ClockThứ Sáu, 12/01/2018 13:01

Đưa hội đu làng lên phố

TTH - Đầu năm 2012, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình khởi đầu chuỗi hoạt động Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với chủ đề “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới”. Tại đây, Hội đu làng Gia Viên xã Phong Hiền, huyện Phong Điền lần đầu tiên được vinh dự “lên phố” tham gia ngày hội.

Đu làng Gia Viên vào hội

Làng Gia Viên có lệ tổ chức hội đu đầu xuân hàng năm vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Từ khoảng ngày 20  tháng Chạp, làng bắt đầu phân công người đi tìm mua tre về làm đu. Tre dựng dàn đu phải là loại tre ngà to, thẳng, dài trên 10 mét, không có tì vết... Thường phải có đủ 6 cây tre lớn để làm trụ dàn và một cây tre thẳng, lớn hơn dùng làm đà ngang phía trên để móc dây đu. Dây đu là 2 cây tre cán giáo, phía trên có móc neo nối đà ngang và dây đu, phía dưới có bàn đạp. Móc neo và bàn đạp đều làm bằng gỗ dạ hương (một loại gỗ tốt, bền và không nứt nẻ). Khi đưa tre về, họ đếm mắt tre và cắt hớt hai đầu cây tre sao cho "đúng trực" (trực sinh; tính theo sinh, lão, bệnh, tử) .

Đến khoảng ngày 24 – 25 tháng Chạp, dân làng tiến hành dựng đu ngay tại Cồn Đu của làng. Khi dựng đu, họ phải làm lễ cáo tế Thổ thần, Thành hoàng làng và các Ngài khai canh. Đến đêm 30 Tết (gần Giao thừa), làng làm lễ “thượng đu”, lễ cáo xong, dây đu được hạ xuống. Đến sáng mồng 4 Tết, các chức sắc của làng xã, ban tổ chức, nam, phụ, lão, ấu trong làng và các khán giả ở khắp các làng xã lân cận đến đông đủ, họ kiểm tra lại dàn đu, điều chỉnh lại vị trí điểm chạm cờ giải (được gắn trên đầu giàn đu). Khi đu, người chơi phải nhún và điều khiển đu lên cao, cho đến lúc với tay chạm vào cờ mới được trúng giải. Trước khi vào cuộc thi, làng phải làm làm lễ cúng. Chủ lễ là một vị bô lão trong làng có kinh nghiệm chơi đu đồng thời là người phụ trách hội đu. Sau khi khấn vái xong, vị này lên dàn đu để khởi động, mở đầu cho cuộc thi thố tài năng của các vận động viên trong hội thi đu. Thanh niên, trai tráng trong làng và khách thập phương đến xem hội đều có thể đăng ký dự cuộc đu. Hội thi đu bao giờ cũng chia thành 5 - 7 giải tùy theo cơ cấu giải thưởng của làng và các vị mạnh thường quân ủng hộ kinh phí trao giải. Giải đầu tiên gọi là giải cúng, được các chức sắc trong làng trao giải. Tiếp theo là giải nhất, giải nhì, giải ba, giải tư... thường do đại diện các tổ chức chính quyền, đoàn thể hoặc cá nhân ủng hộ. Cuối cùng là giải phá, khi dự thi giải này, đòi hỏi người chơi đu phải giật được lá cờ giải xuống mới gọi là thắng giải. Giải phá do bác lão chủ trì hội đu, thay mặt làng, trao giải.

Ngay sau khi kết thúc hội đu, vị chủ lễ tiến hành lễ tạ các vị thần linh xong, ông nâng cao cây rựa dài cán (đã chuẩn bị từ trước) lên ngang mày vái tạ và chặt hạ ngay dây đu (hai đoạn tre cán giáo làm tay cầm khi đu) để kết thúc hội đu. Dân làng tin rằng, nếu năm nào làng tổ chức hội đu thì năm đó người dân trong làng “ăn ra mần được”, mùa màng bội thu. Vì vậy có những năm chiến tranh hoặc gặp khó khăn, làng không tổ chức hội đu được thì phải dựng một dàn đu nhỏ rồi cũng thực hiện các thủ tục cúng bái theo lệ rồi sau đó triệt hạ giàn đu như khi tổ chức hội đu (gọi là đu lệ). Hội đu ngày xuân của làng Gia Viên đồng thời được xem như lễ cúng xuống đồng đầu năm để chăm sóc lúa vụ Đông xuân của dân làng.

Biết được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời làng vào biểu diễn hội đu trong chương trình khởi đầu chuỗi hoạt động Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế, dân làng ai cũng phấn khởi. Sau khi kết thúc Hội đu xuân tại làng vào ngày mồng 4 Tết, làng hạ đu để đợi ngày đưa vào Huế. Ban tổ chức yêu cầu phải dựng xong đu trước ngày mồng 8 Tết. Đại diện của làng và tôi phải vào nhận trước phần đất tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa Thông tin để dựng đu. Khổ nỗi, khi đi hợp đồng xe để vận chuyển dàn đu thì không ai chịu chở vì dàn đu dài hơn 10 mét, sẽ vi phạm lỗi “quá khổ”.

Cuối cùng, mấy nông dân trẻ trong làng nhận chuyển dàn đu bằng xe kéo từ lúc 3 giờ sáng mồng 7 Tết . Khi tiến hành dựng đu, nhiều khách đi chơi xuân kéo đến xem.

Sáng mồng 8 Tết, Hội đu làng Gia Viên tổ chức tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế. Một số vị bô lão có ý e ngại khi thực hiện việc nghi lễ cúng bái có đánh chiêng trống và khấn vái thần linh ở đất kinh đô. Bỗng nhiên tôi nghĩ ra một kế, nhờ dân làng lấy cho mấy bao tải đất ngay tại Cồn Đu của làng đưa lên xe mang vào Huế. Số đất ấy được đổ vào chân các cột đu. Như vậy, dàn đu của được xem là đang dựng ngay chính trên đất làng, mà lại là đất Cồn Đu của làng nữa chứ! Thế là tâm lý nặng nề của các bô lão làng Gia Viên được giải tỏa.

Trong lễ phục áo dài khăn đóng, các cụ tiến hành các bước nghi lễ thật tự nhiên như đang ở làng. Ngoài các vận động viên của làng Gia Viên và các địa phương ở Thừa Thiên Huế còn có sự tham gia của vận động viên ở Quảng Trị. Hội đu diễn ra tốt đẹp, tiếng trống giục cùng với tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo khán giả đến xem.

Nguyễn Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top