ClockThứ Năm, 09/07/2015 17:12

Gần biển mà ngại tắm biển

TTH - Trong những ngày hè oi bức, được ngâm mình dưới nước biển là niềm thích thú mà rất nhiều người lựa chọn. Thế nhưng, không phải ở đâu, bãi biển nào, người dân cũng đều có thể tắm được. Ngay cả những người sống cạnh biển cũng phải “di cư” đến nơi khác để tắm chỉ vì nước nhiễm bẩn và có mùi hôi.

Không dám tắm “ao nhà”

Anh Hồ Thắng, ở xã Điền Môn (Phong Điền) trò chuyện, từ khi một số bãi biển như Điền Lộc, Điền Hương (Phong Điền)… được mở ra, người dân ở nhiều vùng lân cận tập trung đến đây để tắm cũng như thưởng thức các món hải sản. Thế nhưng, thời gian gần đây, khu vực này có hiện tượng nước nhiễm bẩn nên nhiều người dân bản địa cũng như khách thập phương phải tìm đến các “bãi làng” sạch để tắm. Dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) mới đây, dù chưa có đường đi ra biển, thiếu dịch vụ, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận lội bộ cát trắng để được tắm nước biển sạch ở các bãi tắm còn sơ khai. 
Một số bãi biển đang dần vắng bóng người vì nước nhiễm bẩn
Nhiều hộ dân ở các thôn Tân Thành, Hải Thành, xã Quảng Công (Quảng Điền) rất bức xúc khi nhắc đến vấn đề này. Bà Lê Thị Ngãi, thôn Tân Thành cho biết, hơn một năm nay, người dân trong thôn đều kêu trời vì nước biển đoạn qua địa bàn thôn thỉnh thoảng có mùi hôi và xuất hiện màu đỏ sẫm. Tình trạng bất thường trên thường diễn ra tầm 4-5 giờ chiều, có hôm vào buổi sáng, lúc mà bà con thường xuống biển để tắm.
Nhiều hồ nuôi tôm chân trắng ven biển xả nước thải trực tiếp xuống biển gây mùi hôi và nước biển đổi màu
Theo ý kiến của nhiều người dân, từ khi các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển phát triển ồ ạt thì xuất hiện mùi hôi và nhất là khu vực gần hồ nuôi tôm, nước biển thường bị chuyển màu đậm, đục. Nước từ các hồ nuôi tôm phần lớn đang được xả thẳng ra biển. Với tình trạng xả thải như vậy, người dân một số thôn ở Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) và vùng Ngũ Điền, Phong Hải (Phong Điền) rất ngại tắm biển vì sợ bẩn, ngứa. Bác Lê Mô, ở thôn Tân Thành (Quảng Công) bức xúc: Hôm nào các hồ tôm xả nước thải là nước biển bị nhiễm màu sẫm và bốc mùi hôi rất khó chịu. Đi thể dục không dám đi vì hôi, tắm cũng không dám, mà nếu lỡ tắm rồi phải lên nhà lấy nước sạch, xà phòng tắm lại thiệt kỹ.
Sống cạnh biển mà không tắm được nước biển nói ra nghe nực cười, nhưng lại là chuyện có thực mà nhiều người dân thôn Tân Thành phải đối mặt. Bác Nguyễn Trung Phương chia sẻ: Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, quyền lợi hưởng thụ của người dân mà từ khi những hồ nuôi tôm hình thành đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiếm sống dựa vào nghề biển của bà con, nhất là nghề bủa ròng. Bác Trung giải thích, do các hồ nuôi tôm cắm cọc ra tận ngoài biển để bắc ống hút nước mặn vào hồ nên khi làm nghề, nhiều lưới và ghe nhỏ của ngư dân bị rách, thủng đáy do đụng phải cọc. Bên cạnh đó, cá vào bờ ít dần, có một số loài phổ biến trước đây giờ dường như vắng bóng. Nhiều người dân phán đoán một phần là do nguồn nước bị nhiễm bẩn mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nước xả thải của hàng trăm ha tôm nuôi ven biển.
 
Đừng chủ quan
Thực tế ở nhiều quốc gia, nơi nào có bờ biển đều rất được xem trọng và được bảo vệ nghiêm ngặt cả về mặt cảnh quan môi trường lẫn hoạt động khai thác đánh bắt hải sản. Ở tỉnh ta, với bờ biển dài khoảng 128km qua 5 huyện, thị xã, là lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế du lịch biển. Thế nhưng, do chưa được coi trọng và chưa có chính sách về bảo vệ cũng như khai thác hợp lý nguồn tài nguyên biển, nên môi trường biển đang có hiện tượng ô nhiễm, chất lượng nước biển một số điểm giảm sút.
Qua trao đổi với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, được biết, hàng năm, đơn vị chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiến hành lấy mẫu quan trắc chất lượng nước biển tại một số điểm đại diện trên địa bàn tỉnh. Kết quả quan trắc cho thấy, chưa có sự thay đổi đột biến về chất lượng môi trường nước biển tại các điểm lấy mẫu. Tuy nhiên, đơn vị chưa tiến hành lấy mẫu tại một số điểm cụ thể được phản ánh, để có kết quả đánh giá cục bộ. Để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm cần có sự khảo sát, đánh giá toàn diện, bởi nguyên tắc, các sông trước khi đổ ra biển đều chảy qua các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và vùng nông nghiệp. Vì vậy, nguồn thải từ nước sông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước biển ven bờ. Mặt khác, hoạt động xả thải hằng ngày của người dân sống ven biển không được hoặc chưa được thu gom xử lý kịp thời, lượng lớn chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản công nghiệp đang phát triển hiện nay và dầu thải từ tàu thuyền đánh bắt cũng là những tác nhân ảnh hưởng.
Còn nhớ vào năm 2012, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có đợt thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Phong Điền, nhiều hộ nuôi đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt mỗi hộ từ vài chục đến trên trăm triệu đồng vì không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, xả thẳng nước thải ra môi trường. Đến nay, một số chủ hồ tuy có khắc phục, song vẫn chưa đảm bảo và đồng bộ, còn lại phần lớn đều trong tình trạng nước thải chưa qua xử lý. Để đảm bảo tính bền vững cho môi trường biển, ngoài việc tập trung khắc phục xử lý những tác động ảnh hưởng như từ rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải hữu cơ từ các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển, đầm phá, các địa phương cũng cần mạnh tay kiểm soát và yêu cầu các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển đầu tư và xử lý đồng bộ, hiệu quả hệ thống nước thải, tránh tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường đất cũng như đổ thẳng ra biển.
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top