ClockChủ Nhật, 14/02/2016 16:27

Gạch hoa "hand made”

TTH - Từ những vật liệu quen thuộc, qua bàn tay tài hoa của những người thợ xứ Huế, những viên gạch hoa được làm hoàn toàn thủ công không chỉ đa dạng về màu sắc với hoa văn trang trí tuyệt đẹp mà còn tạo ấn tượng bởi vẻ sang trọng, tinh tế đầy tính nghệ thuật.

 

Được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19, gạch hoa từng “làm mưa làm gió” trong một thời gian dài. Tại Huế, các công trình kiến trúc người Pháp xây dựng trước đó và nhiều công trình công cộng được xây dựng trong thập niên 80-90 đều có sự hiện diện của gạch hoa như một dấu ấn đặc trưng, với hoa văn đối xứng kinh điển. Trải bao thăng trầm, giờ đây, Huế chỉ còn duy nhất một cơ sở sản xuất loại gạch này. Tại đây, sản phẩm làm ra không chỉ dùng để phục chế các công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Giữ nghề vì đam mê

Thời hoàng kim (giai đoạn 1988-1995), Huế có hàng chục cơ sở sản xuất gạch hoa, cung cấp số lượng lớn sản phẩm cho thị trường cả nước. Cơ sở sản xuất gạch hoa Vĩnh Phú (tên trước đây) cũng ra đời trong thời điểm gạch hoa được xem như “nữ hoàng” trong vật liệu trang trí, Giám đốc DNTN Tân Vĩnh Phú, bà Phạm Thị Hằng kể.

Nói về lý do “khai sinh” doanh nghiệp (DN), bà Hằng nhớ lại: Là người gốc Huế nhưng gia đình sinh sống tại Đà Nẵng và làm nghề này từ năm 1967. Đến 1988, hai vợ chồng quyết định “ra riêng” để có thể thỏa sức sáng tạo nhiều sản phẩm, mẫu mã mới lạ “made in Vĩnh Phú” tại Huế. Ra đời trong giai đoạn cực thịnh nên rất nhiều công trình trường học, bệnh viện, khách sạn... thời đó đều dùng sản phẩm gạch hoa Vĩnh Phú của chúng tôi, bà Hằng tự hào nói. Do sản xuất gần như hoàn toàn thủ công nên loại gạch lát nền này rất bền và thân thiện với môi trường.

Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Sau thập niên 90, khi gạch nung và gạch men ceramic bắt đầu “lên ngôi”, trên thị trường, gạch hoa gần như vắng bóng. Lao đao vì “thượng đế” “quay lưng”, nhưng chủ cơ sở gạch hoa Vĩnh Phú vẫn quyết “giữ” nghề. “Có thời điểm khó khăn đến mức gạch làm ra không thể tiêu thụ nhưng chúng tôi vẫn duy trì công việc. Làm vì đam mê với nghề và vì tôi luôn tin rằng, rồi có ngày gạch hoa sẽ “sống” lại. Làm còn để giữ chân thợ- những “nghệ nhân” sản xuất gạch hoa khá hiếm hoi ở Huế. Vì nếu không giữ chân họ, gạch hoa chỉ còn là sản phẩm “vang bóng một thời” của chúng tôi, ông Lê Văn Quang- chồng bà Hằng chia sẻ.

Khó lại càng khó khi nhiều lần DN tưởng như phải “đóng cửa” vì “tai nạn nghề nghiệp”. Bà Hằng nhớ lại: Lần đó, một khách sạn lớn ở Huế yêu cầu cung cấp gạch để lót nền. Hoa văn đơn giản nhưng sử dụng màu đen là chủ đạo. Chúng tôi háo hức thử nghiệm màu mới nhưng kết quả, lô hàng đó bị lem màu nên phải đền gần 10 cây vàng. Nguyên nhân cũng vì lần đầu đưa màu đen vào ứng dụng nên chưa có kinh nghiệm. Một lần khác, vì sử dụng xi măng “nóng” (mới sản xuất) để làm gạch, sau một đêm, hàng ngàn sản phẩm mới “ra lò” viên thì cong, vênh như những cái đĩa; tấm thì gãy, vỡ phải đem đổ bỏ. Số gạch hư hỏng nhiều đến mức lấp đầy cả 2 hồ... Sau những thất bại, chúng tôi đã tìm cách khắc phục để nâng chất lượng gạch hoa lên một tầm mới.

Đưa gạch hoa thành hàng hiệu

Đang tỉ mẩn ngồi cắt, ghép từng tấm đồng lên khuôn gạch được vẽ sẵn hoa văn để làm rập, anh Lê Tuấn Hải, kỹ thuật viên của Tân Vĩnh Phú cho hay: “Làm rập trước khi ghép vào thép là công đoạn phức tạp và mất thời gian nhất (thường từ 2-3 ngày). Hoa văn càng cầu kỳ, rập càng phức tạp”. Để có một viên gạch hoa đẹp, sắc sảo, ngoài tay nghề cao, nắm vững kỹ thuật, người thợ còn phải có bí quyết riêng mới “cho ra lò” viên gạch đạt chuẩn. Thế nên, tuy cùng một mẫu hoa văn, nhưng mỗi viên gạch đều có nét riêng thể hiện sự tài hoa của người làm ra sản phẩm. Dù đứng độc lập hay được ghép lại với nhau, những viên gạch hoa trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Để nâng tầm cho gạch hoa “hand-made” (hàng thủ công), ngoài cải tiến mẫu mã để phù hợp thị hiếu khách hàng chất lượng cũng được doanh nghiệp chú trọng. Từ việc thay đổi nguyên liệu (nhập màu cao cấp từ Nhật, Hàn Quốc) đến sử dụng máy ép gạch thay thế sức người (trước đó phải ép bằng tay) để gạch có độ bền cao hơn...

Sau gần 30 năm hoạt động, đến nay, “gia tài” của họ là những người thợ đã gắn bó từ những ngày mới thành lập và hàng ngàn mẫu hoa văn. Trong đó, có những mẫu cách đây hàng trăm năm. “Điều tự hào hơn cả, những mẫu hoa văn này được sử dụng để làm gạch phục vụ cho việc phục chế các công trình trong quần thể kiến trúc cung đình ở Đại Nội, cung Diên Thọ, Tả Vu, Trường Lang... nhiều năm qua”, Giám đốc DNTN Tân Vĩnh Phú không giấu niềm vui.

Với tính năng thẩm mỹ, cũng như sự độc đáo về chất lượng, 3 năm trở lại đây, gạch hoa sống lại và trở thành sản phẩm “hot” của thị trường vật liệu xây dựng “xanh”. Từ các nhà hàng, khách sạn, resort đến các quán cà phê, nhà ở tìm đến đặt hàng, mua các sản phẩm gạch hoa Tân Vĩnh Phú.

Không chỉ phục vụ việc phục chế, cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm gạch hoa Tân Vĩnh Phú đã được Công ty M&A Trading Production Co LTD (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) bao tiêu để xuất khẩu sang thị trường Úc, Đức... Bình quân mỗi tháng xuất từ 4-6 xe có tải trọng 10 tấn. “Hiện nay, tuy chỉ chiếm thị phần nhỏ nhưng gạch hoa “made in Hue” lại có một vị thế riêng trên thị trường đang ngày càng rộng mở”, bà Phạm Thị Hằng tự hào.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top