ClockThứ Ba, 06/08/2019 06:30
QUY HOẠCH TUYẾN ĐƯỜNG ĐẸP NHẤT CỐ ĐÔ:

Gắn bảo tồn và phát triển – kỳ 1: Kết nối với hệ thống công viên ven sông Hương

TTH - Giữ gìn và phát huy giá trị kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị hiện đại, có bản sắc, đảm bảo khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các khu vực lân cận; việc lập đồ án thiết kế đô thị trục đường Lê Lợi cần chú trọng giải pháp kiểm soát về không gian cảnh quan, kiến trúc.

Xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật trên đường Lê Lợi từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền"Sáng đèn" cho “phố” du lịch Lê Lợi

Việc quy hoạch đường Lê Lợi cần chú trọng giải pháp kiểm soát về không gian cảnh quan và kiến trúc các công trình

Nằm ở phía Nam sông Hương, với nhiều công trình có giá trị lịch sử: Trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh... gắn liền hệ thống công viên ven sông Hương, đường Lê Lợi là trục chuyển tiếp và tạo khoảng lùi hợp lý giữa sông Hương và đô thị Huế.

Vị thế đắc địa

Đường Lê Lợi có từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc lập các trại thủy sư nhà Nguyễn đóng ở bờ Nam sông Hương. Từ 1943 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Jules Ferry (Rue Jules Ferry), dân gian gọi là đường Thủy Sư. Giữa năm 1943, cắt đoạn từ cầu Trường Tiền đến Đập Đá đặt tên đường là Graffeuil (Rue Gaffeuil), đoạn còn lại vẫn mang tên Jules Ferry. Năm 1956, hai đoạn gộp làm một đặt tên là đường Lê Thái Tổ; sau năm 1965, đổi thành đường Lê Lợi cho đến ngày nay. Còn trong dân gian thì nhiều người vẫn quen gọi là đường Tòa Khâm. Đây là tuyến đường có vị thế đẹp nhất của TP. Huế, với gần 60 cây cổ thụ xưa còn lại.

Dạo bộ trên tuyến đường Lê Lợi sẽ cảm nhận được sự quyến rũ bởi không gian cây xanh, sự tĩnh tại của mặt nước sông Hương, sự thoáng đãng từ không gian công viên mở.

Việc quy hoạch đường Lê Lợi cần được tính toán kỹ

Tuyến đường Lê Lợi dài khoảng 2,5km, điểm đầu từ Đập Đá đến Ga Huế (từ bờ sông Hương vào đến đường Trương Định), với diện tích khoảng 38,5ha. Quy mô mặt cắt ngang đường từ 17,5 - 20m, trong đó mặt đường rộng 10m, vỉa hè rộng 2,5 - 5m tùy đoạn. Công trình dọc tuyến từ cầu Ga qua sông An Cựu dài 42m, rộng 19,5m. Ga Huế có diện tích khoảng 3.800m2. Đây là phạm vi nghiên cứu quy hoạch và đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi...

Một lần, cùng người bạn ở nước ngoài vừa về thăm quê, thả bộ trên đường Lê Lợi  từ Đập Đá lên đến Ga Huế, bạn tấm tắc: “Thiên nhiên đã ban tặng cho Huế sông Hương giữa lòng thành phố, hiếm nơi nào có được…” và thẳng thắn "phê" các hàng quán trước mặt Khách sạn Century. “Ở nước ngoài, không bao giờ tồn tại quán xá kiểu này nằm cạnh các khách sạn đẳng cấp từ 4-5 sao…”, bạn nhỏ nhẹ. Tôi chợt “tỉnh” và phân bua: “Con đường này đang chờ quy hoạch…”.

Quả thực, đường Lê Lợi còn nhiều đoạn chưa thẩm mỹ như cách góp ý của người bạn lâu ngày trở lại Huế. Đó là chưa kể sự bức bối về giao thông từ các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An cắt ngang vào giờ tan tầm...

Mừng và lo

Thực hiện cuộc khảo sát “bỏ túi” với một số người Huế khi đường Lê Lợi được quy hoạch, 70% phấn khởi và 30% chưa yên tâm.

Số người mừng bởi họ hy vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho tuyến đường này. Số người lo, không rõ diện mạo như thế nào, liệu có phù hợp với kiến trúc cảnh quan sông Hương, đến công viên, lan tỏa về trục phía Nam đô thị Huế.

Theo Sở Xây dựng, hồ sơ tổng hợp ý kiến góp ý đồ án thiết kế đô thị (TKĐT) do Viện Nghiên cứu TKĐT thuộc Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện nhằm cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu trung tâm phía Nam TP. Huế.

Theo đó, tuyến đường Lê Lợi sẽ hình thành trung tâm dịch vụ du lịch, đáp ứng tiêu chuẩn khi TP. Huế trở thành trung tâm giao lưu kinh tế và thành phố lễ hội; sẽ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực cửa ngõ hấp dẫn, ấn tượng.

Cụ thể, ở đoạn giao nhau từ đường Phan Bội Châu đến đường Hà Nội là không gian dành cho văn hóa, giáo dục, y tế, thiết kế sẽ dựa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị. Ngay cả trụ sở của UBND tỉnh hiện nay dự kiến sẽ là nơi đặt Bảo tàng Mỹ thuật.

Đoạn từ đường Hà Nội - Đội Cung có tính chất dịch vụ-du lịch, giáo dục với việc biến 6 trụ sở làm việc của các hội, ngành tại đây thành các khối khách sạn 5 sao. Đoạn từ đường Đội Cung đến Đập Đá, mục tiêu là tạo dựng hình ảnh đoạn phố sầm uất với các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng.

Đối với khách sạn Hương Giang, Century nằm bên sông Hương, đáng chú ý phương án kiến trúc tạo hình công trình hợp khối...

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014, đường Lê Lợi là một trong các tuyến giao thông chính khu vực bờ Nam sông Hương. Đồng thời là trục không gian gắn kết giữa công viên cảnh quan ven sông và các công trình kiến trúc có giá trị như Ga Huế, Đại học Huế; các trường Quốc Học, Hai Bà Trưng; Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa Huế; các khách sạn Sài Gòn Morin, Hương Giang, Century...

Bài, ảnh: Bạch Quang - Nhật Minh

(Còn nữa)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top