở đây. Các phạm nhân tôi gặp, nhiều gương mặt còn non nớt, đang sống trong sự chăm bẵm của gia đình nhưng đã sớm sa vào con đường lao lý. Có người khi bị bắt họ mới biết mình phạm tội, lúc ngủ vẫn thon thót giật mình.

 

Trao quà cho phạm nhân cải tạo tốt

 

Nguyễn Thị Nhã Ph, 23 tuổi ở Sơn Thủy, A Lưới không ngần ngại kể cho tôi nghe quãng đời lầm lỗi của chị, Ph nghẹn lời: “Em thấy có lỗi với cha mẹ và em trai vô cùng. Mỗi khi họ đến trại thăm, em thấy lòng mình đau thắt, xấu hổ. Em trai của em phải bỏ học giữa chừng, còn cha mẹ thì vì thương em mà gầy đi nhanh chóng”.

 

Năm 2009, Ph đang là học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Trong lúc Ph cùng bạn trai là Huy về quê chơi thì bị công an giữ xe vì không đội mũ bảo hiểm. Hai lần trước được mẹ Ph cho tiền nộp phạt, lần này Huy dùng điện thoại Ph cầm để lấy tiền chuộc xe và hứa sẽ trả lại Ph trong nay mai. Thế nhưng, khi Ph đòi thì Huy không chịu trả. Để có tiền lấy lại điện thoại, Ph giả vờ rủ Huy lên A Roàng chơi trong lúc đã sắp xếp cho em trai và 3 người bạn chặn đường cướp dây chuyền Huy đem đi bán. Một tuần sau, Ph bị bắt với tội cướp tài sản có tổ chức với án 7 năm 6 tháng tù.

 

Vào trại giam lúc Ph tròn 19 tuổi, do chăm chỉ cải tạo Ph đã có hai lần được giảm án. “Lúc mới vô trại em là người nhỏ tuổi nhất trong phòng. Đêm nào em cũng nằm mơ, không yên giấc, được các chị động viên an ủi nên quen dần, chừ chỉ có cách cải tạo thật tốt mong sớm được về với gia đình” Ph thổ lộ. Khi hỏi về dự định sau khi ra tù, Ph nghẹn lời “Em rất thích vẽ và cô giáo cũng khen em có năng khiếu mỹ thuật, nhưng chừ thế này không biết em có còn cơ hội đi học nữa không”.

 

Cùng trò chuyện về cuộc đời, phạm nhân Đinh Văn Th, 28 tuổi cho biết, trước khi bị bắt Th là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, con trai 1 trong gia đình có 4 anh em, do ham mê cá độ nên thường xuyên trộm cướp máy tính, ti vi, điện thoại. Năm 2005 khi Th đang tiến hành một vụ trộm xe máy tiếp theo thì bị công an bắt và lĩnh án 8 năm tù giam. Sắp được mãn hạn tù, Th chia sẻ: “Giờ em chỉ mong khi ra tù vượt qua được mặc cảm xã hội cố học được cái nghề gì để làm lại cuộc đời. Vì được nuông chiều nên ra nông nỗi này, giờ cha mẹ và các em không ngẩng đầu nổi. May mà em bị bắt sớm, nếu không càng thêm nhiều người khổ sở vì tính ngang tàng của em”.

 

Éo le hơn, chị Lê Thị Thu H phạm tội làm giả chữ ký vay tiền ngân hàng hơn một tỷ đồng, sau khi H bị công an bắt chồng chị đã thắt cổ tự tử, để lại 3 đứa con thơ dại không cha không mẹ. Ngồi trong tù nghĩ lại chị H mới hối hận: “Giá như biết trước được cơ sự ni thì giả chữ ký để vay 3 tỷ tui cũng không làm, để chừ con có mẹ cũng như không”.

 

Trung úy Nguyễn Thị Hoa, cán bộ giáo dục và cải tạo phạm nhân cho biết thêm: “Nhiều em là sinh viên giỏi, thủ khoa của các trường đại học nổi tiếng nhưng vì tuổi trẻ nông nổi, yêu đương mù quáng phải chôn chặt cuộc đời của mình với trại giam này”.

 

Thắp sáng ước mơ

 

Trong gần 2.000 phạm nhân ở Trại giam Bình Điền có hơn 1.000 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, mỗi năm đơn vị trả về địa phương hàng trăm phạm nhân biết ăn năn hối cải. Nhiều phạm nhân sau khi ra trại sớm ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng, nhưng cũng có nhiều phạm nhân do không tìm được việc làm, bị bạn bè kỳ thị, đã tiếp tục tái phạm, trong đó phần lớn là thanh niên. Chương trình “Giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng với Trại giam Bình Điền ký kết thực hiện nhằm hạn chế tình trạng này.

 

Theo đó, từ nay khi các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên được trả về địa phương, các tổ chức Đoàn, Hội của địa phương đó sẽ phối hợp với chính quyền sở tại thường xuyên thăm hỏi, động viên, vận động những thanh niên hoàn lương cùng tham gia các hoạt động Đoàn, Hội; đồng thời, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm giúp họ tránh tình trạng mặc cảm kỳ thị, có công ăn việc làm, sớm trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

 

Anh Nguyễn Chí Quang, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Đây là lần đầu tiên Hội LHTN tỉnh phối hợp với Trại giam Bình Điền và các đơn vị đồng hành, tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”. Qua chương trình này chúng tôi mong muốn gửi đến các phạm nhân nói chung và các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên nói riêng một thông điệp, gia đình, xã hội luôn dang rộng vòng tay đón các bạn trở về. Chúng tôi sẽ đồng hành với các thanh niên hoàn lương trong quá trình họ tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ sớm trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”.

Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top