ClockThứ Năm, 11/04/2019 07:40

Dùng túi vải, giấy không đúng cách gây ô nhiễm hơn dùng túi nilông?

Nhiều người tìm đến các giải pháp bảo vệ môi trường như túi vải hay túi giấy để tránh các tác hại của túi nilông. Nhưng việc từ bỏ túi nilon cũng phải thực hiện đúng cách nếu không muốn tác dụng ngược.

Australia: Tiêu thụ túi nilon giảm 80% sau lệnh cấmNew Zealand cấm túi nilon dùng một lầnMalaysia nỗ lực trở thành quốc gia nói “không” với bao bì nhựa và hộp xốpIndonesia khởi động chiến dịch hạn chế sử dụng túi nilon

Nhiều thành phố tại tiểu bang California (Mỹ) đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilông tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm - Ảnh: REUTERS

Tuy có vẻ khó tin, song túi vải và túi giấy không những chưa chắc là giải pháp, mà còn có thể khiến nguy cơ ô nhiễm tăng cao.

Điều này được đài NPR (Mỹ) đặt ra trong bài viết ngày 9-4 (giờ Mỹ). Theo đó, muốn bảo vệ môi trường hiệu quả, việc từ bỏ túi nilông phải đi kèm hàng loạt lưu ý khác như giải pháp thay thế hoặc yếu tố kinh tế, mức độ khả dụng của các sản phẩm thay thế ni lông.

Hiện nay gần như tất cả mọi người đều biết tác hại của túi nilông. Chúng khó hay thậm chí không thể phân hủy, gây tắc nghẽn cống rãnh, tăng lượng rác thải và trong nhiều trường hợp vô tình làm chết động vật hoang dã khi chúng ăn phải.

Ý thức được vấn đề này, 240 thành phố và địa hạt tại Mỹ đã thông qua luật cấm hoặc đánh thuế túi nilông kể từ năm 2007.

Thế nhưng, đài NPR cho rằng những rào cản này thậm chí còn khiến môi trường chịu tổn hại lớn hơn.

Nhà kinh tế Rebecca Taylor tại Đại học Sydney cùng nhóm của bà đã tiến hành nghiên cứu, sau khi tiểu bang California (Mỹ) cấm các cửa hàng sử dụng túi nilông vào năm 2016.

Nhóm nghiên cứu ghi nhận người dân ở những thành phố thuộc bang này sử dụng ít túi nhựa hơn. Cụ thể là lượng túi nhựa giảm đi 20.000 tấn mỗi năm.

Tuy nhiên có vấn đề nảy sinh là tuy lượng túi nilông các cửa hàng sử dụng giảm đi, người dân vẫn có nhu cầu sử dụng chúng để bỏ rác hay nhiều mục đích khác. Thay vì có thể tái sử dụng túi nilông như trước đây, người dân California sau đó phải bỏ tiền ra mua túi rác (làm bằng nilông) để dùng.

Hệ quả là lượng túi nilông cỡ nhỏ bán ra tăng 120% sau khi có lệnh cấm.

Bà Taylor lưu ý rằng các loại túi rác còn dày và nhiều nhựa hơn những loại túi nilông sử dụng trong siêu thị hay các cửa hàng.

"Vì vậy khoảng 30% túi nhựa được loại bỏ nhờ lệnh cấm vẫn quay trở lại dưới một hình thức còn dày hơn, đó là túi rác", nhà kinh tế này giải thích.

Cũng theo bà Taylor, tại các thành phố cấm sử dụng túi nilông, lượng túi giấy cũng tăng vọt. Điều này khiến rác thải giấy cũng tăng thêm ước tính 40.000 tấn mỗi năm.

Tuy dễ dàng phân hủy, việc sản xuất túi giấy lại cần rất nhiều gỗ, nước, chất hóa học, nhiên liệu và vận hành máy móc hạng nặng. Cùng với việc lượng túi nilông đựng rác tăng lên, xu hướng tăng sử dụng túi giấy thậm chí có thể tăng hiệu ứng nhà kính, bà Taylor nhấn mạnh.

Túi giấy tuy nhanh phân hủy hơn nhưng việc sản xuất ra chúng lại tạo ra lượng chất thải lớn - Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, NPR lập luận rằng việc sử dụng túi vải thay thế cũng chưa chắc là tốt.

Một nghiên cứu năm 2011 của chính phủ Anh phát hiện thay vì sử dụng túi nilông cho một lần mua sắm, một người phải tái sử dụng túi vải 131 lần để có thể đạt được hiệu quả giúp cải thiện môi trường.

Chính phủ Đan Mạch gần đây cũng công bố một nghiên cứu, chỉ ra rằng việc sử dụng túi vải còn tệ hơn khi tính đến những tác động môi trường như hiệu ứng nhà kính, nước thải và ô nhiễm không khí.

Vì thế, theo nghiên cứu này, việc làm thân thiện với môi trường nhất là tái sử dụng túi nilông nhận được ở siêu thị nhiều lần nhất có thể. Những loại túi để tái sử dụng nên làm từ nhựa polyester hoặc polypropylene.

Về khía cạnh chính sách, nhà kinh tế Taylor cho rằng việc đưa ra mức phí sử dụng túi nilông sẽ hợp lý hơn là cấm hoàn toàn. Theo bà, khoản phí này có thể giúp cổ vũ người dân tái sử dụng túi nilông nhiều lần.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp giảm tiếng ồn cho thuyền du lịch trên sông Hương
Phí phạm đáng tiếc nếu thiếu lưu tâm

Một chiếc chân vịt nhỏ xíu gắn với bình ắc quy 12V vẫn đẩy được con thuyền chở 10 du khách cộng thêm bác tài công ro ro lướt sóng, thấy thật thú vị. Chợt nghĩ, phải chăng đây cũng là “chìa khóa” cho giải pháp của thuyền du lịch sông Hương?

Phí phạm đáng tiếc nếu thiếu lưu tâm
Tạo thói quen bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh các hoạt động, thói quen bảo vệ môi trường (BVMT), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xây dựng nhiều mô hình “Phụ nữ sống xanh”. Từ đó, dần thay đổi nhận thức cũng như gắn trách nhiệm, để mỗi hội viên (HV) phụ nữ đều chung tay tham gia BVMT, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng.

Tạo thói quen bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top