ClockThứ Tư, 23/09/2015 11:22

Dung túng cho cái ác

TTH - Vô cớ tước đoạt mạng sống của người khác, bị cáo bị pháp luật trừng phạt bằng bản án 20 năm tù. Mẹ bị cáo khóc tức tưởi, than án nặng. Nhiều tiếng xì xào: “Nạn nhân thiệt mạng oan ức, gia đình người ta đau đến sống không bằng chết. Con mình gây tội tày đình, án vậy nặng gì. Cha mẹ không nghiêm khắc với tội lỗi của con, là dung túng cho cái ác…”.

Vụ án đau lòng xảy ra vào đêm 19/2/2015 (tức mùng một Tết Nguyên đán). Lúc này, Nguyễn Văn Hải Tuệ (SN 1995) cùng bạn bè uống bia tại một quán bar. Trong lúc đi vào nhà vệ sinh, Tuệ va chạm vào người anh Khương Văn Hùng (sn 1993) nhưng cả hai chỉ nhìn nhau không nói gì, sau đó ai về bàn nấy. Được một lúc, thấy anh Hùng đưa mắt nhìn sang bàn mình, Tuệ liền qua bàn đối phương, dùng dao thủ sẵn trong người đâm một nhát vào bụng anh Hùng. Hậu quả, nạn nhân tử vong trên đường đưa đến bệnh viện. Hung thủ đến cơ quan công an đầu thú. Ngày 8/9/2015, Tuệ bị TAND tỉnh xét xử về tội “giết người”.

Phòng xét xử không còn chỗ. Người dự khán ken chật bên ngoài hành lang. Sau khi bị cáo ra đứng trước vành móng ngựa và vị đại diện Viện Kiểm sát công bố xong cáo trạng, bất chợt nhiều tiếng xì xào: “Mặt non choẹt vậy mà cầm dao giết người không ghê tay”. “Ác quá”… Bị cáo càng cúi gằm mặt. Cha và cô ruột bị hại bật khóc ai oán. Mẹ bị hại không còn nước mắt, đông cứng bởi nỗi đau quá sức. Khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, tuy nhiên bị cáo “thanh minh”, sau cú chạm vai, trở lại bàn vẫn thấy bị hại nhìn mình nên bị cáo… tức. Do ngày Tết đi chơi, uống nhiều bia rượu, say xỉn nên không kiềm chế được hành vi. Trước câu hỏi đi chơi sao lại thủ dao trong người, bị cáo trả lời sợ hôm đó uống say không làm chủ được mình sẽ gây chuyện đánh nhau nên mang theo phòng thân. Tòa phân tích, điều đó thể hiện bản tính của bị cáo rất hung hãn, trong cuộc sống luôn nghĩ đến ăn thua với người khác, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Trước tòa, các nhân chứng (là bạn của bị cáo) khai, thấy bị cáo sang bàn của bị hại, tay khoác lên cổ, miệng ghé sát vào tai bị hại nên cứ tưởng hai người là bạn, không mấy để ý. Đến lúc bị hại gục xuống, máu trào ra xối xả, ai nấy mới hoảng hồn, la thất thanh, bàng hoàng.
Vị hội thẩm nghiêm khắc: Bị cáo đã nghe rõ lời khai của các nhân chứng chưa?. Bị cáo luôn miệng nói mình say. Nếu say, sao bị cáo biết đến choàng vai bị hại để ra tay một cách rất tinh vi. Sao biết ra ngoài vứt hung khí để phi tang? Giả sử có tức bị hại như bị cáo khai, bị cáo có thể chọn cách khác để giải quyết. Một nắm đấm, một cái bạt tai… đã là quá đáng. Đằng này bị cáo chọn cách nguy hiểm nhất, vung dao tước đoạt một mạng sống. Xã hội này không chấp nhận hành vi đó của bị cáo. Nên chăng cần phải loại bị cáo ra khỏi xã hội?”. Nghe đến câu sau cùng, bị cáo bủn rủn, bất chợt vịn cả hai tay vào vành móng ngựa. Mẹ bị cáo mặt trắng nhợt, run lẩy bẩy. Những người dự khán lại xì xào: “Hắn cũng sợ chết, vậy mà dễ dàng cầm dao lụi vào cơ thể người ta. Tòa phải xử thật nghiêm e rằng mới đủ sức “làm gương”, mới ngăn chặn được những hành vi máu lạnh, côn đồ như bị cáo này”. “Cha mẹ cũng phải biết quản, biết răn từ lúc con còn nhỏ. Thả lỏng cho con ngông ngênh đến nỗi đi chơi cũng cầm dao. Gây họa cho người ta cũng là rước họa vào mình”…
Suốt phiên tòa, chốc chốc cha bị hại lại khóc. Người mẹ ngồi như vô hồn. Cô ruột bị hại kể trong nước mắt, cháu bà quanh năm suốt tháng hiền lành chăm chỉ làm ăn, ngày tết mới cùng bạn bè đến bar chơi. Hay tin con gặp họa, người cha ngất xỉu. Đàn ông có mấy khi rơi nước mắt, vậy mà từ ngày con bị giết, anh trai của bà khóc suốt. Mấy tháng nay, hàng đêm ông cứ ngồi bần thần. Đôi lúc gió trên mái tôn, ông cứ ngỡ con trai đi làm về như mọi khi, vội chạy ra cửa, rồi lại thất thểu quay vào với ánh mắt tuyệt vọng. Nhìn cảnh ấy mà đứt gan đứt ruột.
Tòa hỏi có đề nghị gì về phần xử lý hình sự đối với bị cáo, cha mẹ bị hại không đòi tăng nặng, cũng không xin giảm nhẹ hình phạt, chỉ yêu cầu tòa xử theo pháp luật. Sau thời gian nghị án, hội đồng xét xử ra tuyên án, phạt bị cáo 20 năm tù. Cha bị hại lặng lẽ ôm di ảnh con trai vào lòng, như thể đó là cách ông “nói” với con về phán quyết của pháp luật. Mẹ bị cáo khóc tức tưởi, than án nặng. Nhiều tiếng xì xào: “Nạn nhân thiệt mạng oan ức, gia đình người ta đau đến sống không bằng chết. Con mình gây tội tày đình, án vậy nặng gì. Cha mẹ không nghiêm khắc với tội lỗi của con, là dung túng cho cái ác…”.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top