ClockThứ Sáu, 03/02/2017 08:17

Động lực cho người trẻ

TTH - Thời gian gần đây, cụm từ “Start up” (khởi nghiệp) được nhắc nhiều trong cộng đồng xã hội, nhất là trong thanh niên. Điều này cho thấy nhu cầu phát triển kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ.

Chưa rầm rộ như các thành phố lớn, nhưng ở Huế cũng có nhiều bạn trẻ đã có ý tưởng sáng tạo và đã mạnh dạn “trình làng” ý tưởng khởi nghiệp ra thị trường như các mô hình: “Sản xuất, phân phối hệ thống vườn treo” của Lê Thảo; “Kiến trúc giấy” của Lê Ngọc Tuấn Anh; dịch vụ Ship Go Coffe của Nguyễn Thị Nhã; “Siêu thị sinh viên” của Bùi Thị Thảo; dự án “Chế phẩm sinh học trừ sâu từ các loài thảo mộc” của Nguyễn Thị Ân…

Bấm nút Lễ phát động thanh niên khởi nghiệp

Ý tưởng tốt

Chia sẻ quá trình đưa ý tưởng ra thị trường của mình, Nguyễn Thị Nhã, chủ mô hình dịch vụ Ship Go Coffe tại địa chỉ 65 Bến Nghé, TP.Huế cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân là vào những ngày bận rộn, hay những lúc trời mưa gió muốn uống một ly cà phê hay ăn một món ăn vặt yêu thích nào đó mà không thực hiện được. Những lúc đó, em ước nếu có dịch vụ ship hàng thì tốt biết mấy”. Từ ý tưởng, Nhã quyết định dành toàn bộ số tiền tích cóp được đầu tư mua dụng cụ kinh doanh dịch vụ ship cà phê và các loại thức uống. Để có kỹ thuật pha chế, Nhã đích thân tìm đến nhiều quán cà phê khác nhau học hỏi rồi tự mua cà phê về chế thử. Sau hơn một tháng chuẩn bị, cuối cũng, Nhã cũng cho ra đời được những ly cà phê và khách hàng đầu tiên là người thân, bạn bè. “Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng nên sản phẩm đầu tay của em được khách hàng đánh giá cao”, Nhã khoe. Lúc đầu chưa có địa điểm bán, Nhã tận dụng luôn phòng trọ của mình làm nơi pha chế. Sau này lượng khách gọi ship hàng càng đông, Nhã bắt đầu mở quán kinh doanh dịch vụ này. Hiện nay, dịch vụ Ship Go Coffe của Nhã tạo việc làm ổn định cho 7 nhân viên và một số nhân viên thời vụ. Trung bình mỗi ngày ship được 80 – 100 ly, những lúc cao điểm lên đến hàng trăm ly. Ngoài ship cà phê và các loại nước uống thông dụng, Nhã còn nhận ships hàng cho các công ty, đơn vị có nhu cầu…

Với quan niệm “không thành công cũng thành nhân”, nhóm sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế thực hiện dự án “Siêu thị sinh viên”. Nguyễn Thị Thảo, quản lý dự án cho biết: “Nhận thấy nhiều sinh viên năm cuối có nhu cầu bán lại các sản phẩm cũ như: nồi cơm điện, bếp gas, giá sách… trong lúc nhiều sinh viên năm 1, năm 2 có hoàn cảnh khó khăn lại muốn tìm mua để sử dụng nên chúng em đã bắt tay thực hiện dự án này”. Sau gần một năm đi vào hoạt động, “Siêu thị sinh viên” đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều khách hàng. “Không chỉ sinh viên, nhiều người lao động nghèo cũng tìm đến để mua hàng giá rẻ”- Thảo cho biết. Sau khi nghe nhóm “Siêu thị sinh viên” trình bày ý tưởng của mình tại Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ sáng tạo do Tỉnh đoàn vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Choi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư hợp tác Quốc tế Daysta đánh giá rất cao và cho biết sẽ sẵn sàng đầu tư vốn cho mô hình nếu nhóm kêu gọi.

Tuy đã có nhiều thanh niên theo đuổi ý tưởng để khởi nghiệp song đây là con số còn khiêm tốn, nhiều ý tưởng khi đưa ra thị trường bị thất bại. Nguyên nhân được ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh đưa ra là: “Phần lớn người đưa ra ý tưởng là những người chưa có kinh nghiệm, cũng không phải là sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh mà có thể là một kỹ sư, cử nhân chuyên ngành khác chưa có kiến thức kinh doanh nên mặc dù ý tưởng tốt nhưng khi đưa ý tưởng ra thị trường thì không có khả năng điều hành nên dễ thất bại”. Chưa kể, do tính cách người Huế còn rụt rè, thiếu tự tin và ngại thể hiện bản thân nên chưa mạnh dạn bước chân vào “sân chơi” khởi nghiệp.

Tạo đà cho khởi nghiệp

Để tạo môi trường thuận lợi cho các bạn trẻ cống hiến, phát huy khả năng trong hội nhập và phát triển, thời gian qua, UBND tỉnh và chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Với đề án “Hỗ trợ  hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2018” và chuỗi hoạt động như hình thành vườn ươm khởi nghiệp, thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên…tạo cơ hội mới cho nhiều bạn trẻ muốn bước chân vào “sân chơi” khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng (CoPlus) và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cũng đã thành lập Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Huế. Đây là nơi để những người trẻ mới bước chân vào con đường khởi nghiệp được hỗ trợ tối đa về các thủ tục đăng ký kinh doanh, được hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại chỗ. Ngoài ra, những người “start up” trẻ (có thể là cá nhân, nhóm, công ty) còn được hỗ trợ về giá thuê mặt bằng cũng như một số điều kiện làm việc khác. Về phía Hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Mậu Chi cho biết, hội đã thành lập một tổ hỗ trợ (khoảng 15 người) là những nhà tư vấn - doanh nhân thành đạt nhằm giúp đỡ, cố vấn, kết nối các nhà đầu tư…để quá trình khởi nghiệp của những người trẻ dễ thành công hơn.

Để tạo động lực cho người trẻ, anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều diễn dàn khởi nghiệp, mời các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia trên các lĩnh vực… nhằm giúp thanh niên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, được truyền cảm hứng sáng tạo, đồng thời, sẽ vận động các doanh nghiệp thành lập quỹ để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp”.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động “Thanh niên khởi nghiệp” được Tỉnh đoàn tổ chức đầu năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khẳng định: “UBND tỉnh luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, huy động, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan quan tâm, giúp thanh niên tiếp cận quy trình hành chính đơn giản từ thủ tục vay vốn, công nhận thương hiệu, kết nối tiềm năng thị trường...”

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”
Trao “cần câu”, tạo động lực

Để giúp hội viên có đời sống kinh tế ổn định hơn, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thủy Vân, TP. Huế đã triển khai nhiều việc làm thiết thực để giúp hội viên thoát nghèo.

Trao “cần câu”, tạo động lực
Động lực từ tuyến đường Khúc Lý - Mỹ Xuyên

Sau bao năm chờ đợi, huyết mạch Khúc Lý - Mỹ Xuyên, thuộc Tỉnh lộ (TL) 6B ở huyện Phong Điền đang nâng cấp mở rộng tạo diện mạo mới, góp phần đưa Phong Điền tiến nhanh lên thị xã trong thời gian đến.

Động lực từ tuyến đường Khúc Lý - Mỹ Xuyên
Return to top