ClockThứ Năm, 14/09/2017 05:56
QUẢN LÝ KINH DOANH QUA MẠNG:

Đưa vào danh sách kê khai và nộp thuế

TTH - Bán hàng trên các trang mạng xã hội đang “nở rộ” ở Huế khi hình thức kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí, tích hợp nhiều công cụ quảng cáo và dễ tiếp cận khách hàng. Song, công tác quản lý thuế đang gặp nhiều khó khăn và mới dừng lại ở phạm vi tuyên truyền.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh giải đáp các thắc mắc cho người nộp thuế

Sau khi sinh con, chị Nguyễn Thị Minh, trú tại đường Xuân Diệu, TP. Huế bỏ hẳn việc kinh doanh shop áo quần, liên kết với một trang web ở TP. Hồ Chí Minh để bán hàng. Hàng hóa gồm đủ loại, từ đồ gia dụng mà mọi gia đình đều cần, như ly, chén, nồi cơm điện, hộp thủy tinh, máy xay  sinh tố, đến sản phẩm giá trị cao như nệm, quạt điện, tủ, bàn ghế… với lợi thế có hàng ngàn “người quen” thông qua việc “kết bạn” trên facebook hoặc danh sách các số điện thoại giao dịch trên zalo, viber...

Chị Minh hào hứng: “Mình rất hứng thú với việc kinh doanh qua mạng, vì không cần bỏ vốn, không thuê mặt bằng, và ít mất thời gian, song doanh số bán hàng lại cao hơn nhiều so với mở shop. Hiện, mỗi tháng mình kiếm lãi từ việc bán hàng trên mạng khoảng 3-5 triệu đồng, còn phí ship đủ để trả cho cộng tác viên giao hàng.”

Là địa bàn rộng với 1.800 DN và 6.300 hộ cá thể, song lâu nay công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh qua mạng trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn.

“Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là phải nộp thuế, cho dù kinh doanh có địa điểm cụ thể hay bán hàng trên mạng. Bản thân người kinh doanh cần tự kê khai, tự tính, tự nộp, còn cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, quản lý theo quy định. Tuy nhiên, đối với hình thức kinh doanh qua mạng rất khó quản lý vì không có địa điểm rõ ràng, trong khi người mua chủ yếu thanh toán tiền mặt. Hiện, chi cục đang triển khai thống kê, mời các hộ kinh doanh đến làm việc, đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nắm bắt thông tin để đưa vào danh sách kê khai và nộp thuế”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Huế - ông Trần Phước Ngọc cho biết.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Cục Thuế tỉnh về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), trong đó trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản của cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi, cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ông Hà Văn Khoa, để triển khai thu thuế đối với các hộ kinh doanh qua mạng, hiện Cục Thuế tỉnh đang phối hợp với các Sở Công thương, Thông tin truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư và các ngân hàng thương mại để rà soát, lập danh sách và đưa vào quản lý các cá nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT. Mặt khác, sẽ phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho hoạt động TMĐT để kiểm tra thông tin người bán hàng, qua đó lập danh sách cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm nghĩa vụ thuế để cổng khai trên trang tin điện tử của ngành.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế
Return to top