ClockThứ Năm, 03/03/2016 17:29

Facebook, đừng để “nghiện” mới cai

TTH - Bạn bè tôi lâu lâu hẹn gặp nhau một lần nhưng khi chọn quán cà phê, nhất thiết phải là địa điểm có wifi để vào facebook.

“Nghiện” từ lúc nào

Đến quán cà phê, cứ mười lần như chục, sau khi nói vài câu mở đầu, ai cũng lôi điện thoại ra để bấm. Không khí các buổi gặp mặt trong nhóm dần trở nên thiếu thân mật, mọi người nói chuyện với nhau nhưng mắt dán vào điện thoại. Người nhắn tin, kẻ chơi ứng dụng, có đứa gặp mặt chỉ để “kiếm” một hình ảnh đăng facebook...

Bạn bè tôi lâu lâu hẹn gặp nhau một lần nhưng khi chọn quán cà phê, nhất thiết phải là địa điểm có wifi để vào facebook

Hiện nay, chi phí để mua một chiếc điện thoại khá rẻ. Chỉ mất hơn một triệu đồng, đã có thể sắm một chiếc smartphone, tích hợp nhiều ứng dụng trong đó có facebook. Vì lẽ đó, những học sinh ở bậc trung học cơ sở chỉ cần dành dụm tiền mừng tuổi sau một cái Tết đã có thể đạt được mong ước. Vương Cao, một người bạn của tôi “lên giọng”: “Cứ đi nhiều quán cà phê mà để ý, từ nhỏ đến lớn ai không ngồi bấm điện thoại để vào facebook. Nhất là mấy đứa cấp 2, tụi nó sành lắm”.

Tìm hiểu về vấn đề này, tôi bắt đầu làm quen, kết bạn với những người chơi nhỏ tuổi, phổ biến ở bậc trung học cơ sở. Qua theo dõi, thời gian các em lên facebook khá nhiều, những vấn đề một số em đăng, chia sẻ ít liên quan đến việc học, thậm chí có em còn nhắc nhiều đến chuyện tình cảm,… Đặt câu hỏi ba mẹ có cấm các em chơi facebook không, nhiều em thản nhiên trả lời: “Ba mẹ có biết mô mà cấm”, hoặc “em lớn rồi, họ cấm làm gì”.

Ngồi trò chuyện với những phụ huynh có con chơi facebook, nhất là những ông bố bà mẹ ở vùng nông thôn. Họ thừa nhận những câu nói trên có phần đúng sự thật. Chị N.T.T, người dân ở xã Thủy Thanh (Hương Thủy) cho rằng, cuộc sống lao động vất vả, nên thời gian dạy con cũng ít khi đảm bảo. Vấn đề chị hay nhắc nhở con là cố gắng học hành. “Tui không rành về điện thoại, không biết facebook là răng nên có nghe người ta nói cũng về dặn con hạn chế chơi facebook để tập trung cho việc học thôi”, chị T. nói.

“Cai nghiện” không dễ

 H.T.T.L, sinh viên một trường cao đẳng ở Huế chia sẻ: “Về phòng trọ không biết làm chi cũng phải vào facebook để nói chuyện với bạn bè. Chừ đã thành thói quen rồi, muốn bỏ cũng khó. Nhưng sinh viên thì còn ý thức được không chơi khi học, chứ bọn trẻ còn “nghiện” nhiều nữa”.

Bà Thiều Thị Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt (Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường đại học Sư phạm – ĐH Huế), cho rằng, facebook là loại hình giải trí được nhiều lứa tuổi yêu thích. Thực tế, facebook có nhiều tác dụng như giúp con người thư giãn, giải tỏa những căng thẳng, áp lực học tập, công việc;  giúp liên kết bạn bè,…Người chơi facebook nếu biết cách sử dụng thì đó là công cụ hỗ trợ họ rất tốt về cả công việc, học tập lẫn tinh thần.

Khi đam mê facebook đạt đến độ “nghiện”, những tác hại do mạng xã hội này gây ra ảnh hưởng nhiều người, không chỉ bản thân người chơi. Với lứa tuổi còn đi học, facebook làm mất thời gian, sức khỏe (ảnh hưởng các bệnh về mắt, xương khớp,…), tốn tiền bạc. Những gia đình có con “nghiện” facebook hay xảy ra không khí căng thẳng bất hòa, cha mẹ đổ lỗi cho nhau,… Bà Hường nhấn mạnh, lứa tuổi trung học cơ sở là đối tượng có nguy cơ dễ bị “nghiện” facebook nhất. Do các đặc điểm phát triển về tâm sinh lý nên đây là nhóm đối tượng muốn tự khẳng định mình, thích tách rời cha mẹ; nghe lời bạn bè nhiều hơn là cha mẹ, thầy cô. “Những người bạn thẳng thắn chỉ ra cái sai các em cũng không thích, chỉ thích nói ngọt, rủ rê chơi bời. Bản thân nhiều em cũng chưa đủ khả năng để nhận thức cái tốt cái xấu nên dễ sa đà vào những hoạt động không tốt, trong đó có cả “nghiện” facebook”, bà Hường giải thích.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “nghiện” facebook, ngoài bản thân người chơi thì gia đình và xã hội cũng là “lý do” tác động khiến các em chơi nhiều hoặc giúp bỏ bớt. Theo các chuyên gia tư vấn về tâm lý, ở khu vực thành phố, do điều kiện đầy đủ, có phương tiện, không gian nhà rộng mỗi người một phòng, bên cạnh đó bố mẹ thường xuyên đi công tác, cách sống ở thành phố theo kiểu “nhà ai nấy biết” là một nguyên nhân khó quản lý con cái. Tại vùng nông thôn, một số bậc phụ huynh còn hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nên con “nghiện” facebook mà cha mẹ khó kiểm soát. Ngoài ra, môi trường bạn bè rủ rê, chơi để chứng tỏ mình cũng là điều kiện đẩy các em đến mức độ “nghiện” nếu từng học sinh không tự kiểm soát được bản thân mình.

Bà Hường đánh giá, khi đã “nghiện” thì rất khó “cai”, nhất là độ tuổi trung học cơ sở và giai đoạn đầu của trung học phổ thông. Vai trò của gia đình để đưa con trở lại cuộc sống bình thường hết sức khó khăn. Có người phải bỏ công việc, thời gian để giám sát con, tâm sự cùng con như một người bạn nhưng không để con có cảm giác bị giam lỏng.

Giải pháp được các chuyên gia tâm lý khuyến cáo là nên có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc kiểm soát con em mình. Đồng thời, bản thân từng người chơi facebook phải có khả năng tự nhận thức, không để đam mê đến mức “nghiện”.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện

Ngày 11/4, cơ quan chức năng huyện Quảng Điền phát đi thông tin cảnh báo: Có một số kẻ xấu lập giả các trang mạng xã hội (MXH) tương tự các trang đã có từ lâu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện để kêu gọi từ thiện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện
Thông tin doanh nghiệp
Tăng mắt livestream facebook giá rẻ và chất lượng tại Vnfame

Bạn có muốn biến mỗi buổi livestream của mình thành một sự kiện đặc biệt, thu hút hàng nghìn ánh nhìn và tạo ra cơ hội không ngờ? Cùng Chúng tôi khám phá bí quyết tăng mắt Livestream Facebook giá rẻ và chất lượng. Đằng sau mỗi con số là sức mạnh, đằng sau mỗi mắt là một cơ hội mới. Hãy đặt chân đến thế giới đầy màu sắc của livestream và hãy để chúng tôi chỉ dẫn bạn đến sự thành công, ngay tại đây!

Tăng mắt livestream facebook giá rẻ và chất lượng tại Vnfame
Án phạt nặng cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền

Ngày 23/6, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với Lê Thanh Phụng (SN 2003) và Hồ Xuân Quốc Việt (SN 1997, cùng trú tại phường 3, TX. Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Án phạt nặng cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền

TIN MỚI

Return to top