ClockThứ Ba, 30/10/2018 06:45

Đủ điều kiện theo quy định mới được làm đại lý đổi ngoại tệ

TTH - Việc người dân mua, bán ngoại tệ không đến ngân hàng hoặc các đại lý được ngân hàng ủy quyền dẫn đến bị cơ quan chức năng xử phạt cả bên mua lẫn bên bán. Qua khảo sát, đa số người dân trên địa bàn không nắm được quy định này.

Đổi “đô”, tiệm vàng nào cũng có!

Người dân, cơ sở kinh doanh vàng bạc cần tuân thủ các quy định về mua, bán, trao đổi ngoại tệ để tránh bị xử phạt (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Người dân “mù mờ”

Mới đây, vụ việc một công dân ở TP. Cần Thơ đổi 100 USD ở tiệm vàng bị xử phạt 90 triệu đồng khiến người dân có nhu cầu thu đổi USD thường xuyên trên địa bàn bất ngờ.

Anh H.H.P (trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền), cho biết: “Bố mẹ, anh chị em đều ở nước ngoài, thường xuyên gửi USD về cho gia đình để lo việc trong gia tộc. Để sử dụng số tiền đó, buộc tôi phải đổi USD ra VNĐ. Ở hầu hết các đại lý vàng bạc từ xã lên thành phố, chỉ cần đến là đổi được, trong khi vào ngân hàng vừa xa, vừa nhiều thủ tục nên từ nhiều năm nay, tôi chọn các tiệm vàng cho nhanh, tiện”.

Sau khi có thông tin vi phạm bị xử phạt ở Cần Thơ, các tiệm vàng trên địa bàn tỉnh dè dặt hơn. Nhiều nơi chỉ đổi USD cho người dân có nhu cầu chứ không bán USD như trước đây. Một số tiệm vàng ở TP. Huế không thấy treo biển đại lý thu đổi ngoại tệ cũng như tên ngân hàng được ủy nhiệm (đại lý thu đổi ngoại tệ hợp pháp) nhưng vẫn báo giá đổi USD khi khách có nhu cầu.

Tại điểm a Khoản 3 Điều 24 Mục 7 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” quy định: Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm: Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

“Việc đổi USD lãi chẳng bao nhiêu trong khi nếu bị xử phạt thì rất nặng nên từ khi có thông tin xử phạt đến nay tiệm chỉ đổi USD cho người thân quen, còn lại hướng dẫn người dân đến ngân hàng, các đại lý được ủy quyền trên địa bàn thành phố để khách đổi”, một chủ tiệm vàng ở chợ Đông Ba thận trọng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Vietcombank Huế thông tin, tình hình thu đổi ngoại tệ tại đơn vị luôn tuân thủ các quy định quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Hiện nay, có 13 đại lý được Vietcombank Huế ủy quyền đổi ngoại tệ trên địa bàn tỉnh. Bán ngoại tệ tại đơn vị chủ yếu khách hàng là doanh nghiệp và các khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đi nước ngoài như du lịch, học tập và tham gia các chương trình hội thảo... Doanh số bán ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2018 tại Vietcombank Huế đạt 88 triệu USD. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, việc thu đổi ngoại tệ tại ngân hàng thủ tục khá đơn giản, khách hàng nên tuân thủ các quy định ngoại hối để đảm bảo quyền lợi và không bị các cơ quan chức năng xử phạt.

Phân loại mức vi phạm

Theo cơ quan chức năng, pháp luật hiện hành quy định, chỉ có các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra. Mọi giao dịch ngoại tệ với các tổ chức khác là trái quy định pháp luật.

Người dân, cơ sở kinh doanh vàng bạc cần tuân thủ các quy định về mua, bán, trao đổi ngoại tệ để tránh bị xử phạt (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Liên quan đến vụ việc ở Cần Thơ, trả lời báo chí, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết đã giao Giám đốc NHNN cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc và tư vấn cho UBND TP. Cần Thơ hướng xử lý phù hợp. NHNN Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng theo hướng phân loại mức vi phạm.

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh khẳng định, theo quy định, những cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý nào được phép mới được thu đổi ngoại tệ, còn không thì vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Theo quy định của Nhà nước, các tổ chức kinh tế có đủ các điều kiện theo quy định được làm đại lý đổi ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép. Đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động sau khi được NHNN chi nhánh cấp tỉnh trên địa bàn cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.

Khi tiến hành thu đổi ngoại tệ, cửa hàng đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng thực tế, đôi lúc người dân không biết mình đổi ngoại tệ có vi phạm pháp luật hay không và vẫn có trường hợp người dân, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý cố tình thu đổi ngoại tệ với mệnh giá lớn, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, Công an TP. Huế đã từng phát hiện và bắt quả tang chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý đang có hành vi mua bán, thanh toán ngoại tệ trái phép. Qua đó, lực lượng Công an TP. Huế đã lập biên bản tạm giữ 10.000 USD và 209 triệu đồng. Việc mua bán ngoại tệ trái phép này mục đích để thu lợi nhuận bất chính.

Căn cứ các qui định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng mức phạt tiền mỗi người 80 triệu đồng; đồng thời, tịch thu tang vật vi phạm số tiền 209 triệu đồng và 10.000 USD. Như vậy, cả chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý và cá nhân khách hàng đã bị tịch thu và xử phạt với tổng số tiền trên 550 triệu đồng. 

Hà Nguyên- Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top