ClockThứ Năm, 28/07/2016 14:23

Gánh đồ chơi của ông Lợi

TTH - Mày mò sáng tạo, ông Ngô Quang Lợi trở thành chủ nhân của nghề làm đồ chơi dân gian bằng mút, xốp độc đáo, không chỉ trẻ con mà cả khách Tây cũng mê.

Hàng du lịch

Tình cờ một hôm đi dạo ở bến Tòa Khâm, nơi mỗi tối tấp nập du khách hóng mát và đi nghe ca Huế, chúng tôi phát hiện gánh đồ chơi đặt bên đường của một người đàn ông tóc đã bạc. Trẻ con xúm quanh xem, cùng mấy vị khách du lịch đến từ Pháp.

Những con vật ngộ nghĩnh do ông Lợi sáng tạo được khách hàng yêu thích

Gánh đồ chơi trông rất bắt mắt, mô phỏng các con vật quen thuộc của người Việt như gà, rắn, rùa…Chúng được làm từ xốp, mút và giấy. Không chỉ đẹp ở màu sắc rực rỡ, những con vật còn có thể điều khiển để chạy, nhờ bộ phận điều khiển đơn giản do ông Lợi tự chế.

Nhìn ngắm các con vật “nhảy múa”, các vị khách Tây tỏ ra thích thú. Thế là “ok”, rút ví mua một vài con làm kỷ niệm. Chủ nhân gánh đồ chơi cho hay, ông bày bán ở khu vực bến Tòa Khâm 20 năm nay. Khách nước ngoài rất thích. Bằng con đường này, các món đồ chơi thủ công dân dã của ông đã đến không biết bao nhiêu nước trên thế giới.

Để quảng bá cho sản phẩm của mình, ông Lợi cắt một tấm bìa vuông vức to bằng cái mâm, có mấy chữ: “Đồ chơi dân gian làm bằng mút. Mede in Việt Nam - Huế”. Ông giải thích, trưng cái biển như thế để người mua biết đây là sản phẩm địa phương, kẻo nhầm với hàng Trung Quốc đang tràn lan.

Rong ruổi

Tò mò, chúng tôi đến thăm “xưởng” đồ chơi của ông Lợi ở 159 Lê Duẩn, TP. Huế. Trong căn nhà nhỏ, mới sáng sớm mà ông đã bày việc, bên cạnh dao, kéo, tấm mút, dây thép, dây dù… Ông Lợi mở lời: “Cái nghề ni ngó ri mà cực lắm. Phải kiên trì. Không yêu nghề thì chịu”.

Lạ là nghề không phải gia truyền. Ông vốn là bộ đội phục viên. Rời quân ngũ năm 1980, chỉ có hai bàn tay trắng, một gia đình 4 đứa con lần lượt ra đời. Để kiếm sống, ông làm lụng đủ nghề, từ bơm bong bóng dạo.

Những lúc khốn khó, ông lại nghĩ đến thời thơ ấu, với những món đồ chơi mẹ mua. Với một chút hoa tay và sự kiên trì, ông bắt đầu nghĩ đến việc làm đồ chơi cho trẻ con. Ban đầu là những con chuồn chuồn tre đi bán dạo. Trên chiếc xe đạp cũ, ông về Phú Vang, vào tận Đà Nẵng, Hội An… Đến khi những món hàng cũ đi, không được chuộng nữa thì ông lại nghĩ đến cái khác.

Gần 20 năm nay, ông Lợi mày mò làm đồ chơi cho trẻ con bằng mút, xốp. Ông mua các tấm mút dùng để trang trí bán sẵn, rồi cắt, dán... Chỉ riêng con lăn để điều khiển đồ chơi hoạt động được, ông phải thử nghiệm trong vòng hai năm. “Ngó rứa mà khó lắm. Con lăn nặng một tý là điều khiển không chạy được. Kích cỡ các con vật phải vừa đủ, không nhẹ, cũng không nặng mới có thể đi lại, chạy nhảy nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Thấy thì nhàn nhã, nhưng nghề ni cũng chỉ lấy công làm lãi. Ngồi mãi đau lưng lắm”, ông Lợi chia sẻ. Có lẽ đúng như ông Lợi bộc bạch nên mấy mươi năm qua, dù sản phẩm của ông bán rất chạy nhưng tuyệt nhiên không thấy ai làm nhái, bắt chước.

Nói về niềm vui của nghề, người cựu binh già bảo, nó đã giúp vợ chồng ông nuôi được 4 đứa con trưởng thành, trong đó có hai người đã qua đại học, đang làm ở công sở. Và vui nhất là khi sản phẩm của mình làm ra được chào đón. Ngoài bán dạo ở Huế, bỏ sỉ cho một số mối ở chợ, hễ đâu có lễ hội, ông lại đèo hàng đi, như một cái thú của nghề.

Ngắm nhìn những con vật dễ thương, độc đáo, đầy sáng tạo, chúng tôi hỏi, sao không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hay tham gia cuộc thi sáng tạo mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh cho vui và quảng bá thêm nghề của mình. Ông cười lành: “Cái nghề chỉ là đắp đổi qua ngày, đâu dám nghĩ xa như vậy”.

Đúng là không dám nghĩ xa thật bởi đến nay, một chỗ ngồi ổn định để bán hàng vẫn chưa có. “Mấy chục năm nay ngồi bán ở bến Tòa Khâm là ngồi tạm. Sợ bị đuổi nên 9 giờ mới dám dọn ra. Muộn quá nên khách không được nhiều”, ông Lợi bày tỏ. Rất muốn được bày bán ở phố đêm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, để có dịp giới thiệu đồ chơi dân gian của người Việt đã ngày một thưa vắng nhưng ông lo không đủ chi phí thuê lô và nghề cũng không thể thường xuyên bởi tuổi đã lớn, nhiều khi trở bệnh do trái gió, trở trời.

Không chỉ thiếu một nơi để bán hàng, điều lo nữa của người nghệ nhân đồ chơi dân gian (tạm gọi công việc của ông Lợi như thế) là đến nay, các con không ai theo cái nghề đòi hỏi cả tình yêu, sự kiên trì và đôi tay tài hoa này.

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
"Trạm cá chép siêu tốc" tiễn ông Táo

Từ một vài phường xã triển khai, đến nay, mô hình Trạm tiễn ông táo tập trung được nhiều đơn vị nhân rộng ở TP. Huế. Ngoài bảo vệ môi trường, cách làm sáng tạo này còn góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp.

Trạm cá chép siêu tốc tiễn ông Táo
Phát huy tiềm lực đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

Chiều 19/1, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và hội nghị triển khai công tác năm 2024.

Phát huy tiềm lực đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

TIN MỚI

Return to top