ClockChủ Nhật, 17/04/2016 15:47

Dự án giúp SV tránh "bẫy" lừa làm thêm của hai nữ sinh Ngoại thương

Với khao khát muốn các sinh viên không vấp phải những sai lầm từ việc bị lừa đi làm thêm, hai nữ sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cùng nhóm bạn đã lập ra website tìm việc làm dành cho sinh viên.


Thu Quyên (bên trái) và Thu Thủy - hai đồng sáng lập J4s.

Dự án khởi nghiệp này cũng vừa giành giải Nhất và giải cho đội tiềm năng nhất cuộc thi khởi nghiệp cùng Kawai 2016.

Nguyễn Thu Quyên, Nguyễn Thị Thu Thủy hiện là sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Những ngày đầu về Hà Nội học tập, hai cô gái ngoại tỉnh chỉ biết chăm lo học hành. Nhưng khi nhìn các anh chị khóa trên tham gia nhiều hoạt động xã hội lại đi làm thêm kiếm tiền khiến hai bạn ngưỡng mộ.

Nghĩ là làm, Thủy cũng mạnh dạn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và quyết định đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình lo cho bản thân chuyện ăn học.

Mông lung giữa rừng thông tin việc làm, một lần Thủy gọi theo số điện thoại trên tờ rơi tuyển dụng. Đơn vị này thuyết phục và hứa trả cho Thủy 1 triệu đồng cho một tuần phát tờ rơi, mỗi ngày 2 ca khi tan học. Thấy hấp dẫn nên Thủy cũng tin, đặt cọc 500.000 đồng cho họ.

Cứ ngỡ công việc nhàn hạ, đơn giản, nhưng phát tờ rơi giữa trưa nắng, rồi bị mọi người xua đuổi, vừa nhận tờ rơi xong là ném ngay xuống đất, Thủy tủi thân. Bên cạnh đó, mỗi ngày lại phải đến một địa điểm, vô cùng vất vả, Thủy đành gọi cho “cấp trên” xin đổi khu vực gần nhưng không được.

Chán nản và thất vọng, Thủy chấp nhận tay trắng rời công ty và còn bị phạt 200.000 đồng vì phá vỡ hợp đồng.

Nguyễn Thu Quyên cũng cay đắng khi nhận cú lừa làm gia sư tại một trung tâm khi đi dạy một buổi, học sinh nói không học nữa. Quyên hỏi bên trung tâm và yêu cầu trả tiền đặt cọc thì cô gái chỉ được nhận lại một nửa. Số tiền còn lại, họ nói là chi phí giới thiệu. Quyên còn súy vướng vào vòng xoáy bán hàng đa cấp nhưng may mắn được các chị trong xóm trọ phân tích nên dừng lại.

Khát khao giúp sinh viên không bị lừa

Với mong muốn sinh viên có công việc bán thời gian phù hợp với khả năng và không bị lừa như mình, Thủy và Quyên lên mạng tìm hiểu thì thấy nhiều trang web tuyển dụng, nhưng đa phần là tuyển vị trí toàn thời gian cố định, chưa có kênh nào chỉ tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên.

Sau khi tìm hiểu, Thủy thấy ở Newzealand và Anh có một số mô hình kênh việc làm cho sinh viên khá thú vị nên bắt tay vào công việc ngay. “Jobs for Student– J4S”, với mục đích, đưa J4S thành một trang điện tử chuyên về tuyển dụng các công việc làm bán thời gian đã ra đời. Suốt 2 năm, Thủy và Quyên phải tích cực hơn trong mọi hoạt động, tạo ra các mối quan hệ rộng rãi, tìm kiếm, giới thiệu các bạn phù hợp đến với thông tin việc làm... 

Sau đó, nhóm của hai nữ sinh có sự góp mặt của Bùi Văn Phong và Nguyễn Thành Vinh (SV Trường ĐH Ngoại Thương) và Nguyễn Văn Huy (SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cùng tham gia và đảm nhận về mảng kỹ thuật, marketing, sale. 

Khó khăn không chỉ về vốn, kinh nghiệm mà có lần nhóm đã định dừng lại vì những lỗi kỹ thuật khiến thành viên không thể xác nhận đăng ký thành công, có phản hồi thấp về J4s. Nhưng với quyết tâm, đến tháng 4.2015, J4s chính thức được triển khai.

"Niềm vui lớn nhất với chúng mình là khi sinh viên xin việc phù hợp, thậm chí có nhiều bạn được phía tuyển dụng coi như người nhà, nhiều lần đi chơi hay gặp đối tác, bạn bè cũng mời các bạn đi để mở mang kiến thức. Nhưng cũng có lần sinh viên vì nhiều lý do mà chán nản với công việc. Nhóm lại ngồi cùng với các bạn tâm sự và tìm hướng đi đến tận nửa đêm" - Thủy chia sẻ.

Đến nay, website này đã có hơn 3000 công việc được đăng tải, khoảng 1000 sinh viên đăng ký thành viên, hơn 400 sinh viên đã tìm được việc phù hợp. Từ đầu năm 2016, nhóm tiếp tục mở kênh môi giới nhân sự sinh viên trực tiếp; làm đại lý nhân sự cho các công ty và lên ý tưởng làm ứng dụng tìm kiếm việc trên điện thoại di động.

Theo VietNamnet

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác bẫy lừa góp vốn kinh doanh

Với lời lẽ đường mật cùng mức lãi suất cao được giăng bẫy từ các đối tượng lừa đảo, không ít người đã bị lừa mất trắng từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng thông qua hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh.

Cảnh giác bẫy lừa góp vốn kinh doanh
Nữ sinh truyền cảm hứng từ việc học

Đã không dưới 1 lần mẹ khuyên nghỉ học vì gia cảnh khó khăn, nhưng Trần Thị Kim Nhi vẫn kiên cường tự tìm cơ hội đeo đuổi sự học. Hàng loạt học bổng “săn” được là động lực giúp em đạt 4 năm liên tiếp danh hiệu sinh viên xuất sắc. Đến nay, khi trở thành sinh viên năm cuối Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế, những câu chuyện về Kim Nhi đã truyền cảm hứng cho sinh viên khóa sau.

Nữ sinh truyền cảm hứng từ việc học
Return to top