ClockThứ Năm, 15/03/2018 12:45

Đưa cá lồng vào quy hoạch

TTH - Gần đây, nuôi cá lồng, bè trên sông, đầm phá phát triển mạnh nhưng theo hướng tự phát, không đăng ký, thiếu kiểm soát, xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng môi trường do quản lý còn lỏng lẻo của chính quyền địa phương.

Hơn 100 tấn cá lồng ở đầm Cầu Hai bị chếtNguồn rong suy kiệt, nuôi cá lồng gặp khóCá lồng nuôi trên đầm Lăng Cô tiếp tục chếtHướng dẫn người dân xử lý tránh ảnh hưởng môi trườngTiến đến quy hoạch lại vùng nuôi

Nuôi cá lồng, bè trên địa bàn xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền

Khó tái sản xuất

Các trận mưa lớn, lụt liên tiếp cuối năm 2017 khiến khu vực nuôi cá lồng, bè trên sông Bồ (Quảng Phú, Quảng Điền) xơ xác. Theo thống kê, có hàng trăm tấn cá lồng, bè khu vực này bị chết, thiệt hại hơn 17 tỷ đồng.

Dù hiện tại đã là thời điểm giữa tháng 3 nhưng khu vực nuôi cá lồng, bè Hạ Lang (Quảng Phú) chỉ rải rác một số hộ thả cá giống nuôi trồng trở lại, số còn lại đều “treo” lồng.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm (thôn Hạ Lang), cho biết: “Thông thường các mùa vụ trước, đến thời điểm này cá đã nuôi được hơn một tháng. Năm nay thức ăn đắt đỏ, nợ đọng vụ trước chưa trả, chủ cơ sở vật tư không cho mình “gối” thức ăn nên hiện tại mình chỉ thả 1 lồng cá diêu hồng, nuôi cầm chừng mà thôi”.

Nuôi cá lồng, bè trên sông đầm phá cần siết chặt quy hoạch

Vụ trước, anh Lâm nuôi 10 bè cá diêu hồng, đều chết sạch do lụt, thiệt hại 18 tấn cá trị giá hơn 700 triệu đồng. Theo anh Lâm, bình quân 10 lồng, bè thả nuôi 1 tấn cá giống trị giá 150 triệu đồng cùng chi phí 450 triệu tiền thức ăn. Nếu thuận lợi, sẽ thu được 18 tấn cá với giá từ 45-50 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi khoảng 350 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn năm ngoái làm nước bạc về, đẩy lưới lồng ép sát, cá diêu hồng không chống chịu được nên chết hàng loạt khiến anh Lâm trắng tay.

Như nhiều hộ nuôi cá lồng bè khác, hộ ông Lê Quang Hóa đến nay chỉ thả nuôi lại 2 lồng/20 lồng nuôi vụ trước. Nguyên nhân theo ông Hóa, ngoài không có tiền đầu tư chi phí thức ăn, thiếu giống thì qua trận lụt, lồng, bè, phao nuôi xuống cấp chưa thể đầu tư nuôi trở lại.

Cùng cảnh ngộ, sau trận lụt từ cuối năm 2017 vừa qua, người nuôi cá lồng, bè ở các địa phương Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu hụt nguồn vốn tái sản xuất.

Mất kiểm soát

Con số tại UBND xã Quảng Phú cho thấy, việc phát triển nuôi cá lồng tại địa phương thời gian qua gần như… mất kiểm soát.

Ông Thái Văn Danh, Chủ tịch UBND xã thông tin, toàn xã hiện có hơn 280 lồng, bè nuôi các loại đối tượng cá diêu hồng, trắm, chình, rô phi… Những năm thuận lợi, doanh thu đạt 12,8 tỷ đồng. Từ chỗ chính quyền vận động dân nuôi cá lồng, bây giờ xã lại vận động dân hạn chế nuôi bởi tình trạng số lượng lồng nuôi tăng đột biến. Cụ thể, từ năm 2015, toàn xã chỉ có 87 lồng, bè nuôi cá trên sông Bồ, đến năm 2017, số lượng tăng lên gần 300 lồng trên địa bàn 4 thôn dọc sông Bồ. Nguyên do giá cá giai đoạn này rất cao, từ 50-70 nghìn đồng/kg (đối với cá diêu hồng và trắm), người nuôi lãi lớn nên ồ ạt nuôi.

Tại xã Hương Toàn, ông Nguyễn Văn Lai, Chủ tịch hội Nông dân xã cho rằng, tình trạng thả nuôi cá lồng hàng loạt, ken dày trên sông, không chỉ khiến nguy cơ dịch bệnh xảy ra như các mùa vụ trước mà còn khiến đầu ra cá thương phẩm gặp khó khăn. Cùng với những hộ nuôi cá lồng trước đó, chưa đầy 2 năm qua, đã có trên 700 lồng nuôi được bà con thả nuôi cá trắm nước ngọt trải dài trên suốt chiều dài sông Bồ đi qua địa bàn xã. Việc nuôi ồ ạt, thiếu quy hoạch và tìm kiếm đầu ra ổn định, đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Siết chặt quản lý

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 5.967 lồng, bè thả nuôi, tăng 10,6%; với 3.037 hộ dân tham gia, tăng 9%; thể tích lồng, bè nuôi 129.780 m3, tăng 11,3% so với năm trước.

Bà Hồ Thị Thái Bình, Phó Trưởng phòng NTTS (Chi cục Thủy sản tỉnh) khẳng định,  hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai Quyết định số 60 của UBND tỉnh, quy định về nuôi cá lồng, bè trên địa bàn. Theo đó, quyết định có hướng dẫn, quy định nghiêm ngặt về điều kiện nuôi, vị trí, kích thước, khoảng cách, mật độ… đặt lồng, bè cũng như phân cấp trách nhiệm quản lý.

Bà Bình cho biết thêm, từ sau các vụ thiệt hại NTTS lồng, bè do thiên tai, dịch bệnh xảy ra cuối năm 2017, vụ nuôi năm 2018, Chi cục Thủy sản cùng với các địa phương đã quán triệt về các hộ dân việc điều chỉnh khung lịch thời vụ phù hợp (sớm hơn các năm trước để tránh lũ lụt), chọn đối tượng nuôi phù hợp và thực hiện các giải pháp về an toàn vùng NTTS trên sông, đầm phá.

Chi cục cũng khuyến cáo bà con thận trọng khi nuôi các đối tượng như diêu hồng, rô phi vào thời kỳ bão lụt xảy ra, nên thu hoạch trước khi bão lụt, chỉ có thể kéo dài thời gian nuôi đối với những vùng có nguồn nước ít phù sa do lũ lụt. Để “vượt lũ”, các địa phương, người nuôi cần có phương án chủ động phòng tránh như thay thế lưới, khung lồng bằng vật liệu tốt hơn; gia cố, di dời lồng bè trong điều kiện bất lợi…

Về vai trò địa phương, ông Ngô Văn Dinh, Chánh văn phòng UBND huyện Quảng Điền thông tin, các xã đã tiến hành họp dân, thống kê danh sách và quản lý bằng cách buộc các hộ đăng ký lồng, bè nuôi. Phòng NN&PTNT đang phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tiến hành định vị để lập bản đồ hiện trạng; bản đồ phân vùng bố trí, sắp xếp lồng nuôi theo quy định. Đến nay, đã định vị xong cho 2 xã Quảng Thành, Quảng Phú, còn xã Quảng Thọ do còn phụ thuộc vào thời tiết nên chưa tiến hành được. Riêng đối với 2 xã  Quảng Lợi, Quảng Thái, việc sắp xếp lồng nuôi theo quy định thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã được UBND huyện phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho hay, đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh khảo sát, định vị vùng NTTS lồng, bè cho các xã có nhu cầu. Đến nay đã khảo sát, định vị quy hoạch vùng đặt lồng cho 20 vùng/6 xã với diện tích 24,7 ha, các địa phương còn lại sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top