ClockThứ Năm, 22/11/2018 13:15

Đưa nghề thủ công vào công nghệ thời trang

TTH - Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang là ý tưởng khởi nghiệp của Công ty TNHH MTV SXTM&DV XƯA đã đoạt giải Nhất tại hai cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh và Tìm kiếm tài năng KNĐMST vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018.

Giày “Xưa” đạt giải Nhất “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên”

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đoạt giải Nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2018 và cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018

Duy trì và phát triển ngành nghề thủ công

Thừa Thiên Huế là vùng đất nổi tiếng với nhiều làng nghề và ngành nghề TCMN truyền thống. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm TCMN Huế hiện nay không đồng đều, đa phần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến lãng phí tiềm năng của địa phương và có nguy cơ mai một nếu không tạo được sản phẩm mới.

Công ty TNHH MTV SXTM&DV XƯA ra đời với mong muốn duy trì và phát triển ngành nghề thủ công địa phương bằng cách tìm những đầu ra mới bằng những sản phẩm thích ứng với thị trường hiện tại.

“Chúng tôi dựa trên nền tảng sản xuất guốc mộc để hình thành nên những đôi giày gót gỗ chạm khắc hoa văn, sơn mài tinh tế. Để làm được một đôi giày bán ra thị trường, chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian nghiên cứu về quá trình hình thành một đôi guốc mộc, sản xuất giày da, nghệ thuật chạm khắc gỗ, kỹ thuật sơn mài truyền thống; sau đó kết hợp chúng lại với nhau một cách tinh tế nhất để cho ra sản phẩm giày Xưa hiện tại”, Giám đốc Công ty TNHH MTV SXTM&DV XƯA Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh chia sẻ.

Lấy ý tưởng từ đôi guốc mộc vốn gắn bó với người Việt, in dấu ấn bền bỉ suốt hàng ngàn năm trong hành trang văn hóa dân tộc, sau đó cách tân những mảnh gỗ xoan, gỗ mít, gỗ thông… tưởng như xù xì, thô ráp, qua bàn tay đẽo gọt của người thợ đã trở nên nhẵn và bóng bẩy. Cẩn trọng và cầu kì trong từng công đoạn, người thợ mới có thể tạo ra một cặp gót hoàn chỉnh; sau đó chuyển sang người thợ đóng giày hoàn thành những khâu cuối cùng cho một sản phẩm hoàn thiện như may phần thân đôi giày, lên form dáng, ghép phần đế và phần thân...

Người thợ phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tất cả các khâu, vì thế những người thợ của Xưa phải luôn tỉ mỉ từng chi tiết từ thiết kế, khuôn, chọn da, chọn kiểu dáng… Đó là thành quả của một quá trình hợp tác lâu dài giữa nhà thiết kế và người thợ, song song là đội ngũ marketing.

“Chúng tôi phải hợp tác bốn ngành nghề khác nhau: Điêu khắc gỗ, sản xuất giày, kỹ thuật sơn mài và trồng cây. Nghề điêu khắc gỗ vốn chỉ làm việc cho các đình chùa và cung điện nên việc chuyển hướng sang sản xuất giày đòi hỏi thời gian và cả sự đầu tư. Từ chỗ làm ra những vật dụng thờ cúng trong Phật giáo, nay người thợ điêu khắc có thêm một kỹ năng mà vẫn giữ được những gì cơ bản nhất của nghề cũ. Đội ngũ thiết kế luôn trăn trở, đưa ra những mẫu mã hợp với xu hướng, phù hợp với thị hiếu khách hàng”, Quỳnh Anh nói.

Mang giày Xưa ra thế giới

Tại TP. Huế, XƯA đã phối hợp cùng các nghệ nhân thí điểm trên 3 ngành nghề: Điêu khắc gỗ, nghề làm gốm và vẽ áo dài truyền thống. Các học viên đa phần là những bạn khuyết tật bẩm sinh vẫn còn khả năng lao động và những bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng…               

Lợi nhuận mà Xưa thu về sẽ được tái đầu tư vào một chương trình đào tạo nghề thủ công và có phương án mở rộng chiêu sinh giảng dạy miễn phí cho tất cả các đối tượng đam mê, yêu thích các ngành nghề truyền thống, nhằm đẩy mạnh chất lượng lao động, phát triển ngành nghề.

Để phát triển mạnh và tạo được vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế, thương hiệu XƯA đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đồng thời được Sở Công thương tỉnh xem xét cấp con dấu nhận diện hàng TCMN Huế.

Đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, XƯA luôn cố gắng học hỏi, phát triển để được nhiều thị trường khác nhau chấp nhận (đặc biệt là thị trường EU, Mỹ…). Tùy theo thị trường tiềm năng, XƯA thiết kế mẫu mã dựa trên khung kích cỡ chuẩn quốc tế để tạo ra sản phẩm phù hợp. Tất cả các chi tiết của giày dép đều được thử nghiệm: độ mài mòn, độ cứng, độ dính, độ mềm dẻo, tỷ lệ bạc màu và khả năng chống lại điều kiện khí hậu. “Sản phẩm của chúng tôi đơn thuần là ứng dụng từ vốn hoa văn, họa tiết cổ của Việt Nam, mang đặc trưng nét văn hóa Việt nên đối tượng khách hàng mà XƯA nhắm đến là những vị khách khó tính về giá trị chất lượng và thẩm mỹ, mong muốn sở hữu một sản phẩm đơn giản nhưng không kém phần tinh tế sang trọng, có độ bền cao, họ là những người có thu nhập ổn định”, Quỳnh Anh thông tin.

Đa phần các ngành công nghiệp giày đều sản xuất phát triển theo mô hình truyền thống, chính vì vậy, thị trường mặt hàng giày gỗ điêu khắc, chạm khảm, sơn mài của XƯA có được lợi thế lớn là chưa có đối thủ cạnh tranh cả về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng và giá thành. Sản phẩm hợp thời trang lại giữ được nét văn hóa thuần Việt, XƯA tự tin sẽ có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Bài, ảnh: Đinh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top