ClockThứ Năm, 26/10/2017 13:26
DẠY NGHỀ NGOÀI CÔNG LẬP:

“Đuối sức” khi không có học viên

TTH - Tuyển sinh vốn đã khó, ngay các trường có nghề trọng điểm vẫn đìu hiu, nên đào tạo nghề ngoài công lập do các tổ chức, cá nhân bỏ tiền túi ra “chết yểu” nằm trong dự đoán.

Đào tạo nghề ở Trường trung cấp Âu Lạc

Thiếu vốn đầu tư

Khoảng 5 năm trở về trước, đào tạo nghề ngoài công lập phát triển rầm rộ. Toàn tỉnh có trên 20 cơ sở có quy mô và 120 cơ sở do các doanh nghiệp, cá nhân thành lập phục vụ nhu cầu sản xuất. Hiện tại, chỉ còn 7 cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập hoạt động, trong đó, có đơn vị duy trì theo kiểu cầm chừng. Anh Nguyễn Văn Hùng, phường Phú Hội (TP. Huế) cho rằng: “Tôi muốn học nghề theo kiểu kèm nghề, nhưng không tài nào mê nổi các cơ sở khi máy móc lạc hậu, nhà xưởng nhếch nhác, chương trình giảng dạy thiếu hấp dẫn. Thời đại công nghệ mà các doanh nghiệp không đầu tư máy móc thì khó phát triển được’’.

Thiếu mặt bằng nhà xưởng đạt chuẩn, danh mục nghề nghèo nàn hay tâm lý lao động không muốn học nghề dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở dạy nghề nghiệp ngoài công lập bỏ cuộc. Vốn bỏ ra nhiều mà thu hồi nhỏ giọt nên không ít doanh nghiệp nợ chồng, nợ chất buộc phải đóng cửa. Thế nên, nhiều cơ sở muốn chọn cách an toàn, chỉ đào tạo những ngành nghề mà đơn vị có, đào tạo rập khuôn những ngành nghề phổ thông, ít tốn chi phí đầu tư. Còn các nghề thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, cơ khí... rất ít được đầu tư. Nếu có thì cũng chia thành từng hạng mục nhỏ mà rốt cuộc chẳng đến đầu đến đũa.

Nhà xưởng, nơi để học viên thực hành là điều xa xỉ. Thậm chí, mặt bằng nhà xưởng nhỏ, không đủ diện tích để lắp đặt thiết bị và bố trí đủ vị trí thực hành cho học viên. Khó khăn hơn khi nhiều nơi còn chưa có cơ sở riêng, phải thuê phòng học, phòng làm việc. Chị Nguyễn Thị Hồng, Quản lý cơ sở dạy nghề Hy Vọng cho biết: “Cơ sở chỉ trang bị máy một kim để dạy may công nghiệp, thực tế là phải có loại máy chuyên dùng tầm vài chục triệu đồng. Chúng tôi chỉ sắm được thời gian đầu rồi dùng năm nay sang tháng nọ, chứ tiền đâu mà thay mới. Hơn nữa, nhu cầu học nghề của người lao động cũng cầm chừng”.

Khó giữ giáo viên giỏi

Cái khó của không ít cơ sở là chất lượng giáo viên dạy nghề không cao. Lương giáo viên không hấp dẫn, nhiều người có tâm lý muốn làm ở các cơ sở Nhà nước để ổn định nên dạy nghề ngoài công lập gặp khó khi thu hút người có tay nghề giỏi. Hiện, nhiều cơ sở dạy nghề ngoài công lập khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng; bổ sung thêm nguồn giáo viên là các cán bộ, chuyên gia kỹ thuật từ công ty. Ngoài ra, các đơn vị  có chế độ đãi ngộ cao hơn để thu hút giáo viên đảm bảo đáp ứng theo quy mô đào tạo hiện tại.

Chất lượng và ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Mức học phí thấp, doanh nghiệp hỗ trợ hạn chế nên các các cơ sở đào tạo nghề phải chật vật xoay sở ghép lớp, ghép nhóm, vật tư dành cho thực tập tay nghề bị cắt giảm... ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, Hiệu phó Trường trung cấp Âu Lạc cho hay: “Tuyển sinh gặp khó khăn nên chỉ tiêu tuyển học viên không đạt. Mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư khá hiện đại, ngành nghề phong phú nhưng ít người đăng ký nên chúng tôi đành phải tuyển gọn lại những ngành mà thị trường lao động đang cần”.

Các đơn vị đào tạo nghề ngoài công lập được hưởng một số chính sách ưu đãi theo quy định, nhưng thực tế, thủ tục rất rườm rà. Việc cấp quyền sử dụng đất cho các cơ sở ngoài công lập để xây dựng các trường nghề lại rất khó khăn. Nhiều chính sách, cơ chế (như cho vay tín dụng, hỗ trợ ban đầu) ban hành chậm làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực dạy nghề. Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, các cơ sở đào tạo nghề công lập nhưng hoạt động không hiệu quả, không có học viên đến học thì cũng phải sáp nhập với cơ sở dạy nghề khác. Cần có cơ chế khuyến khích liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp đào tạo nghề. Đặc biệt, các ưu đãi về thuế, tín dụng nên đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp...”.

Muốn xã hội hóa công tác dạy nghề cần phải cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước, chính sách huy động vốn… cũng phải đổi mới. Nhất là, cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia mở trường, mở lớp dạy nghề; có chính sách hỗ trợ để nâng cao năng lực cho hệ thống đào tạo nghề.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Phá vỡ rào cản với các kỹ thuật can thiệp tiên tiến

Chiều 15/3, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thực hiện 4 ca can thiệp tim mạch khó sử dụng các phương tiện công nghệ cao, trong đó 2 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được Công ty Boston Scientific hỗ trợ các dụng cụ và phương tiện hiện đại trị giá hàng chục triệu đồng.

​Phá vỡ rào cản với các kỹ thuật can thiệp tiên tiến
Tiếp nhận 2 máy CPAP hỗ trợ điều trị ngưng thở khi ngủ

Ngày 9/11, Bệnh viện TW Huế cho biết vừa tiếp nhận 2 máy CPAP hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý ngưng thở khi ngủ. Hoạt động nằm trong khóa đào tạo "Bệnh lý giấc ngủ nâng cao" do đơn vị này phối hợp cùng Hội Hô hấp Pháp Việt, Hội Bệnh lý giấc ngủ Việt Nam, Liên chi hội Y học Giấc ngủ miền Trung tổ chức.

Tiếp nhận 2 máy CPAP hỗ trợ điều trị ngưng thở khi ngủ
Mùa tuyển sinh 2023: Cân nhắc chọn nghề

Một vài năm trở lại đây, các ngành liên quan tới lĩnh vực khoa học công nghệ đang được nhiều thí sinh lựa chọn hơn so với các ngành học khác. Dù nhu cầu thị trường là một trong những yếu tố tác động lớn đến việc chọn ngành của các thí sinh, song theo các chuyên gia thí sinh cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố khác.

Mùa tuyển sinh 2023 Cân nhắc chọn nghề
Dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà đã và đang làm tốt nhiệm vụ dạy nghề, liên kết đào tạo và giáo dục thường xuyên.

Dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

TIN MỚI

Return to top