ClockThứ Ba, 18/04/2017 09:14

Dự thảo chương trình GDPT: Cần thay đổi cách quản lý trường học và chất lượng giáo viên

Những ưu điểm về mặt ý tưởng của Dự thảo là rất đáng khích lệ, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ cho thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Điều kiện đủ là nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm tạo ra nền tảng về thiết chế tổ chức và nhân lực phù hợp cho việc thực thi nó.

Đó là ý kiến của TS. Phạm Thị Ly hiện là Giám đốc Chương trình nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM; Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Bộ GD-ĐT vừa công bố bản dự thảo Chương trình GDPT Tổng thể (gọi tắt là Dự thảo) để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội. Có nhiều ý kiến có giá trị đã đóng góp cho bản Dự thảo để giúp nhóm biên soạn hoàn thiện tốt hơn.

Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn hoặc bày tỏ hy vọng một cách dè dặt, đặc biệt là khi nhìn Dự thảo trong tổng thể đề án. Bộ GD-ĐT rất nên có chuyên gia tổng hợp và phân tích toàn bộ những ý kiến được nêu trên công luận cả chính thức lẫn không chính thức, không phải chỉ để sửa chữa bổ sung Dự thảo, mà còn là để hình dung bức tranh thực tế về nhận thức của công chúng một cách chân xác, vì đó là điều không thể thiếu khi tiến hành bất cứ thay đổi quan trọng nào trong cả hệ thống.

Người thầy chính là người hiện thực hóa mọi ý tưởng của chương trình

Rằng hay thì thật là hay…

Nhìn chung, Dự thảo thể hiện một quan điểm tiến bộ trong việc xây dựng chương trình, và gắn bó tương đối chặt chẽ với những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế, nhất là trong những vấn đề có tính chất kỹ thuật. Có nhiều ưu điểm nổi bật trong Dự thảo, chẳng hạn tính hệ thống, tính nhất quán giữa mục tiêu và chương trình, quan điểm mở, và dựa trên nền tảng đúng đắn về phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, đặc biệt là nhấn mạnh trọng tâm hình thành năng lực.

Nếu đi vào chi tiết, có nhiều điểm sáng nổi bật (như phần viết về tư duy độc lập, hoặc phần miêu tả các năng lực), cũng như còn nhiều điểm có thể gây băn khoăn hoặc cần hoàn thiện hơn.

Ví dụ, một trong những nền tảng quan trọng nhất của chương trình, là mục tiêu của giáo dục phổ thông, nói nôm na là hình ảnh con người mà chúng ta muốn tạo ra, đã được Dự thảo xác định bao gồm sáu phẩm chất (yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm); và mười loại năng lực (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên/xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, và năng lực thể chất). Liệu chăm học, chăm làm có cần phải tách ra thành hai, và liệu “chăm chỉ” có phải là một phẩm chất tối quan trọng, tối cần thiết, hay chỉ cần nói “yêu lao động” là đủ?

Phải chăng “khoan dung” lại ít quan trọng trong thời buổi phân cực dữ dội hiện nay, khi mọi người có quá nhiều thông tin và dường như quá ít cảm thông?

Dự thảo có nói đến “tôn trọng sự khác biệt” như một phần của “yêu con người”, nhưng khoan dung có ý nghĩa rộng hơn và quan trọng hơn, đáng lẽ phải là một trong các mục tiêu cơ bản của giáo dục. Khoan dung là phẩm chất phân biệt người có học và không có học, nhưng đã không được đề cập như một phẩm chất quan trọng trong mục tiêu giáo dục.

Các năng lực chuyên môn thực chất là xuyên suốt qua nhiều bộ môn, vì thế việc xác định nó đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng và việc thực hiện nó đòi hỏi giáo viên phải được chuẩn bị chu đáo. Có thể cần bổ sung năng lực quản lý tài chính cá nhân, bao gồm kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong việc lập kế hoạch và kiểm soát tài chính cá nhân...

Mặc dù vậy, ưu điểm nổi bật của Dự thảo vẫn là chủ yếu, vì những điểm cần góp ý, bổ sung, sửa chữa mà nhiều người đã nêu ra thực chất không khó thực hiện. Điều đáng lo ngại hơn nhiều là chương trình sẽ được thực hiện như thế nào và mang lại kết quả ra sao trong thực tế.

Nhưng liệu có khả thi?

Tuy nhiên, chúng tôi không muốn đi sâu vào những góp ý như trên, mà muốn nhìn vấn đề từ góc độ thực tế: tính khả thi trong việc thực hiện chương trình này.

Kết quả thực hiện Dự án Mô hình Trường học mới (VNEN) và Thông tư 30 về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông để lại cho chúng ta một bài học quý. VNEN và Thông tư 30 đều dựa trên những ý tưởng đúng đắn, nhưng chưa đạt thành công như mong đợi bởi chính ở khâu tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện VNEN và Thông tư 30 đã cho thấy mọi đổi mới chỉ có thể thành công nếu nó thuyết phục được và tìm được sự đồng thuận của phụ huynh cũng như của giáo viên. Đó là chưa nói đến trình độ, điều kiện và năng lực thực hiện của đội ngũ thực thi. Điều này có nghĩa là mọi sự thay đổi ở quy mô hệ thống đều đòi hỏi phải chuẩn bị hạ tầng thích hợp cho nó.

Hạ tầng không phải chỉ là trường lớp, cơ sở, trang thiết bị, mà còn là mặt bằng dân trí của xã hội, đặc biệt là nhận thức của phụ huynh và giáo viên, của đội ngũ quản lý lãnh đạo các trường cũng như các yếu tố về văn hóa, chính trị và một thiết chế tổ chức quản lý nhà trường hợp lý.

Việc dạy thêm, học thêm và chạy theo thành tích hiện nay có sự góp phần không nhỏ của phụ huynh. Đã có trường hợp một cặp vợ chồng trí thức mở trường nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học hiện đại với một mức phí rất khiêm tốn để giúp bà con ở một vùng thu nhập bình quân khá thấp, kết quả là bị phụ huynh mắng vốn vì họ không thấy con béo mập như họ muốn.

Phụ huynh quen với lối học nhồi nhét sẽ chỉ yên tâm khi thấy con cái vùi đầu vào sách vở, hay khi nhìn thấy bảng điểm đỏ chói những con số 9, 10. Muốn thay đổi hiện trạng đó, hay bất cứ hiện trạng nào khác trong giáo dục, không thể không thay đổi nhận thức của phụ huynh.

Sự đồng thuận của phụ huynh chỉ có thể có qua một quá trình truyền thông kiên nhẫn, lâu dài, có kế hoạch, và cần phải gắn với những kết quả cụ thể, cũng như những thay đổi trong cách tổ chức quản lý trường học và chất lượng giáo viên.

Phải giải quyết được bài toán động lực của giáo viên

Vấn đề giáo viên thì phức tạp hơn. Đề án tất nhiên đã tính đến việc đào tạo giáo viên để đáp ứng đòi hỏi của chương trình, nhưng vấn đề của giáo dục phổ thông Việt Nam hiện tại nói chung và chất lượng giáo viên nói riêng không thể giải quyết được chỉ dựa vào dăm ba khóa tập huấn.

Giáo viên phổ thông hiện nay thu nhập quá thấp, nhất là ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa. Kể cả ở những nơi thu nhập thực tế không thấp, thì cũng là từ những nguồn không phải tiền lương chính thức.

Thêm vào đó là cách tổ chức quản lý trường học thiếu minh bạch, công bằng, thiếu tôn trọng tiếng nói của giáo viên, thiếu điều kiện vật chất và không gian tự do cho giáo viên sáng tạo.

Có thể nói, giáo viên phổ thông hiện nay có rất ít động lực để thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá của họ. Một khi hiện trạng đó chưa được thay đổi, thì chúng ta vẫn còn thiếu một cái nền quan trọng để thực hiện Chương trình PT Tổng thể theo những nội dung Dự thảo đã nêu.

Chính vì thế, Đề án Đổi mới Giáo dục Phổ thông cần phải có một hợp phần nghiên cứu và đề xuất chính sách để thay đổi một cách căn bản cách tổ chức và quản lý trường học hiện nay, song song với việc biên soạn chương trình tổng thể và khởi động việc biên soạn sách giáo khoa.

Việc thay đổi cách tổ chức quản lý trường học phải giải quyết được bài toán động lực của giáo viên, trả lại cho họ không gian và giá trị của người thầy, vì người thầy chính là người hiện thực hóa mọi ý tưởng của chương trình.

Chất lượng và trình độ người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục phụ huynh. Không có sự tham gia tích cực của người thầy, Chương trình PT Tổng thể khó mà thực hiện được với kết quả mà chúng ta mong đợi.

Vì vậy, cuối cùng là tính khả thi của Chương trình vẫn phụ thuộc vào sự đầu tư nghiêm túc của nhà nước. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, đầu tư không chỉ có nghĩa là đổ thêm nguồn lực vào giáo dục, mà còn có nghĩa là đầu tư chất xám vào việc sử dụng nguồn lực cho đúng, kể cả những phương thức sử dụng nguồn lực xã hội hóa.

Những ưu điểm về mặt ý tưởng của Dự thảo là rất đáng khích lệ, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ cho thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Điều kiện đủ là nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm tạo ra nền tảng về thiết chế tổ chức và nhân lực phù hợp cho việc thực thi nó.

Theo Dân trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Return to top