ClockThứ Hai, 01/05/2017 05:46

Động lực từ sự sẻ chia

TTH - Dịp nghỉ lễ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 hàng năm là cơ hội để người lao động (NLĐ) thư giãn. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, rất nhiều NLĐ phải hy sinh ngày nghỉ để phục vụ cho công việc.

Công nhân Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm sạch Quảng trường Ngọ Môn    

Đặt công việc lên hàng đầu

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Ngọc, công nhân Đội Cảnh quan môi trường ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chưa bao giờ được cùng gia đình tổ chức một chuyến du lịch hay một hoạt động nào đó tương tự trong các dịp nghỉ lễ. Nói về chuyện này, chị Ngọc cười: “Các dịp lễ, tết khách các nơi đến tham quan di tích đồng hơn, vì vậy là công nhân của trung tâm, ai cũng xác định tinh thần phục vụ trong những dịp này phải vất vả hơn ngày thường”. Không chỉ lễ, tết mà dù mưa hay nắng, thiên tai bão lũ tất cả cán bộ, công nhân Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều sẵn sàng khi có lệnh điều động.

Cũng với tinh thần làm việc ấy, bảo đảm sạch rác trên mọi tuyến phố, trên các vỉa hè một cách thường xuyên là trách nhiệm của đội ngũ công nhân Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế. Hầu hết công nhân công ty luôn xác định được đặc thù công việc của mình nên ai cũng quen với chuyện khối lượng công việc tăng cao vào các dịp lễ. Anh Võ Tuấn, sinh năm 1969, công nhân đội thu gom rác Xí nghiệp Môi trường nam sông Hương nối nghiệp mẹ làm việc tại công ty đến nay đã 18 năm, kể: “Hồi nhỏ, nhiều lần theo mẹ đi quét rác nên tôi hiểu rất rõ công việc của mình, vì thế, tôi cũng không mấy chạnh lòng khi chứng kiến mọi người lên kế hoạch để cùng gia đình tổ chức vui chơi vào các kỳ nghỉ dài ngày”.

18 năm theo nghề, anh Võ Tuấn chưa bao giờ nghỉ lễ

Cùng đội với anh Tuấn, chị Trương Thị Ngọc Lan, năm nay đã 52 tuổi, ở đường Trần Phú, TP. Huế trải lòng: “Lúc mới vào nghề, vừa phải làm việc đến khuya vừa chẳng bao giờ được nghỉ lễ, tết… tôi đã tưởng mình không thể theo nổi. Vậy mà thấm thoát đã 22 năm. Sự vất vả trong công việc lại là nền tảng giúp tôi xây dựng một gia đình ổn định. Tôi luôn tin rằng, tiếng chổi đêm của mình là động lực tạo ý thức cho con cái trưởng thành tốt. Con trai tôi vừa lấy bằng thạc sĩ ngành xây dựng cầu đường, con gái trước khi lấy chồng cũng đã có 2 bằng đại học”.

Nghề lái taxi trong dịp lễ, tết cũng bận rộn hơn bình thường, nên không mấy ai quan tâm đến các kỳ nghỉ dài ngày vào các dịp lễ. Anh Lê Công Định, tài xế hãng Taxi Vàng tâm sự: “Dịp 30/4 – 1/5 này, các bạn lớp cũ của tôi tổ chức vào Hội An họp lớp 2 ngày 1 đêm. Tôi định đổi ca nhưng sợ anh em ôm xe mấy ngày đêm liền sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến lái xe mất an toàn nên không yên tâm. Thôi, chọn nghề phải theo nghề, nói không buồn thì không thật lòng, nhưng làm tài xế phải đặt sự an toàn cho khách lên hàng đầu”.

Nhận được nhiều chia sẻ

Anh Võ Tuấn tự hào: “Từ ngày đi làm đến nay, chưa bao giờ tôi được đón giao thừa với gia đình. Bù lại, vợ con thay tôi luôn chu toàn chuyện nhang khói, mâm quả cúng tổ tiên. Như vậy cũng yên tâm”. Chị Trương Thị Ngọc Lan hồ hởi tiếp lời anh Tuấn kể nhiều về những lần được các hộ gia đình hoặc những người gặp trên đường chia sẻ, người thì rót cho ly nước, người mang cho chén chè,chút bồi dưỡng... Hầu hết những lời an ủi họ nhận được là: “Nghề này vất vả thiệt, ngày mọi người nghỉ thì mình làm cực hơn”; hay “Nhờ có các anh chị mà thành phố luôn sạch, những ngày nghỉ của chúng tôi cũng trọn vẹn hơn”… Chị Lân, cùng đội với chị Ngọc ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì khẳng định: “Chỉ cần ai đó nhận xét rằng, sân vườn di tích sạch sẽ quá, xem như mọi mệt mỏi đã được bù đắp”.

Ngoài các khoản phụ cấp làm việc ngoài giờ cho NLĐ, lãnh đạo các đơn vị cũng luôn tạo điều kiện cho những công nhân có nhu cầu đặc biệt phải nghỉ vào dịp lễ, tết bằng cách giao trách nhiệm cho các tổ tự sắp xếp, điều phối đổi ca để thay phiên nhau nghỉ hàng năm với điều kiện phải bảo đảm hoàn thành khối lượng công việc phân công cho từng tổ. Một số người thì bù đắp cho gia đình bằng cách sắp xếp vui chơi vào các dịp khác.

Những lời nói tưởng cũng như gió thoảng qua, hay những món quà họ thường từ chối với lời cảm ơn kèm theo lời giải thích “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi” nhưng lại là động lực và là cơ hội để những người công nhân hòa mình vào cuộc vui trên những con đường họ đi qua trong những ngày lễ, tết.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỔ XÔ RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN VÌ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỬA ĐỔI:
Cần truyền thông sâu rộng

Thông tin từ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi liên quan đến 2 phương án rút BHXH một lần thời gian qua khiến nhiều người lao động (NLĐ) hoang mang và đổ xô nghỉ việc để rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cần truyền thông sâu rộng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Return to top