ClockThứ Bảy, 26/10/2019 16:44
Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050:

Đột phá có tính đặc thù để phát triển đô thị bền vững

TTH.VN - Sáng 26/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì hội nghị “Xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học.

Hướng đến thành phố di sản quốc giaThảo luận các giải pháp xây dựng thành phố Huế xanhHướng đến đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, với những quy định, định hướng và mục tiêu mới, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Thừa Thiên Huế là cần khẩn trương lập “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là bước khởi đầu để định hình những gì cần phải làm, khắc phục và mở ra một thời kỳ quy hoạch mới. Chúng tôi cần sự đồng lòng của Nhân dân, trí thức, cộng đồng, doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo để cùng nhau xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố hạnh phúc”.

“Chúng tôi khẳng định Thừa Thiên Huế đang đi theo hướng sẽ nhìn nhận một cách khách quan hơn, đổi mới hơn trong tư duy cũng như trong hành động phát triển, đặc biệt là trong tư duy điều hành của những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, đổi mới trong cách nhìn, cách đánh giá, trong tiếp nhận và lắng nghe từ người dân, cộng đồng, những chuyên gia đầu ngành, những người yêu Huế, những người có kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quốc gia”- ông Phan Ngọc Thọ nói.

 Phải có tầm nhìn trăm năm

Đô thị Huế hiện nay cần phải phát triển, mở rộng. Ảnh: Hoàng Hải

Trên cơ sở mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; là trung tâm của cả nước về khoa học - công nghệ; là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao… Các đại biểu đã tập trung thảo luận giải pháp thực hiện nhiệm vụ quy hoạch Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quốc tế về thiết kế và tư vấn chiến lược, người có hơn 30 năm nghiên cứu quy hoạch chiến lược, việc mở rộng đô thị Huế là chủ trương đúng đắn trong bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó Huế là đô thị quan trọng hiện đang phát triển nhanh và mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển đô thị và phát triển kinh tế.

“Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tỉnh cần được tư vấn với tầm nhìn sâu và rộng, để tạo nên một định hướng phát triển mới, mở ra vận hội mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế với tầm nhìn xa không chỉ cho 30 năm mà cho cả hàng trăm năm. Từ đó mới có thể vạch ra các chương trình quy hoạch, đi kèm với kế hoạch thực hiện quy hoạch, cho các giai đoạn ngắn và dài hạn 5 năm, 10 năm, vài chục năm sau mà không phải lo lắng các chương trình phát triển có thể gây hại cho nhau, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau”- ông Sơn chia sẻ.  

Đại biểu Vương Phan Liên Trang, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần định hướng quy hoạch tích hợp cho sự phát triển bền vững và đậm bản sắc Thừa Thiên Huế, trong đó chú trọng 8 vấn đề cốt lõi trong quy hoạch. Đó là, quy hoạch cần có tính chiến lược và xác định các nguyên tắc; phải phản ánh giá trị đất đai; giúp gia tăng giá trị đất đai và chất lượng cuộc sống; có tính dự báo và bảo vệ các cơ hội của tương lai; bản quy hoạch cần được khẳng định chắc chắn nhưng phương pháp quy hoạch cần linh hoạt; đô thị đáng sống là đô thị có tính cạnh tranh về kinh tế; cần dự trữ quỹ đất để đô thị phát triển lâu dài và cần gắn với nguồn lực cụ thể với nhu cầu thị trường.  

Có chiến lược tích hợp quy hoạch

Tại hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng trong quy hoạch tổng thể cần phải tích hợp quy hoạch cho tất các các ngành, lĩnh vực theo hướng thứ tự ưu tiên. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cần phải bảo tồn quần thể di tích Cố đô Huế gắn với phát triển du lịch bền vững.

Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch cần có tầm nhìn chiến lược trăm năm

Ông Đặng Văn Bài khẳng định, môi trường cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa Huế đã trở thành một trong những hạt nhân quan trọng của chiến lược phát triển đất nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Đây là chỗ dựa để đưa ra những giải pháp mang tính tổng hợp và liên ngành phù hợp làm cho di sản văn hóa Huế đáp ứng thiết thực nhất cho nhu cầu phát triển bền vững theo hướng: đóng góp vào việc tạo lập môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, là cơ sở vững chắc để thu hút các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế; vận dụng sáng tạo cách tiếp cận “kinh tế học trong di sản văn hóa” để biến di sản từ tài nguyên - nguồn vốn văn hóa thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.  

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra giải pháp quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Theo đó, cần đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp, sự suy thoái nông nghiệp trong thời gian qua, thực trạng phát triển các loại, kiểu sử dụng đất nông nghiệp chính gắn với phát triển du lịch, những loại cây trồng có tiềm năng phát triển trong tương lai, về tự nhiên, có tiềm năng về thị trường. Đồng thời, quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp chính gắn với phát triển du lịch và làm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái.   

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những đóng góp quý báu của các đại biểu; khẳng định trong bối cảnh phát triển mới, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho tỉnh là cần phải lập “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ tới. Đồng thời là căn cứ hữu ích cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh kỳ vọng xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh chất lượng, có tính đột phá nhưng vẫn mang tính thực tiễn cao, có tính đặc thù cho tỉnh. Để từ đó, UBND tỉnh có cơ sở chỉ đạo công tác triển khai lập quy hoạch trên cơ sở việc đảm bảo phân bố không gian lãnh thổ, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển đô thị bền vững nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển của tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh-Thái Bình

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Dubai và nhiệm vụ dọn dẹp thành phố quy mô lớn sau lũ

Dubai, một thành phố trên sa mạc nổi tiếng về vẻ đẹp hiện đại phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là dọn sạch những con đường bị ngập nước và “giải cứu” những ngôi nhà chìm trong nước 2 ngày sau khi một cơn bão kỷ lục quét qua khiến Dubai hứng chịu những trận mưa lớn, với lượng mưa trong một năm đã đổ xuống chỉ trong một ngày.

Dubai và nhiệm vụ dọn dẹp thành phố quy mô lớn sau lũ

TIN MỚI

Return to top