ClockThứ Sáu, 19/05/2017 13:41

Dùng dằng đất phân lô đấu giá ở Phong Sơn

TTH - Dù đã mua thông qua đấu giá và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) từ 15 năm nay, nhưng các chủ sở hữu chưa thể thực hiện quyền SDĐ đối với 14 lô đất hai bên đường vào Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân (Phong Sơn- Phong Điền).

Quy hoạch chồng quy hoạch

Ngày 25/10/2002 và 25/3/2003, 14 lô đất với tổng diện tích 3.462,5m2 nằm dọc 2 bên đường vào Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân, thôn Công Thành, xã Phong Sơn được tổ chức bán đấu giá. Kết quả, có 7 hộ trúng đấu giá 14 lô đất kể trên.

Hiện một số lô đất đang được cho thuê làm nhà giữ xe của Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân

Sau khi được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, một số chủ SDĐ dự định xây dựng nhà ở, quán, nhà nghỉ để kinh doanh dịch vụ, nhưng nhận được thông báo của xã buộc dừng thi công công trình trên đất vì "dính" quy hoạch chi tiết Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân theo Công văn 1216 của UBND tỉnh ký ngày 28/5/2003.

Chị Lê Thị Hạnh, chủ lô đất trong số 14 lô đấu giá năm 2003 kể: “Lúc đó 37 triệu đồng “to” lắm! Dự định mua xong sẽ mở quán kinh doanh, nhưng không ngờ bị dính quy hoạch. Bây giờ muốn chuyển nhượng hay xây dựng công trình cũng không được”.

Năm 2016, UBND huyện Phong Điền chủ trương giao Phòng Kinh tế- Hạ tầng quy hoạch xây dựng điểm thương mại dịch vụ gần Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân với diện tích khoảng 4ha. Sau khi khảo sát lựa chọn vị trí, khu dịch vụ này lại dính đến diện tích 7 lô/14 lô đất nói trên. Theo ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, sau khi xin ý kiến huyện, xã thống nhất đền bù theo hình thức đất đổi đất. Tuy nhiên, để chọn quỹ đất tương xứng trên địa bàn đáp ứng yêu cầu của các chủ đất thì không có. Vì chưa tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng, hợp tình, hợp lý, nên dự án này đành tạm dừng lại.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 11/2016, UBND huyện Phong Điền và Thanh tra huyện Phong Điền lại nhận đơn kiến nghị của người dân, cụ thể là đại diện gia đình ông Hoàng Ngọc Châu và bà Cao Thị Em, trú tại thôn Công Thành, xã Phong Sơn về việc UBND huyện Phong Điền thu hồi đất hai bên cổng Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân; đồng thời tổ chức bán đấu giá nhưng không thông báo cho các chủ đất canh tác biết. Theo ông Châu và bà Em, 14 lô đất nói trên chồng lấn trên đất sản xuất của các hộ dân canh tác từ trước thời điểm đấu giá.

Sẽ đề xuất phương án đất đổi đất

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho rằng, thực tế 14 lô đất ở đã được đấu giá kể trên nằm ngoài hàng rào phạm vi SDĐ của Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân. Tuy nhiên, thực hiện công văn của UBND tỉnh năm 2003, hiện những lô đất này không có công trình trên đất.

Về nội dung đơn thư của hộ ông Hoàng Ngọc Châu và bà Cao Thị Em liên quan đến việc thu hồi đất hai bên cổng vào Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân chồng lấn đất canh tác sản xuất nông nghiệp của những hộ này từ trước đó, theo công văn chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền của UBND huyện, UBND xã đã mời đại diện thôn Công Thành tổ chức buổi làm việc để xác định nguồn gốc, quá trình SDĐ theo đơn ông Hoàng Ngọc Châu nêu. Tuy nhiên, phía người đứng đơn vẫn chưa chấp nhận kết quả về xác định nguồn gốc đất, nên đến nay vẫn còn dùng dằng chưa tìm ra hướng giải quyết và xã đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.

Ông Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phong Điền cho biết, đầu năm 2017, huyện đã có văn bản đề nghị  Sở TNMT kiến nghị UBND tỉnh giải quyết vướng mắc 14 lô đất ở đã đấu giá từ năm 2002 và 2003.

Về nguyên nhân để sự việc “quy hoạch chồng quy hoạch”, “đất ở chồng đất sản xuất” nêu trên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn- Trịnh Xuân Nhân thừa nhận là do công tác quản lý đất đai thời kỳ đó còn lỏng lẻo, chủ quan. Xã sẽ tiếp tục mời các hộ có đơn kiến nghị về việc đất ở chồng lấn đất sản xuất, đối chứng thực tế để xác định rõ lại nguồn gốc đất. Đối với kế hoạch xây dựng khu thương mại dịch vụ có dính diện tích đất của 7 lô đất đã được cấp giấy chứng nhận, xã đề xuất huyện can thiệp để giải quyết một cách dứt điểm.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, UBND huyện Phong Điền đang nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi hình thức sử dụng đối với 14 lô đất nói trên bằng cách đất đổi đất. Vì xét thấy phương án này phù hợp nhất với điều kiện của địa phương. Cách làm sẽ đảm bảo thỏa đáng và thống nhất của các chủ sử dụng đất.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Sơn đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 26/1, UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Phong Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là xã cuối cùng của huyện Phong Điền được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Phong Sơn đạt chuẩn nông thôn mới
Nhà nước không bàn, có mục tiêu hẳn hoi

Chúng ta khó hình dung một biển số xe ô tô có giá đấu lên đến hàng chục tỷ đồng. Cuộc đấu giá biển số đầu năm 2024 được công bố người trúng biển số 88A - 666.66 có giá 29,43 tỷ đồng. Phiên đấu giá một biển số hồi tháng 9 năm ngoái có giá còn “kinh” hơn - hơn 32 tỷ đồng.

Nhà nước không bàn, có mục tiêu hẳn hoi
Ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép giữa ban ngày

Không chỉ khai thác vào lúc nửa đêm đến mờ sáng, những đối tượng khai thác cát sỏi trái phép lộng hành đến mức tổ chức khai thác giữa ban ngày. Chuyện diễn ra trên địa bàn thôn Sơn Quả (xã Phong Sơn – huyện Phong Điền)

Ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép giữa ban ngày
Return to top