ClockChủ Nhật, 25/12/2016 12:53

Đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn

TTH - Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Nam, TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Ông Trần Ngọc Nam chia sẻ:

Phát triển KH&CN tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 được thể hiện qua ba quan điểm phát triển cụ thể; trong đó: “Tập trung đầu tư phát triển nguồn lực cho KH&CN nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực trực tiếp và mạnh mẽ cho phát triển, nền tảng của CNH, HĐH của địa phương” là mục tiêu xuyên suốt.

Giám đốc Sở KH&CN Trần Ngọc Nam

Tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức

Quan điểm phát triển của đề án có nêu: Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức” gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương”. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này ?

Hầu hết các chương trình, kế hoạch phát triển KT- XH thường chú trọng đến yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế, được đo bằng tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc gia (GNP). Phát triển kinh tế phải bao gồm tăng trưởng kinh tế cùng với nâng cao chất lượng tăng trưởng; là một quá trình hoàn thiện về mọi mặt, bao gồm kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế trong một thời gian nhất định nhằm đảm bảo GDP cao hơn, đồng nghĩa với mức độ hạnh phúc cao hơn.

Các nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng kinh tế là các nhân tố sản xuất gồm lao động, vốn (tài chính, tài nguyên) và công nghệ. Trong đó, công nghệ có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng và năng suất. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, kinh doanh chính là nhắm tới mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, theo hướng phát triển bền vững, hoàn thiện mọi mặt của nền kinh tế bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường. Đó chính là nội hàm của khái niệm “tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức” và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Mục tiêu cụ thể là tăng chỉ số đóng góp năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP của tỉnh đạt 35% vào năm 2020. Ông có thể nói rõ hơn về định tính và định lượng của TFP đóng góp vào tăng trưởng GDP của tỉnh như thế nào?

Chỉ số TFP là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể hay cho cả một nền kinh tế. Chỉ số TFP không chỉ cho thấy tổng quát đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế mà còn là cơ sở để các doanh nhân xem xét đầu tư nâng cao chất lượng các nguồn lực của doanh nghiệp mình. Như vậy, năng suất là yếu tố then chốt trong tăng trưởng kinh tế và là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Năng suất đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh, là thước đo chất lượng tăng trưởng.

Đề tài khoa học công nghệ Tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất ghẹ lột. Ảnh: Thái Bình

Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á, giai đoạn 2005-2010, mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia ở mức trên 40%, như: Hàn Quốc đạt 63%, Đài Loan 59%, Ấn Độ 48%, Indonesia 42%, Philippine 41%. Ở Việt Nam chỉ xấp xỉ 30%; của tỉnh đạt 28%. Như vậy, chất lượng tăng trưởng của địa phương cũng ở mức xấp xỉ trung bình chung của cả nước. Đề án xây dựng mục tiêu đưa sự đóng góp TFP vào tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 35% vào năm 2020 là mức cần phấn đấu.

KH&CN cũng cần được“đặt hàng”

Người ta vẫn hay ví von, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ thường được “cất ngăn kéo”, tỷ lệ kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế thấp. Vậy, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Phải lưu ý rằng, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học hàn lâm, nghiên cứu cơ bản, rất lâu sau khi phát hiện công bố, trải qua giai đoạn “cất ngăn kéo” có khi hàng chục năm, hàng trăm năm sau mới được sử dụng, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và cuộc sống. Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của xã hội ngày càng cao. Trong khi kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa đáp ứng được kỳ vọng của các ngành, các cấp.

Từ khi có Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Giai đoạn 2012-2016, có 85 nhiệm vụ khoa học (đề tài/dự án KH&CN) sử dụng ngân sách Nhà nước (gồm 5 nhiệm vụ cấp quốc gia, 72 nhiệm vụ cấp tỉnh và 8 nhiệm vụ hỗ trợ cấp cơ sở) được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong số 73 nhiệm vụ hoàn thành đã được nghiệm thu có 57 kết quả nhiệm vụ được ứng dụng, chiếm tỷ lệ 78,08%. Khoảng 22% kết quả chưa được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống do cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhưng đáng tiếc vẫn chưa tìm được sự đồng hành của các doanh nghiệp với các nhà khoa học cho các nghiên cứu này.

Có nghĩa là, lâu nay doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các đề tài khoa học công nghệ. Để mối liên kết “4 nhà” có hiệu quả hơn, các đề tài có tính ứng dụng cao ngành khoa học cần làm gì?

Muốn doanh nghiệp mặn mà với KH&CN, trước hết hoạt động nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nguyên tắc “đặt hàng” được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động KH&CN hiện nay. Để thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp thì các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng như: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu liên quan đến hoạch định chính sách... Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp KH&CN. Đó chính là những điều ngành KH&CN cần phải làm để các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao sớm đi vào thực tiễn sản xuất và cuộc sống.

Ông kỳ vọng gì về đề án này?

Đề án được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công để phát triển KH&CN. Trong khi nền kinh tế của tỉnh chưa phát triển, việc đầu tư từ ngân sách cho KH&CN vẫn giữ vai trò quan trọng. Do vậy, đề án được thông qua là chìa khóa giúp tháo gỡ nút thắt về đầu tư này. Đây là cơ hội để phổ biến, tuyên truyền về vị trí, vai trò của KH&CN đối với phát triển; là dịp để đưa tinh thần nghị quyết của Đảng đến gần hơn với thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Những năm qua, mức đầu tư cho KH&CN mới dừng ở con số dưới 1% (khoảng 0,6- 0,7%) tổng chi ngân sách của tỉnh hàng năm. Do đó, trong Đề án quy hoạch chỉ đề xuất mục tiêu “Tăng tổng mức đầu tư cho  KH&CN đạt 1,5 - 2% GRDP vào năm 2025 và đạt trên 2% GRDP vào năm 2030”. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh vì vậy thấp hơn so với mức trung bình chung của quốc gia (trên 2% vào năm 2020).

 

 

 

 

 

 

THÁI BÌNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học

TIN MỚI

Return to top