ClockThứ Hai, 04/12/2017 14:39

Đưa “chữ xưa vào thời đại nay"

TTH - Là một chuyên viên công nghệ thông tin (CNTT) nhưng lại “nặng nợ” với chữ Hán – Nôm, anh Phan Anh Dũng (sinh năm 1958) đã cho ra đời nhiều phần mềm hữu ích, góp phần bảo tồn và phát triển di sản chữ Nôm, đưa “chữ xưa vào thời đại nay”.

Mang cơ hội giao lưu văn hóa Việt – Hàn đến bạn trẻ

Anh Phan Anh Dũng (áo trắng) đang trao đổi công việc với đồng nghiệp

Phải nhiều lần nhờ người quen tác động, chúng tôi mới có dịp chuyện trò với anh Phan Anh Dũng, là một trong 18 nhà sáng chế không chuyên của tỉnh năm 2017, được vinh danh vào tháng 10 vừa qua. Anh Phan Anh Dũng, chuyên viên CNTT tại Trung tâm CNTT tỉnh là cha đẻ của nhiều phần mềm hữu ích, được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước; trong đó, phải kể đến hệ thống phần mềm chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm được nhận giải Balaban vào năm 2011, một trong những sáng tạo làm nên tên tuổi của "hiệp sĩ IT" Phan Anh Dũng.

Bàn làm việc của anh được bài trí khá đơn giản, một chiếc máy vi tính gọn nhẹ cùng những cuốn sách được xếp ngay ngắn. Qua cuộc nói chuyện có thể phần nào cảm nhận được niềm đam mê công nghệ, sáng tạo của “hiệp sĩ IT” Anh Dũng. Cũng chính vì thế, mà những công trình nghiên cứu của anh chủ yếu đều dựa trên nền tảng CNTT. Đối với anh, mọi rào cản về giao tiếp của một người khiếm thính cũng thực sự được xóa bỏ khi có CNNT và internet. Vì vậy, khi được chuyển công tác từ Công ty Sách và Thiết bị trường học sang Trung tâm CNTT tỉnh (năm 2005) cũng là cơ hội để anh biến những ý tưởng, đam mê thành hiện thực.

Nói về đam mê với “chữ xưa – chữ Nôm” anh vẫn nói vui: “Nguồn gốc lâu như những nét “chữ xưa” vậy. Khi còn là một cậu học trò, tôi đã “mê mệt” với những tác phẩm văn thơ chữ Hán theo âm Hán - Việt từ các áng văn nổi tiếng như: Bình Ngô Đại Cáo, Bạch Đằng Giang Phú… dù nhiều từ khi đó còn chưa hiểu nghĩa. Về sau, khi có cơ duyên cùng anh Nguyễn Thế biên khảo và chế bản cuốn Truyện Kiều chữ Nôm… càng thôi thúc tôi làm phông chữ và phần mềm Hán - Nôm”.

Vượt qua không ít khó khăn và nhờ sự giúp sức của những bậc thầy về chữ Nôm, sau thời gian dài nghiên cứu, anh đã cho ra đời bộ ba phần mềm chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm vào năm 2011 và bộ ba phần mềm chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm trên thiết bị di động android năm 2015. Đây là phần mềm có tính thống nhất và có quy củ gồm cả phông chữ, bộ gõ, từ điển tra cứu, tư liệu tham khảo, và kèm theo là các trang web tra cứu trực tuyến gồm cả diễn đàn chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm đáp ứng nhu cầu của người dùng trong nước và quốc tế. Tất cả các sản phẩm phần mềm và trang web đều liên kết hữu cơ với nhau tạo thành một hệ thống tổng thể, được xây dựng bài bản, chạy trên nhiều hệ điều hành, hỗ trợ nhiều thiết bị. Đây là một trong những công cụ hữu ích cho các nhà nghiên cứu chữ viết dân tộc, học viên, sinh viên khoa Hán Nôm ở các trường đại học, nhất là trong cộng đồng dân tộc Thái, Chăm ở Việt Nam.

Là một trong những người tiên phong trong ứng dụng CNTT vào bảo tồn và phát huy chữ viết dân tộc, nhà sáng chế không chuyên Phan Anh Dũng đã đưa đến cách tiếp cận toàn diện đầy đủ để giúp chúng ta có thể lưu trữ, bảo tồn các vốn văn hoá cổ. “Thông qua các sản phẩm phần mềm chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm và các trang web.., tôi mong công trình này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển những nghiên cứu về chữ viết dân tộc cho các thế hệ sau này”, anh Dũng bộc bạch.

Với những sáng tạo, cống hiến của mình, anh Phan Anh Dũng đã được vinh danh tại nhiều cuộc thi trong đó phải kể đến: Giải nhì cuộc thi toàn quốc “Thắp sáng niềm tin”; giải nhì Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật và Khoa học công nghệ toàn quốc lần thứ 10...

Bài, ảnh: Thảo Vy

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa áo dài lên sàn diễn

Học sư phạm, gắn bó với nghề thêu, song lại có niềm đam mê bất tận với áo dài...

Đưa áo dài lên sàn diễn
Tập trung đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy Đảng trong lực lượng biên phòng tỉnh tập trung cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác sát với tình hình của địa phương, đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tập trung đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đưa ca Huế thành sản phẩm du lịch đặc sắc

Để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị đặc trưng của ca Huế, đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc, giai đoạn 2020 đến 2025” đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới xác lập thương hiệu của ca Huế.

Đưa ca Huế thành sản phẩm du lịch đặc sắc
Return to top