ClockThứ Bảy, 27/08/2016 13:44

Đông Nam Á phản ứng với khủng bố bằng “bàn tay sắt”

TTH - Trong thời gian gần đây, khu vực Đông Nam Á tiếp tục trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không ngừng gia tăng hoạt động trong khu vực này.

Lọt vào tầm ngắm của IS

Hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi nhận định, IS đang nhắm khu vực Đông Nam Á làm địa điểm phát triển “cứ địa” mới. Theo ông Hamidi, khoảng 300 phiến quân trung thành với cựu thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah đã đến thành phố Batam thuộc tỉnh Riau Islands của Indonesia, khu vực gần Singapore và Malaysia để xây dựng căn cứ mới cho IS.

Lực lượng an ninh Indonesia trong một cuộc diễn tập chống khủng bố. Ảnh: The Jakarta Post

Được biết, Jemaah Islamiyah là một nhóm khủng bố Hồi giáo xuyên quốc gia hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Chúng từng có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban. Trong những năm qua, tổ chức cực đoan này được cho đã sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho rằng, tổ chức này đang được gây dựng trở lại và có các hoạt động liên quan tới IS.

Cố vấn của lực lượng Cảnh sát hoàng gia Malaysisa, ông Ahmad El-Muhammady cho hay, các phần tử khủng bố thuộc IS đang tăng cường hiện diện tại khu vực Đông Nam Á nhằm bù đắp cho những “tổn thất” của chúng ở các quốc gia Trung Đông như Iraq và Syria.

Trong khi đó, tờ báo hàng đầu Nhật Bản Japan Times cũng trích dẫn đánh giá Chiến lược Đông Á 2016 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản cho biết, IS đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn ở khu vực Đông Á. Đây là lần đầu tiên Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản dành trọn một chương trong bản đánh giá để đề cập tới nguy cơ từ IS.

Đáng chú ý, phiến quân IS đã đăng những bản tin bằng tiếng Malaysia trên tờ Al Fatihin để tuyển mộ các phiến quân khủng bố ở Đông Nam Á. “Tờ báo” này là phiên bản tiếng Malaysia của tờ Al Naba mà IS dành cho các phiến quân nói tiếng Ả Rập.

Dốc lực tăng cường an ninh

Tạp chí Nikkei của Nhật Bản ngày 23/8 có bài viết nhận định, Đông Nam Á đang phản ứng với chủ nghĩa khủng bố bằng “bàn tay sắt”. Theo đó, các nước trong khu vực liên tục đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, giúp mở rộng quyền hạn của Chính phủ trong hoạt động đàn áp khủng bố.

Điển hình là Đạo luật Hội đồng An ninh Quốc gia của Malaysia. Đạo luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, giúp mở rộng quyền hạn của Quân đội và cảnh sát nước này. Theo đó, Hội đồng an ninh Quốc gia do Thủ tướng Malaysia Najib Razak đứng đầu được trao quyền để tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở bất cứ nơi nào trong nước mà không cần Quốc hội thảo luận. Đồng thời, cảnh sát Malaysia cũng được trao quyền lực lớn hơn để tìm kiếm, bắt giữ và sử dụng vũ lực đối với các đối tượng khủng bố. Theo Thủ tướng Najib, đây là điều cần thiết trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Hồi tháng 6 vừa qua, Malaysia lần đầu tiên trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công do IS lên tiếng nhận trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tờ Sputniknews hôm 23/8 đưa tin, Chính phủ Indonesia vừa đệ trình một dự luật lên Quốc hội. Dự luật này tập trung vào việc tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng bắt giữ những đối tượng tình nghi khủng bố trong thời gian lâu hơn.

Phát biểu sau cuộc họp về chống khủng bố tại thủ đô Jakarta ngày 22/8, Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto khẳng định: “Luật sửa đổi mới này sẽ là vũ khí mạnh nhất của chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Quyết định sửa đổi luật được đưa ra trong bối cảnh thủ đô Jakarta hồi tháng 1 vừa qua hứng chịu một cuộc tấn công mà hung thủ được khẳng định là có liên kết với IS. Gần đây nhất là việc lực lượng thực thi pháp luật nước này bắt giữ 2 nghi phạm khủng bố bị cáo buộc có liên quan đến vụ đánh bom tự sát vào tháng 7 năm nay.

Tờ Nikkei kết luận, khu vực Đông Nam Á đang là mục tiêu của bọn khủng bố, Chính phủ các nước thực sự đang chịu áp lực để phản ứng trước những mối đe dọa cực đoan, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến cam go này.

Trong một động thái liên quan, đại diện các quốc gia Đông Nam Á tại Hội nghị quốc tế chống khủng bố (diễn ra tại đảo Bali, Indonesia ngày 11/8) nhận định, các nước khu vực Đông Nam Á đã không còn chủ quan. Hợp tác khu vực đang được coi trọng hơn bao giờ hết để có thể ngăn chặn kịp thời và hiệu quả những âm mưu tấn công khủng bố ở bất cứ lúc nào.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei, The Jakarta Post & The Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á thu hút các công ty năng lượng thăm dò khí đốt

Các công ty năng lượng đang tăng cường các hoạt động thăm dò khí đốt ở khu vực Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sản lượng khí đốt tự nhiên, đồng thời đáp ứng mức tăng trưởng về nhu cầu trong dài hạn, nhờ những phát hiện gần đây và chính sách đầu tư được cải thiện.

Đông Nam Á thu hút các công ty năng lượng thăm dò khí đốt
Tương lai của các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á

Các nền tảng giao đồ ăn là một trong những hoạt động kinh doanh thành công nhất kể từ đại dịch COVID-19. Trong khi những hoạt động kinh doanh khác cố gắng duy trì lợi nhuận bằng cách chuyển hoạt động sang hình thức trực tuyến, thì thành công của họ vẫn không bằng những gì mà các nền tảng giao đồ ăn đạt được.

Tương lai của các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á
Đông Nam Á: Các quỹ đầu tư tìm cơ hội mới khi tương lai dự kiến tươi sáng hơn

Trong những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm ở khu vực Đông Nam Á đã trở nên xấu đi trong bối cảnh thị trường đầy thách thức; song, tương lai được dự báo sẽ tươi sáng hơn bởi khu vực này vẫn mang đến những cơ hội đáng kể, theo 2 báo cáo vừa được công bố.

Đông Nam Á Các quỹ đầu tư tìm cơ hội mới khi tương lai dự kiến tươi sáng hơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top