ClockChủ Nhật, 31/07/2016 06:28

Ga xép & tôi

TTH - Nghe tin chuyến tàu chợ Huế - Đồng Hới hàng ngày bây giờ bị cắt giảm chỉ còn 3 ngày trong tuần, rồi có người còn nói thêm biết đâu đến lúc kinh doanh khó khăn người ta cho ngừng luôn chuyến tàu này, buồn như mình vừa bị mất cái gì quý lắm… Suốt mấy ngày tôi hụt hẫng đến nghẹn.

Chuyến tàu chợ đi và dừng ở những ga xép mà tôi vẫn thường đi. Cái tên “tàu chợ” nghe thân thuộc quá. Đó là hoài niệm, là kí ức tuổi thơ, nói đúng hơn nữa là chuyến tàu mà mấy chục năm trước đã mang đến cho vùng quê hẻo lánh của tôi thứ ánh sáng và mùi hương phố thị - những mơ ước xa xôi cho những trái tim non nớt thơ ngây.

Nhà tôi ở bên kia đồi, cách ga Thượng Lâm hơn cây số. Ngôi làng nhỏ đất đai cằn cổi heo hút. Tôi thường hỏi ngoại bên kia đồi là Hà Nội hở ông? Làm sao con qua được bên ấy?  Lúc đó ngọn đồi cao mấy trăm mét sao hùng vĩ thế. Lũ nhóc chúng tôi thường kéo nhau ra đường tàu. Đường ray hun hút, chúng tôi cứ ngửa cổ mà hít mùi gió rừng mênh mông, trời cao xanh ngắt. Cho trâu ăn cỏ dọc đường tàu, chui vào một lùm cây ngủ thiếp với những giấc mơ tận trời. 

Những năm chiến tranh ác liệt, nhiều ngôi nhà gỗ trắc, gỗ lim phải dỡ làm hầm, làm cầu. Đường tàu như cái xương sống cũng bị gỡ đi từng thanh tà vẹt làm trụ cầu cho xe vô nam. Chiến tranh kết thúc, làng tôi vẫn nghèo, hun hút gió và nắng. Rồi bộ đội, công nhân về làm lại đường tàu. Xóm làng như bừng tỉnh khi chuyến tàu Bắc Nam kéo còi trên đất quê tôi.

Người ta mặc quần áo mới, kéo nhau ra ga như ngày hội. Đoàn tàu xé màn sương, tiếng còi vọng đến những ngôi làng dưới chân núi. Chợ xép mọc lên cạnh sân ga. Ban đầu là vài chiếc xe chở cá từ chợ huyện về. Những thùng cá tươi kho vội mà mùi của biển lan khắp xóm núi. Người làng có chục trứng, mớ rau xanh, người bên kia đồi gánh theo buồng chuối vườn, măng tươi mới cắt. Những búp măng thon như bắp chân thôn nữ. Mùa nào thức ấy, nào sim tím ngọt, dâu ửng màu má hồng, hạt muồng chín đen, hạt dẻ vàng nâu màu mắt…

Ai bận cách chi cũng vài hôm ghé chợ. Để chào hỏi người làng trên xóm dưới, để đợi tiếng còi chuyến tàu chợ mỗi sáng lúc 10 giờ. Tôi không thể quên được cái cảm giác sung sướng khi đươc đặt chân lên bậc cửa toa tàu. Nó lắc lư, rùng rùng, ken két rồi trôi đi rộn rã. Gió ngất ngây trên tóc, trên má. Những khúc quanh xanh màu cây lá, những thửa ruộng bậc thang lục vàng chấp chới. Và hoa dại, cơ man là hoa dại... Đi bắc về nam chẳng thể nào có được cái cảm giác thân thương như khi ngồi trên tàu chợ về quê. Lơ mơ nắng gió qua hết đồi thông bất ngờ hiện ra một ga xép nhỏ nép mình bên sườn dồi đầy hoa dại. Xa xa giữa màu khói đốt đồng là lũ trẻ với bầy trâu no cành hò hét vẫy tay theo tiếng còi tàu...

Người làng tôi buồn và lo lắng khi tàu giảm chuyến. Ngày có tàu, quãng đường ra ga vài cây số là có thể ra bắc vô nam, không thì phải đi gần 20 cây số để ra đường Quốc lộ, bồng bế nhau trên xe khách 40 cây số mới  đến ga lớn đón tàu tốc hành. Người ta nhớ những chuyến tàu chợ mở tung cửa gió rúc còi mỗi 10 giờ sáng và 3 giờ chiều đón đưa. Sẽ không còn những gói bánh lá chùm trái cây, những tíu tít mời chào nơi ga xép...

Bạn tôi nói biết làm sao đươc vì bây giờ ngành nào kinh doanh cũng, phải tính chuyện lãi lời hơn thiệt. Ước một câu chuyện đẹp như cổ tích ở nước Nhật rằng một chuyến tàu suốt ba năm vẫn đi về vùng quê hẻo lánh chỉ để đón đưa một đứa trẻ đến trường. Suốt ba năm cho đến buổi học cuối cùng của bé...

Rồi tất cả sẽ trở thành chuyện kể. Sẽ là hồi ức, sẽ đi vào lãng quên. 

Và ga xép của tôi vẫn nép mình bên ngôi làng heo hút dưới chân ngọn đồi xinh. Nó vẫn ở đó. Lặng lẽ như một tình yêu chờ đợi.

BẠCH DIỆP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top