ClockThứ Sáu, 08/09/2017 10:47

Dự thảo phương án thi THPT 2018: Nên giữ ổn định như năm 2017

Nhiều trường đại học cho rằng nên giữ ổn định phương án tính điểm như năm 2017 để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành giáo viên để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2018 và phương án xét tuyển đại học, cao đẳng dựa trên kết quả thi của kỳ thi này.

Dự thảo thi năm 2018 đề xuất cách tính điểm bài thi tổ hợp với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (Ảnh minh hoạ).

Trong dự thảo thi năm 2018 có đề xuất cách tính điểm bài thi tổ hợp với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017. Nhiều trường đại học cho rằng nên giữ ổn định phương án tính điểm như năm 2017 để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phương án tổ chức thi năm 2018 về cơ bản vẫn như năm 2017, sẽ có 3 bài thi độc lập (gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng có thể chọn bài thi độc lập, hoặc bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành theo quy định của các trường đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các hiệu trưởng cho ý kiến về việc tổ chức bài thi tổ hợp, chọn một trong hai phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017). Phương án 2: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017). Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Ngữ văn hoặc Toán); hoặc một bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức, hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.

Theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đưa ra phương án 2 để lấy ý kiến các trường về quy trình tổ chức thi và chấm thi đơn giản và có thể phát triển các bài thi tổ hợp thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.

Góp ý về việc tổ chức bài thi tổ hợp theo 2 phương án, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nêu ý kiến: "Trường chọn phương án 1, tức là vẫn tính riêng từng đầu điểm như năm nay 2017. Lý do là nếu có thay đổi thì phải thay đổi theo hệ thống, chứ bây giờ mình thay đổi, các thầy, các cô, rồi các em phải làm quen với phương thức thi mới rất phức tạp. Trong khi năm nay mình chưa rút kinh nghiệm xong, phải để những kinh nghiệm đó đi vào cuộc sống đã, rồi khoảng 2 năm nữa, khi nào có đủ kinh nghiệm đủ rồi mới thay đổi. Bây giờ mình thay đổi luôn thì không tận dụng được gì".

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, mỗi phương án đều có những ưu điểm. Nếu thực hiện theo phương án 1, tức là tính riêng đầu điểm của từng môn thành phần trong bài thi tổ hợp thì sẽ giúp thí sinh lớp 12 ổn định tâm lý, yên tâm học và ôn tập cho kỳ thi:

"Phương án 2, đây là phương án mang tính khá hiện đại tiếp cận theo những thông lệ tốt. Tuy nhiên, mỗi khi chúng ta chuẩn bị một phương án mới thì cũng phải cân đối giữa các bên liên quan. Ở đây, đặc biệt là người học thì tôi nghĩ chúng ta cũng cần công bố, ví dụ như công bố sẽ thực hiện từ năm 2020 chẳng hạn để các em có thời gian chuẩn bị từ bây giờ thì lúc đó phù hợp hơn. Còn trước mắt, quan điểm cá nhân tôi thì tôi nghĩ là chúng ta giữ ổn định phương án của 2017 và sửa một chút kỹ thuật" - ông Khánh nói.

Một số ý kiến cũng cho biết, về lâu dài phương án 2 là thích hợp. Bởi lẽ, qua kết quả thi của thí sinh năm 2017, hầu hết thí sinh học lệch theo khối. Cụ thể, với những thí sinh xét tuyển đại học, cao đẳng theo tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học (khối A) thì điểm môn Sinh học rất thấp; thí sinh xét tuyển theo tổ hợp Toán, Hóa học, Sinh học (khối B) thì điểm môn Vật lý cũng rất thấp. Nếu chỉ tính một đầu điểm cho cả bài thi tổ hợp thì sẽ giảm được tình trạng thí sinh học lệch và cũng không gây khó cho việc xét tuyển của các trường.

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nếu áp dụng ngay phương án 2 thì hơi gấp đối với học sinh lớp 12. Nên công bố để các em có một thời gian chuẩn bị, ví dụ như năm nay công bố thì năm 2019 mới thực hiện. Đối với những em mà hiện nay học lớp 12 rồi thì vẫn theo phương án năm 2017. Nhưng các em bây giờ mới vào 11 thì đến 2019 thì sẽ áp dụng phương án này.

Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo sư phạm đã gửi ý kiến góp ý về dự kiến phương án thi THPT quốc gia 2018 và xét tuyển đại học, cao đẳng chính quy năm 2018 về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có dự thảo phương án thi và tuyển sinh chính thức để lấy ý kiến xã hội.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Học sinh cần làm gì trước phương án thi tốt nghiệp mới

Bắt đầu từ năm 2025, học sinh cuối cấp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT sao cho phù hợp với chương trình mới đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Học sinh cần làm gì trước phương án thi tốt nghiệp mới
Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT với 4 môn

Chiều nay (29/11), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là thông tin được các nhà trường, học sinh và phụ huynh mong đợi suốt thời gian qua bởi năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 tốt nghiệp bậc THPT.

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT với 4 môn
Return to top