ClockThứ Năm, 19/12/2013 06:13

Gần dân và xa dân

TTH - Xa dân là một biểu hiện suy thoái về đạo đức. Mọi biểu hiện xa dân, gây phiền hà cho nhân dân là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người cán bộ cách mạng. Hiện nay, bệnh xa dân thể hiện ở lề lối làm việc tắc trách, cửa quyền, quan liêu, hách dịch; tham ô, đục khoét của dân. Thói xa dân bộc lộ ở việc ham thành tích, làm việc qua loa, đại khái, không đi sâu vào thực tiễn cuộc sống của dân, làm việc dựa trên giấy tờ, văn bản; nghe cấp dưới báo cáo mà thiếu kiểm tra thực tế, không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Xa dân hiện đang là một căn bệnh. Căn bệnh làm việc “hành là chính”, ăn cắp thì giờ, chậm trễ trong công việc, gây oan sai, sách nhiễu, thậm chí vòi vĩnh nhân dân.

Tệ chạy theo quyền lực cũng dẫn tới hậu quả của bệnh xa dân. Thực tế cho thấy một số cán bộ không do năng lực, không vì nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, nhưng “chui” vào được bộ máy công quyền, họ chỉ lo kéo bè, kéo cánh, chạy theo lợi ích, thu vén cá nhân mà không lo cho dân. Kém tài, kém đức lại ham quyền lực, một số cán bộ coi chức quyền là cầu thang để phát tài, từ đó mà xa dân, xa rời tôn chỉ mục đích - cán bộ là công bộc của nhân dân.

Xa dân dẫn đến hậu quả là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là đúng nhưng khi triển khai thực hiện lại sai. Đơn giản là không vận dụng đúng vào thực tiễn đa dạng, phong phú trong đời sống của nhân dân. Bệnh xa dân sẽ không nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; không nghe dân nói, không thấy được vai trò sức mạnh của quần chúng nhân dân. Cán bộ xa dân gây hậu quả làm suy yếu chính quyền, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.

Thực trạng cho thấy có những chính sách đầu tư, những dự án treo làm khổ nhân dân hàng chục năm không ai chịu trách nhiệm; làm cho người dân gặp muôn vàn khó khăn trong việc ăn, ở, đi lại, sản xuất kinh doanh… Thực tế ấy nếu gần dân chắc chắn sẽ có hướng giải quyết, nhưng do xa dân nên bức xúc cứ dồn nén trong cuộc sống của người dân, bởi dân kêu ca mà không ai đứng ra giải quyết. Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương cần xem xét, rà soát lại những chính sách đầu tư, những dự án quy hoạch không thực tế, thiếu tính khả thi để giải quyết, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành đã xóa các dự án quy hoạch khó thực hiện, trả lại hàng vạn hecta đất cho người dân tổ chức lại sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, ở nhiều địa phương chưa thực hiện tốt vấn đề này, cuộc sống của người dân vẫn gặp phải quá nhiều rắc rối. Phải chăng do quá xa dân nên sự việc ở cơ sở chưa ai với tới.

Hiện tượng xa dân nếu không kiên quyết khắc phục sẽ là trở ngại lớn trong công cuộc đổi mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mong muốn mà Người luôn trăn trở “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh mẫu mực với phong cách làm việc cụ thể, nói đi đôi với làm, sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng, luôn kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách, kịp thời rút kinh nghiệm để mang hiệu quả thiết thực: Vì lợi ích của nhân dân, Bác thường nhắc nhở mọi người chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta, làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Uy quyền có thể làm người ta sợ chứ không thể dành được sự tin yêu, kính phục của người khác.

Chúng ta đang tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên muốn không mắc bệnh xa dân trước hết cần nhận thức về ý nghĩa của công việc mình làm là mang lại lợi ích cho nhân dân, dân tộc. Là cán bộ, đảng viên phải xóa sạch trong tư tưởng, đầu óc của mình bệnh cá nhân chủ nghĩa, xa rời nhân dân.

Cán bộ, đảng viên muốn không mắc bệnh xa dân phải xây dựng cho mình tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Phải học tập phong cách làm việc gần dân, thân dân, vì dân, thể hiện trong công việc cụ thể gắn với nhiệm vụ, cương vị công tác của mỗi người.

Hình ảnh cán bộ gần dân được báo chí tập trung phản ảnh gần đây là phong cách của Bí thư Thành ủy Hội An –ông Nguyễn Sự. Trả lời với báo giới, ông nói rõ đã làm cán bộ lãnh đạo là phải đàng hoàng, phải gần dân, lo cho dân thì việc gì cũng thành công. Quản lý cái phố cổ Hội An khó lắm chứ, nhưng do gần dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, lắng nghe dân nói rồi lập trình kế hoạch lo cho người dân có thu nhập, thế là dân nghe. Có khó đấy, nhưng do gần dân, dân tin, dân biết hy sinh cái lợi ích riêng để đổi lấy cái lợi ích chung và đích đến cuối cùng là người dân có lợi ích lâu dài. Qua bao thăng trầm, hôm nay Hội An được cả trong nước và nước ngoài biết đến với lời tán dương là nơi đáng sống. Người dân TP Hội An ai cũng biết ông Nguyễn Sự. Biết không phải vì ông đã qua 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND thành phố rồi làm Bí thư Thành ủy, hay lên tivi, lên báo mà biết đến con người ông một cán bộ gần dân. Việc gì liên quan đến đời sống của dân, ông thường có mặt ở các khối phố với vai người dân để nghe ngóng rồi có ý tưởng thực hiện hợp với lòng dân. Không ngoài mục tiêu lớn lao là làm sao cho Hội An vừa bảo tồn được phố cổ, vừa có nếp sống hiện đại…

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng chỉ rõ về sự cần thiết phải học tập và làm theo phong cách gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, các tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư cách, đạo đức của người cán bộ cách mạng, về bổn phận của người cán bộ trước nhân dân theo tấm gương của Bác Hồ.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top