ClockChủ Nhật, 15/05/2016 18:30

Dược liệu đồng quê

TTH - Với người dân Cố đô Huế, ai lớn lên trong đời lại không một lần “dan díu” với dầu tràm. Thứ “thần dược” thôn quê được tinh luyện từ sự vất vả của những chuyến băng rừng hái lá tràm, bổi cộng với đôi bàn tay công phu, khéo léo của người thợ mà thành…

Bí quyết tinh luyện

Không rộn ràng như “thủ phủ” dầu tràm nằm bên Quốc lộ 1A thuộc hai xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, làng nấu dầu tràm Nam Trạch (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) có chừng gần 20 hộ. Sở dĩ chúng tôi chọn Nam Trạch, như lời anh bạn là dân “thổ địa” ở đây dẫn đường - bởi nơi đây hương vị dầu tràm ít nhiều chưa “thương mại hóa”, người nấu vẫn giữ lửa những lò tinh luyện dầu nguyên chất, đậm tính dược liệu.

Chị Nguyễn Thị Kim Cúc nhận lá tràm, bổi, chuẩn bị cho công đoạn nấu dầu tràm

Anh Đỗ Văn Sáu (thôn Nam Trạch), một thợ nấu dầu tràm, bảo rằng, xưa kia, vùng đất ven các xã Lộc An, Lộc Bổn, Lộc Thủy, Lộc Tiến vốn là thủ phủ của các loại cây tràm, bổi. Chỉ cần đi khỏi nhà chừng vài trăm mét là có. Làng nghề nấu dầu tràm ven Quốc lộ 1A với đội quân cả trăm nhà vẫn không bứt hết các loại cây tràm, bổi này. Tháng tư tiết trời cuối xuân vào hạ, cây tràm, bổi lại sinh sôi. Sự hào phóng của núi rừng tuy chưa làm nên sự giàu có nhưng đã góp phần nuôi sống bao thế hệ bà con “làng tràm”. Giờ cây tràm, bổi đã đi xa, đất đai đã được phủ xanh cây gỗ nguyên liệu, kéo theo sự thăng trầm của nghề tinh luyện dầu.

Anh Sáu cho biết: “Mỗi ngày, hai vợ chồng đi dọc đường dây 500KV từ xã Lộc Sơn qua Lộc Bổn cũng kiếm chừng được 5 bao tràm, bổi  tươi, (mỗi bao 35kg) về nấu được một lò cho ra 350ml tinh dầu tràm, bán dầu nguyên chất với giá 400 nghìn đồng/chai. Vợ chồng mình làm chủ yếu người ta đặt mua ngay tại lò, khi dầu đang nóng, mình không trộn lẫn một chất gì cả”.

Gia đình anh Sáu thuộc thế hệ thứ 3 nấu dầu tràm. Nói như lời chị Nguyễn Thị Kim Cúc - vợ anh Sáu, khi bà về làm dâu “xứ tràm bổi” thì đã thấy bà ngoại mấy đứa nhỏ nấu rồi. Bởi vậy, bí quyết về cách nấu, mực nước trong lò, thời gian canh lửa,…cũng được gia đình những “nghệ nhân nông dân” truyền kinh nghiệm lại cho nhau. Mỗi lò dầu tràm là cả một “công trình” đượm giọt mồ hôi của người hái lá đến đôi bàn tay tài hoa canh ngọn lửa. Làm sao cho mẻ dầu ra lò thơm, đượm chất lược liệu.

Chị Cúc chia sẻ: “Nhận lá tràm, bổi vào chừng đầy một thùng phuy. Cứ 5 bao tràm thì 1 bao lá bổi. Mực nước trong lò đổ chừng 30 lít, nấu trong 5 tiếng đồng hồ. Bắt đầu tiếng thứ 2 trở đi là khoảng thời gian tinh luyện dầu. Nấu dầu tràm cũng như nấu rượu. Dầu cùng nước được đun sôi, bốc hơi chảy xuống ống dẫn, tràn qua một hệ thống can nhựa, dầu nhẹ sẽ nổi lên trên được “chiết” chưng cất vào chai”.

Các điểm nối của lò luyện dầu tràm cũng được bà con ở đây xử lý bằng cách trộn đất sét với cây chổi rèng giã mịn trét vào. Hỗn hợp này chịu được nhiệt độ cao nhưng kín hơi, giúp lò nấu chiết được tinh dầu. Vợ chồng anh Sáu tuy không phải là điểm cung cấp dầu tràm lớn trong xã Lộc An, nhưng là điểm tin cậy với dân thành phố. Anh Sáu kể: “Có hôm, người mua trên phố đánh cả ô tô về, họ điện đặt trước, tui chiết dầu rồi “giao” hàng ngay luôn. Làm thế thì chỉ “lấy công làm lãi” nhưng cái uy tín của mình lâu dài”.

“Thần dược” thôn quê

Tuy vùng nguyên liệu tràm, bổi cạn dần, nhưng ở Nam Trạch vẫn có một “đội quân” chuyên đi bứt lá tràm, bổi dọc đường dây 500KV hoặc có khi về tận Chân Mây, Bạch Mã, cung cấp cho những lò nấu dầu tràm ở trong xã. Thu nhập của những nông dân “ăn ngủ miệt rừng” chỉ lấy công làm lãi, nhưng đã góp phần hình thành nên một nguồn nguyên liệu phong phú, duy trì cho nghề tinh luyện dầu tràm của hàng chục chủ lò.

Với người dân miền Trung nói chung, ở xứ Huế nói riêng, ai trong đời lớn lên cũng một lần dùng đến dầu tràm - thứ “thần dược” thôn quê ở vùng đất lắm nắng gió. Người ta bảo, dầu tràm thường gắn với trẻ nhỏ và người già. Những đứa trẻ sinh ra nhiễm phong hàn, chướng bụng, những mẹ, chị nghĩ ngay đến chai dầu tràm. Dầu xoa lên gan bàn tay, bàn chân, pha loãng trong nước ấm cho trẻ tắm, giúp trẻ giấc ngủ vừa tròn. Phụ nữ sau khi sinh nở cũng dùng dầu tràm như một thứ “biệt dược” không thể thiếu.

Ở vùng thôn quê, những người già lớn tuổi, bao giờ trong chiếc áo bà ba kẹp bên nách đính “kim băng” cũng có chai dầu tràm phòng gió độc cho con cháu, cho bản thân mình. Hình ảnh chai dầu trong chiếc áo đã trở nên thân thuộc, trở thành thứ “văn hóa” đồng quê không lẫn vào đâu được. Dẫu bây giờ bao thứ dầu tân dược, nhập ngoại, với bà con thôn quê xứ Huế, dầu tràm vẫn là sự lựa chọn số một.

Ông Trương Thuần (thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy), một thợ tinh chế dầu tràm cho biết: “Bà con thôn quê Phú Lộc thường ngâm thêm ném vào dầu tràm bỏ trong chai đậy kín nhằm bảo quản dầu được lâu, không bốc hơi mà vẫn giữ được tính dược liệu. Mỗi gia đình ở đây đều có một chai dầu tràm ngâm ném trong nhà khi “hữu sự” mà dùng đến”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lộc có nhiều điểm tinh chế dầu tràm, chủ yếu nằm ven Quốc lộ 1A, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Để nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho làng nghề, HTX Dầu tràm Lộc Thủy đã được thành lập với 35 hội viên tham gia. Nhãn hiệu tập thể dầu tràm Lộc Thủy cũng được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận vào năm 2011.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đất cằn tỏa tinh hương

Được ví là nơi "khô cằn sỏi đá", người dân vùng gò đồi Phong Sơn - Phong Xuân - Phong Mỹ ở phía tây huyện Phong Điền từng bán tín bán nghi khi một doanh nhân đem hàng chục tỷ đồng về quê xây nhà máy sản xuất tinh dầu dược liệu. Và giờ họ đã tin, đã vui khi đón làn "gió đồng ngát hương" của mùi dược liệu.

Đất cằn tỏa tinh hương
Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

Từ ngày 28 - 30/11, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Bộ Y tế phối hợp với Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền - Bộ Y tế tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên truyền thông vận động và huy động xã hội về xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu
Cò về

“Người thương cò, cò đến. Cò quý người, cò về” - tôi đã đọc được câu ấy khi xem những thước phim rộn ràng tiếng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cò chíu chít gọi nhau bay về miền đất lành. Cò như bạn. Ở Thừa Thiên Huế, nhiều năm nay, môi trường sống cho các loài chim dần được cải thiện, lãnh đạo tỉnh cũng giữ “đất lành” bằng cách yêu cầu các địa phương ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán chim trời, động vật hoang dã nên đón được nhiều loài chim trời di trú, nhất là những vùng cây cối, sông nước và nguồn thức ăn dồi dào...

Cò về
Lựa chọn loài và sản phẩm dược liệu phù hợp điều kiện ở Nam Đông

"Lựa chọn loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Nam Đông" là chủ đề hội nghị được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND huyện Nam Đông, các đơn vị liên quan tổ chức tại huyện Nam Đông vào ngày 20/9. Hội nghị nhằm đề xuất những mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lựa chọn loài và sản phẩm dược liệu phù hợp điều kiện ở Nam Đông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top