Thể thao

Gặp lại Lê Văn Trương

ClockChủ Nhật, 04/06/2017 06:50
TTH - 15 năm với bao sóng gió đối với một cầu thủ sớm nổi tiếng và sau đó là tai tiếng. Lê Văn Trương bây giờ đã khác…

Lê Văn Trương (ngoài cùng bên trái) đã chững chạc hơn sau lần vấp ngã

Tình cờ gặp lại cựu tuyển thủ quốc gia Lê Văn Trương trong quán cà phê sáng cuối tuần. Sau cái bắt tay, Trương hỏi: “Anh còn giận em không?”. Vậy là Trương vẫn nhớ câu chuyện cách đây đã gần 15 năm, sau khi từ SEA Games 22 trở về, chúng tôi đã có một cuộc hẹn phỏng vấn nhưng sau đó Trương đã không đến mà điện thoại thì không liên lạc được.

Những ngày tháng đẹp

Mùa bóng năm 2001, HLV Đoàn Phùng đã đưa 3 cầu thủ trẻ từ tuyến U21 lên chơi ở đội tuyển Thừa Thiên Huế, là Lê Văn Trương, Nguyễn Cảnh Lâm, Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn. Trong 3 cầu thủ này thì Lê Văn Trương đã sớm nổi bật trong vai trò một hậu vệ cánh trái. Những pha lên bóng với tốc độ cao, những cú tạt có điểm rơi và đặc biệt là lối chơi lăn xả nhưng không bạo lực của Lê Văn Trương đã lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên đội tuyển U23 Việt Nam.

Rồi cái tên Lê Văn Trương đã là niềm vui, niềm tự hào của bóng đá Cố đô khi anh được lên tuyển U23 quốc gia, trở thành hậu vệ cánh trái không thể thay thế trong màu áo đội tuyển. Còn nhớ trước thềm SEA Games 22 năm 2003, khi ghé nhà Lê Văn Trương, một ngôi nhà nhỏ ở xã Hương An (Hương Trà), ông Lê Văn Tuấn bố của Trương vừa tự hào nhưng cũng vừa lo lắng cho đứa con trai thứ của mình: “Nó từ nhỏ ít nói, thích chi thì làm nấy. Đi chăn trâu mà mê đá banh quá nên để trâu ăn lúa nhà người ta. Chỉ mong con nó đi đó đi đây sẽ được lớn khôn để vừa đá banh giỏi vừa là một người tốt!”.

Lê Văn Trương là một cầu thủ giỏi ở vị trí của mình và làm nhiều người yêu bóng đá liên tưởng đến một danh thủ khác của Huế là Lê Đức Anh Tuấn. Nếu như lối chơi của Lê Đức Anh Tuấn thiên về kỹ thuật cá nhân, mềm mại nhưng dứt khoát thì Lê Văn Trương lại là một hậu vệ của tốc độ và thể lực. Bây giờ nhớ lại, niềm vui vẫn còn lấp lánh trong mắt của anh: “Trận đấu mà em nhớ nhất chính là trận khai mạc SEA Games 22 tại sân Mỹ Đình. Sân mới khánh thành, khán giả ngồi kín các khán đài. Bước ra sân thi đấu cứ ngỡ như mơ. Mỗi lần bóng chạm chân, nghe tiếng cổ vũ ào ào chung quanh, em chẳng thấy áp lực mà càng sung hơn. Trận đó hòa Thái Lan 1-1 cũng hơi tiếc cho đội mình!”.

“Có lẽ số phận của em với trái bóng tròn, với sân cỏ nó không trọn vẹn…”, bất ngờ Trương “chốt hạ” câu chuyện về một thời để nhớ.

Chỉ còn là tiếc nuối

SEA Games 22 trên sân Mỹ Đình là những ngày tháng tươi đẹp nhất trong sự nghiệp bóng đá của cựu tuyển thủ quốc gia Lê Văn Trương. Những năm sau đó, Lê Văn Trương là cái tên dính vào vụ dàn xếp tỷ số cùng nhóm cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 23. Sau những ngày tháng buồn, Lê Văn Trương được ông bầu Đoàn Nguyên Đức đưa về Hoàng Anh Gia Lai rồi lại được gọi vào đội tuyển quốc gia. Nhưng những nỗ lực trên sân cỏ vẫn không thể giúp Trương lấy lại được hình ảnh của một hậu vệ trẻ lên công về thủ được nhiều người yêu mến ngày nào…

Bây giờ khi đã xa nghiệp cầu thủ, Lê Văn Trương mới biết rằng mình đã phung phí tài năng và tuổi trẻ chỉ vì thiếu hiểu biết. “Em mới chỉ học lớp 9 rồi bỏ ngang để dồn tâm sức cho bóng đá. Chính vì học hành dang dở nên nhận thức của em nông cạn, học đòi những thói xấu của cuộc đời. Bây giờ có hối hận thì đã muộn rồi. Bóng đá đã cho em rất nhiều niềm vui nhưng cũng chính vì thành công quá sớm trên sân cỏ nên em đã mất quá nhiều điều trong cuộc sống!”, Trương tâm sự.

Từ giã sân cỏ năm 2013 sau chấn thương đứt dây chằng khi đang khoác áo CLB Cần Thơ, Lê Văn Trương trở về quê hương cùng mong muốn được tiếp tục gắn bó với sân cỏ trong vai trò của một huấn luyện viên. Thế nhưng, hồ sơ xin được học lớp HLV bằng C của Liên đoàn Bóng đá châu Á của Trương không được chấp nhận. Tình yêu sân cỏ của cựu tuyển thủ quốc gia này đành phải gác lại. Là người cha của 3 đứa con, Lê Văn Trương đã xoay xở nhiều công việc để cùng vợ nuôi con. Mở quán nhậu thất bại, xin đi làm thì ở đâu cũng đòi hỏi ít nhất phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. May mắn đến với Lê Văn Trương cách đây khoảng 3 tháng, khi một công ty âm thanh ánh sáng ở Huế nhận anh vào làm công nhân.

Trương tâm sự: “Công việc bây giờ của em tương đối ổn định, thu nhập cũng khá, lại có nhiều niềm vui. Hạnh phúc lớn nhất của em là có một người vợ tốt, luôn sát cánh cùng em những lúc khó khăn nhất… Cô ấy đã kéo em về với cuộc sống bình dị này”.

Khoảng một tháng nữa Lê Văn Trương có thêm niềm vui khi đảm nhận vai trò HLV trưởng, dạy các học sinh đá bóng ở: “Trại hè bóng đá - chắp cánh ước mơ” tại sân cỏ nhân tạo Xuân Phú. “Tham gia lớp học này vừa đỡ nhớ sân cỏ, vừa muốn truyền lại các em các kỹ thuật đá bóng, đồng thời để nói với các cầu thủ nhí rằng, muốn trở thành cầu thủ giỏi thì phải học hành đàng hoàng. Đừng để bị vấp ngã vì thiếu kiến thức như em ngày nào”, Trương chia sẻ.

 Phi Tân 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ đến... dài cổ!

Cùng với CLB Huế đang thi đấu ở Giải hạng Nhất Quốc gia, CLB Thể Công - Viettel ở sân chơi V. League nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Cố đô, bởi ở đội bóng này có bộ đôi cầu thủ gốc Thừa Thiên Huế là Hữu Thắng và Danh Trung.

Chờ đến  dài cổ
Return to top